Xác lập và quản lý tài sản của vợ chồng thời đại số

Luật sư Đậu Thị Quyên Giám đốc Hãng Luật LPVN 23/12/2022 01:00

Tài sản chung của vợ chồng dùng để xây dựng, duy trì và phát triển đời sống chung. Bởi vì tài sản gắn liền với quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng.

>>Số phận của gia đình

Trong sự nghiệp của mỗi người, việc tạo lập, phát triển và quản lý tài sản là một trong những vấn đề vô cùng quan trọng. Đặc biệt trong thói quen của nhiều người Việt, dù thành lập công ty hay làm ăn kinh doanh, họ cũng thường gộp khối tài sản của pháp nhân vào khối tài sản của gia đình, ít có sự tách bạch rõ ràng. Chưa kể, đối với các “công ty gia đình” chưa tạo được danh tiếng, nơi mà vợ chồng cùng làm ăn với nhau, thì ranh giới giữa “của chung - của riêng” và câu chuyện về quyền sở hữu tài sản đã tạo ra vô số các tranh chấp từ trước đến nay và càng không có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời đại số.

Pháp luật cũng đã có nhiều bước tiến trong việc tạo điều kiện xác lập và bảo vệ những tài sản, di sản của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh chủ vẫn chưa ý thức được vấn đề này một cách nghiêm túc, dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp không đáng có, thậm chí đánh mất cả sản nghiệp mà mình đã dày công gây dựng.

Hai chế độ tài sản của vợ chồng

Một điều dễ nhận thấy, trong xã hội Việt Nam, vợ chồng thường không để ý đến chế độ tài sản của mình. Mọi người thường mặc định rằng lấy nhau về thì mọi thứ đều “chung”. Do vậy, của cải tạo lập trong suốt thời kỳ hôn nhân cũng là của chung. Ngay từ trong lễ cưới, tiền mừng, vàng bạc… cũng được chung nhau và không ít cặp đôi cũng chung tài chính với cha mẹ sau hôn nhân. Trong quá trình làm ăn kinh doanh, doanh chủ thường sẽ “dốc hết vốn liếng” để làm ăn và cũng không có bất kỳ thỏa thuận hay phân định về việc quản lý việc kinh doanh này.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, có hai chế độ tài sản của vợ chồng: đó là chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo luật định. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Như vậy, ngoài chế định “tài sản chung của vợ chồng” như một tư duy mặc định, thì chúng ta cần mở rộng và vận dụng quy định của pháp luật về quyền tự do quyết định vấn đề tài sản của gia đình mình sẽ theo chế độ nào. Có thể là riêng của ai nấy giữ, cũng có thể là riêng một phần (phần làm ăn kinh doanh), và chung (chung các vấn đề thiết yếu của gia đình). Trong quá trình đó, doanh gia cũng cần tách bạch khối tài sản của gia đình trong khối tài sản của công ty, không chỉ là tuân thủ chế độ thuế kế toán trong làm ăn kinh doanh, mà còn để đảm bảo vấn đề trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn theo loại hình kinh doanh mà doanh chủ đã lựa chọn.

Gốc rễ của vấn đề nằm ở sự thỏa thuận của các bên, khi cánh cửa pháp luật đã mở rộng cho sự thỏa thuận, thì mỗi công ty, gia đình sẽ hạn chế được các tranh chấp về tài sản khi xảy ra các sự cố phá sản, làm ăn thua lỗ, nợ nần, ly hôn v.v…

>>Hệ giá trị gia đình Việt Nam

>>BRG không có khái niệm “gia đình trị”


“Số hóa” tài chính

Làn sóng số và cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động trực tiếp đến vấn đề xác lập và quản lý tài sản của các doanh gia, doanh chủ. Sự xuất hiện của tiền ảo, tiền số, NFTs bên cạnh các tài sản trên sàn chứng khoán, sàn giao dịch số trước đây… đã đặt ra nhiều vấn đề về quyền sở hữu. Nhiều doanh chủ đặt hết khối tài sản của mình vào bitcoin và sự giảm giá của đồng tiền trong thời gian qua đã mang lại rất nhiều mâu thuẫn, tranh chấp và khủng hoảng trong các gia đình.

Để hạn chế tình trạng đó, vợ chồng cần thống kê và lập checklist các tài sản hiện có của gia đình, của doanh nghiệp, tài sản hình thành trong tương lai, cũng như các khoản nợ (nếu có). Tất cả cũng cần phải được “số hóa” để dễ dàng nắm bắt và quản lý tài sản của mình. Cũng như trong đầu tư có nguyên tắc “không bỏ hết trứng vào một giỏ” thì việc thống kê này sẽ cho chúng ta thấy rõ mình có bao nhiêu “trứng” để khi cần thì sẽ xử lý loại trứng nào trước tiên. Đồng thời, nếu giỏ trứng nào đưa vào kinh doanh mà giỏ đó thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì theo quy định của pháp luật cần có thỏa thuận bằng văn bản về việc ai là người quản lý, sử dụng, chịu trách nhiệm đối với phần đưa vào kinh doanh đó.

Hiện nay, tiền số chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận như ở các quốc gia khác, tuy nhiên việc tạo lập, giao dịch lại liên quan đến tiền pháp định. Việc lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực nào là quyền của mỗi người, nhưng sự bảo hộ của nhà nước là một trong những yếu tố quan trọng để xác lập và quản lý tài sản trong thời đại số. Chúng ta có thể hưởng thừa kế từ những cổ phần, cổ phiếu, sổ tiết kiệm… nhưng vẫn chưa được hưởng thừa kế từ những bitcoin hay ETH… Do vậy cần lưu ý vấn đề này trong việc xác lập và quản lý tài sản trong thời đại số.

Có thể bạn quan tâm

  • Số phận của gia đình

    01:00, 22/12/2022

  • Hệ giá trị gia đình Việt Nam

    10:50, 20/12/2022

  • Doanh nhân - nhà giáo dục gia đình

    09:38, 29/11/2022

Luật sư Đậu Thị Quyên Giám đốc Hãng Luật LPVN