Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lợi bất cập hại!

THIÊN ÂN 17/01/2023 06:59

Việc cho doanh nghiệp tự quyết giá bán lẻ xăng dầu có thể xảy ra tình trạng doanh nghiệp bắt tay nâng giá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và kinh tế vĩ mô.

>> Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương cần phải chịu trách nhiệm chính

Vừa qua, Bộ Công thương đã công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu (Dự thảo).

Điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo nói trên là đề xuất phương án Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.

Cả cả Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đều muốn “né” quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa: TC

Cần đưa giá xăng dầu về sát với thị trường. Ảnh minh họa: TC

Theo đó, phương án được Bộ Công thương đề nghị chọn là  “Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá, gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế, lợi nhuận định mức, mức trích, sử dụng Quỹ bình ổn giá... Đây được coi là giá định hướng, các doanh nghiệp trên cơ sở dữ liệu này sẽ cộng các chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... để tự xác định và công bố giá bán lẻ của mình. Doanh nghiệp tự kê khai khi thay đổi giá bán, báo cáo liên Bộ Công Thương - Tài chính để giám sát.”

Theo Bộ Công thương, lý do chọn phương án này là cần đưa giá xăng dầu dần về sát với thị trường, giảm dần sự can thiệp Nhà nước. Mặt khác, phương án này đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu theo thực tế phát sinh của từng doanh nghiệp, hạn chế đầu cơ, găm hàng và khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế không đồng ý với đề xuất trên. Bởi vì xăng dầu là mặt hàng chiến lược, một vật tư quan trọng cho nên mỗi sự biến động dù là nhỏ nhất của mặt hàng này đều tác động tới toàn bộ nền kinh tế, xã hội Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Chính vì vậy, cho nên tất cả các quốc gia đều rất coi trọng vấn đề an ninh năng lượng, trong đó có an ninh về xăng dầu.

Hơn nữa, Nhà nước vẫn đang quản lý xăng dầu cả về số lượng, chất lượng, giá cả, mặt hàng xăng dầu chưa theo kinh tế thị trường “một cách thực thụ”, chưa tự do kinh doanh và còn độc quyền về thị phần. Nếu Nhà nước chỉ đưa ra giá định hướng, còn giá bán lẻ doanh nghiệp tự quyết sẽ không ổn.

Chuyên gia Bùi Trinh phân tích, giá xăng dầu liên quan từ sản xuất đến người tiêu dùng, đặc biệt mặt hàng này liên quan đến ngành vận tải rất lớn. Trong khi đó, vận tải là ngành làm tăng lưu thông thì lại liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Không chỉ vậy, xăng dầu còn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng đến chỉ số giá sản xuất (PPI). Nền sản xuất là mạch máu của nền kinh tế. Khi doanh nghiệp xăng dầu chỉ bán xăng “xịn” giá cao, người tiêu dùng bị “ép” mua xăng này sẽ đẩy giá thành vận tải lên. Một khi cước vận tải lên thì giá hàng hóa cũng sẽ tăng lên. Khi CPI và PPI tăng lên thì tăng trưởng sẽ giảm xuống nếu đúng theo quy trình. Đó là hiểm họa rất lớn.

Theo chuyên gia, việc quản lý kinh doanh xăng dầu thi Bộ Công Thương đảm trách hoàn toàn phù hợp - Ảnh minh họa: KTĐT

Theo chuyên gia, việc quản lý kinh doanh xăng dầu thi Bộ Công Thương đảm trách hoàn toàn phù hợp - Ảnh minh họa: KTĐT

>> Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá

PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng đó là phương án “không thể chấp nhận” do vi hiến, không tuân thủ theo luật hiện hành, cụ thể là Luật giá. Việc giao quyền quyết định giá bản lẻ xăng dầu cho các doanh nghiệp như việc giao cho “một anh gà có cựa” hay “hổ đã có một nanh vuốt” nếu lại giao cho thêm một “nanh vuốt” là rất nguy hiểm.

“Khi họ giữ được vị thế thống lĩnh thị trường thì họ có thể lợi dụng vị thế của họ để nâng giá, buộc người tiêu dùng phải chấp nhận”, PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Thực tế, hai ông lớn bán lẻ xăng dầu là Petrolimex và PVOil đang chiếm lần lượt khoảng 50% và 17% thị phần xăng dầu nội địa. Với thị phần như hiện nay, các doanh nghiệp này đang thống lĩnh thị trường trong nước. Nếu để doanh nghiệp tự quyết định giá sẽ không loại trừ khả năng các doanh nghiệp bắt tay nâng giá sản phẩm, thao túng giá.

Đặc biệt xăng dầu là mặt hàng chiến lược. “Khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo mọi hàng hóa đều té nước theo mưa, ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Như vậy, Dự thảo nghị định tháo chỗ này, giữ chỗ khác và vẫn còn nặng tư duy bao cấp là vậy. Ngoài ra, với lo ngại về việc giá cả xăng dầu tại vùng sâu, vùng xa có thể tăng khi cho doanh nghiệp tự quyết giá bán vì chi phí vận chuyển, cần có quy định và phải có kiểm tra tính hợp lý của các chi phí tự khai của doanh nghiệp.

Hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên những mặt hàng quan trọng thiết yếu như xăng dầu, điện cần sự tham gia quản lý của Nhà nước. Chỉ khi nào hoàn toàn tự do cạnh tranh, lúc bấy giờ để thị trường tự quyết định, định giá.

Điều này cũng có nghĩa, khi điều hành giá xăng dầu để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là dân sinh, chúng ta thấy thị trường bán lẻ xăng dầu của Việt Nam có phần thiên vị cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, hơn là người dân và Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần thiết áp dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh xăng dầu

    04:00, 17/01/2023

  • Quản lý kinh doanh xăng dầu: Không thể chuyền mãi… “quả bóng” trách nhiệm

    04:00, 15/01/2023

  • Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Bộ Công Thương cần phải chịu trách nhiệm chính

    04:00, 12/01/2023

  • Dự thảo Nghị định sửa đổi quản lý xăng dầu: Chưa phải phương án cuối cùng  

    07:23, 10/01/2023

  • Kinh doanh xăng dầu - Không thể giao doanh nghiệp thống lĩnh thị trường quyết giá

    05:00, 10/01/2023

THIÊN ÂN