Nhận diện các giá trị cốt lõi trong thời kỳ mới

PGS.TS. ĐẶNG THỊ HOA - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 21/12/2022 01:03

Văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành.

>>Hệ giá trị gia đình Việt Nam

Trong giai đoạn hiện nay, các giá trị cốt lõi của gia đình cần được chú trọng, gìn giữ và phát triển trong thời kỳ mới dựa trên các chức năng cơ bản của gia đình Việt Nam.

Đó là các chức năng về kinh tế/ sản xuất với giá trị hướng tới là ấm no; chức năng tâm lý, tình cảm hướng tới giá trị hạnh phúc; chức năng sinh đẻ nuôi dưỡng và chăm sóc và chức năng xã hội hóa/ giáo dục của gia đình hướng tới giá trị tiến bộ và bình đẳng.

Các giá trị

Giá trị ấm no: được thể hiện bởi sự no đủ, đầy đủ về vật chất, điều kiện sống cho mỗi thành viên của gia đình. Bữa cơm không đơn thuần là một bữa ăn mà còn là biểu trưng cho sự ấm cúng, là dịp cha mẹ và con cái gần gũi, trao đổi, chia sẻ để có sự cảm thông, thể hiện tình yêu thương lẫn nhau. Giá trị ấm no được đo bằng chất lượng cuộc sống của gia đình với các biểu hiện về kinh tế - vật chất và thể chất.

Giá trị ấm no trong thời kỳ mới đòi hỏi các chính sách, chiến lược phát triển gia đình phải đáp ứng được yêu cầu đầy đủ về vật chất, cơ sở hạ tầng, cải thiện tiện nghi sinh hoạt và môi trường sống của mỗi gia đình.

Giá trị hạnh phúc: Gia đình là nơi bình yên cho con người, tạo nên và giữ gìn hạnh phúc của mỗi con người. Để có hạnh phúc, con người cần biết chế ngự đau khổ, giữ được tâm bình yên, làm những điều tốt cho người thân xung quanh mình, sống thoải mái không bị ràng buộc, cám dỗ bởi những ham muốn; hài lòng về các mối quan hệ gia đình, xã hội. Giá trị hạnh phúc của gia đình được biểu hiện rõ nét thông qua các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Giá trị tiến bộ: được cụ thể hóa bằng sự bình đẳng trong gia đình. Bình đẳng của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bình đẳng nam và nữ được thể hiện rõ nét trong văn hóa gia đình Việt Nam. Mặc dù bị ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, gia đình Việt Nam vẫn luôn coi trọng giá trị bình đẳng trong các mối quan hệ. Bình đẳng giữa vợ và chồng; coi trọng việc cùng bàn bạc dân chủ đối với mọi công việc trong gia đình, duy trì phân công lao động trong gia đình theo giới nhưng có sự chia sẻ cao giữa các thành viên của gia đình. Sự phân công lao động trong gia đình phù hợp hơn với các công việc nội trợ, chăm sóc và hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện mới.

Giá trị văn minh: được thể hiện trên nhiều phương diện. Trước hết là những ứng xử, giao tiếp văn minh trong gia đình. Trong gia đình hiện đại, mối quan hệ, ứng xử giữa vợ và chồng; giữa cha mẹ và con cái cũng đang có nhiều thay đổi, phù hợp hơn với một xã hội văn minh, hiện đại. Đó là các biểu hiện của sự tôn trọng, chia sẻ, thực hiện các quyền bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình nhưng luôn đề cao giá trị đạo đức, nhân cách của con người. Trong gia đình hiện đại, bên cạnh những trang thiết bị góp phần nâng cao đời sống vật chất, tiện nghi sinh hoạt của gia đình thì phương thức ứng xử văn hóa cũng được coi trọng.

 Giá trị ấm no trong thời kỳ mới phải đáp ứng được yêu cầu đầy đủ về vật chất và môi trường sống của mỗi gia đình.

Giá trị ấm no trong thời kỳ mới phải đáp ứng được yêu cầu đầy đủ về vật chất và môi trường sống của mỗi gia đình.

>>BRG không có khái niệm “gia đình trị”

>>Kế nghiệp doanh nghiệp gia đình: Làm đúng để trường tồn

Những vấn đề đặt ra

Xây dựng, phát triển nền văn hóa dựa trên các giá trị gia đình được coi là giá trị nội sinh, có ý nghĩa tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều giá trị gia đình đã và đang biến đổi. Trước hết là các biến đổi giá trị trong hôn nhân, giá trị trong các mối quan hệ của gia đình, giá trị nội tâm và tâm linh, tín ngưỡng… Đồng thời, gia đình Việt Nam đang tiếp nhận những giá trị mới.

Trong các giá trị mới, giá trị vay mượn, có những yếu tố sáng tạo để tạo ra các giá trị mới như việc mở rộng không gian giao tiếp của gia đình dựa vào các công nghệ, thiết bị hiện đại. Việc mở rộng các ngôn ngữ giao tiếp cũng làm mới hơn các mối quan hệ trong gia đình. Bên cạnh duy trì các nghi lễ mang tính lễ giáo truyền thống, các thể thức nghi lễ mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn đời sống của gia đình, lan tỏa hơn các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại. Mặc dù vậy, các giá trị truyền thống của gia đình vẫn luôn được gìn giữ, làm đa dạng hơn bản sắc đa văn hóa của gia đình Việt Nam.

Trước những hỗn dung về văn hóa xâm nhập vào mỗi gia đình Việt Nam, việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống cần được coi trọng với những thuần phong, mỹ tục của gia đình. Cách đối xử trọng già, thương trẻ; anh em hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển; cách thức coi trọng chữ hiếu trong gia đình, nuôi dưỡng đức tính hiếu thuận và nhân nghĩa của con trẻ đã làm cho gia đình Việt Nam có tính bền vững và trường tồn. Bên cạnh đó, việc phát huy, tiếp nhận các giá trị mới của gia đình trong cuộc sống hiện đại cũng làm cho gia đình có đủ sức mạnh lan tỏa các giá trị yêu thương, chăm sóc không phụ thuộc vào thời gian, khoảng cách địa lý và khoảng cách về thế hệ.

Việc phát huy những yếu tố tích cực trong các giá trị gia đình truyền thống và tiếp thu những giá trị mới làm phong phú thêm hệ giá trị gia đình Việt Nam, tăng thêm tính cố kết trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xã. Điều đó cũng khẳng định tính linh hoạt và thích ứng của văn hóa gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Bất bình đẳng trong thu nhập các hộ gia đình Việt Nam

    04:00, 08/04/2021

  • Doanh nghiệp gia đình Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ kế nghiệp

    05:00, 12/02/2021

  • Sức ép “kép” đối với doanh nghiệp gia đình Việt Nam

    05:00, 27/06/2020

PGS.TS. ĐẶNG THỊ HOA - Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam