Định hướng nhận thức và hành động
Gia đình chính là tế bào của xã hội. Bởi vậy, xây dựng nhân cách từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
>>Hệ giá trị gia đình Việt Nam
Doanh Nhân đã có cuộc trò chuyện với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, khi nói hay bàn về vai trò của giáo dục gia đình trong việc giáo dục đạo đức, lối sống xây dựng nhân cách con người, người ta hay thấy cần phải bắt đầu từ xây dựng “nếp nhà”. Ông chia sẻ rõ hơn về từ “nếp nhà” trong gia đình người Việt và làm sao để phát huy những giá trị đó trong mỗi gia đình, dòng họ?
Người Việt hay diễn đạt văn hóa gia đình bằng một từ rất đỗi thân thuộc, gần gũi là “nếp nhà”. Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, gia đình người Việt là một trong thiết chế xã hội quan trọng nhất đối với mỗi cá nhân.
Một phần vì bản chất của gia đình chính là nơi gắn bó đầu tiên, nơi chúng ta bắt đầu cuộc sống; phần vì sợi dây gắn kết gia đình chính là tình cảm – một thứ tình cảm không bị lợi ích vật chất nào khác chi phối - nơi chúng ta có thể bộc lộ mọi cảm xúc, tính cách mà không sợ bị lợi dụng, lừa gạt, vì tình yêu thương trong gia đình đã đủ bao bọc mọi thành viên trong một mái ấm.
Nhưng hơn thế, gia đình người Việt còn được xem là tế bào của xã hội, ở đó, mối liên hệ Nhà – Làng – Nước chính là rường cột xây dựng nên đất nước, vì thế, giữ nước chính là giữ nhà, giữ làng. Hiểu ở một nghĩa nào đó, văn hóa gia đình còn tồn tại thì văn hóa đất nước còn tồn tại, và nhờ đó, giữ vững vận mệnh dân tộc.
Tôi vẫn nhớ bài hát của Đen Vâu cho dịp Tết năm 2021 với câu hát: “Đường về nhà là vào tim ta, dẫu nắng mưa gần xa. Thất bát, vang danh, nhà vẫn luôn chờ ta”. Đúng là gia đình ở quốc gia nào cũng quan trọng, những đối với người Việt, có lẽ, tình yêu thương dành cho gia đình mãnh liệt hơn. Đó cũng có thể là lý do người Việt chăm chút cho “nếp nhà”, cho văn hóa gia đình nhiều hơn. Một gia đình tốt là điều kiện lý tưởng để sinh thành nên những người con tốt, những công dân tốt cho xã hội.
>>BRG không có khái niệm “gia đình trị”
- “Nếp nhà” đúng thì không sao, phát huy được những giá trị trong mỗi gia đình, dòng họ và rộng hơn là cho văn hoá đất nước. Tuy nhiên, đâu đó ở nhiều nơi, nếp nhà vô hình chung lại là “thiết chế” vô hình của đặc tính mang tính chất riêng văn hoá gia đình, làm ảnh hưởng tới đặc tính chung, thưa ông?
Thực ra, trong văn hóa, nếu chúng ta biết phát huy giá trị của văn hóa, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ và chung cho cả đất nước. Tuy vậy, nếu chúng ta hiểu văn hóa theo nghĩa là thói quen của con người, tức là có những thói quen tốt và thói quen xấu, hay cụ thể ở đây, chúng ta nói về “nếp nhà” với tư cách là thói quen, lề lối riêng của gia đình, có những thứ tốt, phù hợp, có những thứ không tốt, không phù hợp, thì đúng là “nếp nhà” có lúc, có nơi, tồn tại những hạn chế.
Đó là tình trạng lấy lợi ích của gia đình, dòng họ làm trung tâm, mà không chú ý, quan tâm đầy đủ đến những thành viên khác trong cộng đồng, dẫn đến bè phái, cục bộ. Nhiều địa phương, chúng ta thấy có hiện tượng cả nhà làm quan. Tâm lý “một người làm quan, cả họ được nhờ” cũng rất phổ biến khiến nhiều người khó thoát khỏi “vòng kim cô” đó.
Văn hóa “trăm cái lý không bằng tý cái tình” khiến cho luật pháp nhiều khi bị vô hiệu hóa trong phạm vi ảnh hưởng của gia đình, rất khó cho nhiều cán bộ thực hiện “thượng tôn pháp luật”.
Trước kia, để tránh tình trạng này xảy ra, triều đình phong kiến đã đặt ra lệ hồi tỵ để các quan chức không được làm việc ở quê quán của mình là vì lý do như vậy. Ngày nay, chúng ta cũng đang cố gắng triển khai các quy định để văn hóa gia đình không ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực thi văn hóa công vụ, ảnh hưởng xấu đến xã hội toàn bộ. Đó cũng là cách để chúng ta phát huy được những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực của “nếp nhà”, để hướng đến xây dựng văn hóa gia đình tốt đẹp hơn.
- Ông có cho rằng sự xuất hiện của các mô hình gia đình phi truyền thống đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là về văn hóa ứng xử?
Gia đình ngày nay đã có sự biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa gia đình. Đầu tiên là quy mô gia đình giảm từ gia đình nhiều thế hệ xuống chủ yếu là các gia đình hạt nhân. Chức năng của gia đình cũng có nhiều biến đổi khi thường thì cả bố mẹ đều đi làm ở ngoài, việc dạy dỗ con cái nhiều khi phó mặc cho nhà trường, thậm chí cho cả người giúp việc.
Bên cạnh đó, tác động chung của bối cảnh nền kinh tế thị trường với việc đề cao những giá trị vật chất, hướng đến cái tôi cá nhân nhiều hơn dẫn đến việc xao lãng những giá trị tinh thần, cộng đồng và cả gia đình; quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng khiến những nét văn hóa hào nhoáng của nước ngoài chi phối nhận thức và hành động của nhiều người, trong nhiều gia đình; hay sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trong đó đặc biệt là mạng xã hội, khiến cho các thành viên trong gia đình dành ít thời gian cho nhau hơn, đặc biệt là trẻ em.
Tất cả khiến cho văn hóa gia đình nói chung, văn hóa ứng xử trong gia đình nói riêng, ngày hôm nay biến đổi nhanh, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhiều hệ lụy từ đó cũng sinh ra. Chúng ta đang chứng kiến rất nhiều hiện tượng sai lệch trong văn hóa ứng xử như bạo lực gia đình, tình trạng ly hôn, tự tử hay nhiều thói hư, tật xấu khác diễn ra ngay trong chính gia đình, hoặc bị ảnh hưởng từ gia đình. Đó là những gì hết sức đáng lo ngại liên quan đến văn hóa ứng xử trong gia đình.
- Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 224/QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Từ những thực tế hiện nay, theo ông, nội dung giáo dục gia đình hiện nay cần tập trung vào cách giáo dục văn hóa ứng xử trong gia đình trong bối cảnh mới như thế nào?
Một trong những mục đích của Bộ tiêu chí nhằm xác định và từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội.
Điều đáng mừng là chúng ta đã kịp thời ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình để từ đó chúng ta định hướng nhận thức, hành động, tạo ra dư luận xã hội phù hợp để đánh giá về ứng xử trong gia đình. Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhiều việc hơn nữa để văn hóa gia đình thực sự là hệ điều tiết cho các hành vi ứng xử trong gia đình, có ích cho sự phát triển đạo đức, nhân cách của mỗi thành viên trong gia đình và toàn xã hội.
Để làm được điều đó, đầu tiên, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là ông bà, cha mẹ cần phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống cho con cháu noi theo. Từ thực tiễn gia đình cho thấy, giáo dục gia đình quan trọng nhất chính là sự làm gương của cha mẹ. Trong gia đình, người thầy đầu tiên của trẻ chính là cha mẹ, nên muốn trẻ em có nhân cách tốt thì trước hết cha mẹ và các thành viên trong gia đình phải là những tấm gương tốt.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Hệ giá trị gia đình Việt Nam
10:50, 20/12/2022
Văn hóa đặc biệt trong “đế chế” gia đình Merck
16:22, 19/12/2022
Gia đình trẻ đầu tư gì khi dư 20 triệu đồng mỗi tháng?
15:56, 08/12/2022
Doanh nhân - nhà giáo dục gia đình
09:38, 29/11/2022