Giá trị tết

PGS. TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam 22/01/2023 05:00

Tết cổ truyền trở thành điểm tựa, sức mạnh tinh thần giúp cá nhân, cộng đồng, dân tộc vượt qua những cam go, thử thách, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp.

>>CẢM XÚC XUÂN: Hương hoa ấm áp mùa Xuân

Ngày Tết Nguyên đán cổ truyền có một giá trị truyền thống tinh thần rất lớn. Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm hồn của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng.

Ngày Tết Nguyên đán cổ truyền có một giá trị truyền thống tinh thần rất lớn. Giá trị đó ẩn sâu trong đời sống tâm hồn của mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng.

“Văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa là sự lắng đọng, kết tinh tình cảm, trí tuệ, phẩm chất, tâm hồn bao thế hệ người dân nước Việt. Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của Tết cổ truyền sẽ tạo nền tảng tinh thần vững chắc, cổ vũ, động viên mỗi người không ngừng cố gắng vươn lên, đồng lòng thực hiện thành công khát vọng xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Giá trị nhân văn

Tết là đoàn viên, đoàn tụ, sum vầy: Dịp Tết, trừ những trường hợp bất khả kháng không thể về được, còn bất kỳ ai, dù đang làm công việc gì, ở đâu, cũng phải lo thu xếp về với gia đình.

Tết thể hiện sự no đủ và mong muốn được no đủ: Những ngày Tết xưa, mỗi gia đình dù nghèo khó, cũng cố gắng lo được đầy đủ, tươm tất các đồ ăn (nhiều món và đều là món ngon, trong đó, rất nhiều món chỉ có vào dịp này, trong điều kiện vật chất khi xưa, như bánh chưng, thịt đông…). Khái niệm “Ăn tết” bắt nguồn từ đây. Câu “Đói quanh năm, no ba ngày Tết” vừa có nghĩa là mong muốn có một cái tết đầy đủ, vừa là quan niệm ngày Tết phải đầy đủ, thậm chí phải thừa thãi thì cả năm mới được sung túc. Vì thế, Tết Nguyên đán được gọi là “Tết cả” (tết lớn nhất trong năm). Song cũng vì thế mà dẫn đến những bất hợp lý về chi tiêu, sự lãng phí và không khoa học trong ăn uống.

Tết là dịp để tri ân, để con cháu nhớ về công lao của ông bà, tổ tiên, cũng là dịp để những người chịu ơn bày tỏ sự biết ơn với người giúp đỡ, cưu mang mình, thể hiện ở tục biếu Tết, lễ Tết, với lễ vật tuy đơn giản và nhỏ (chai rượu, gói mứt…), song thể hiện tấm lòng của người có quan hệ lệ thuộc, người chịu ơn.

Tết là giữ gìn: Ngày Tết, mỗi người luôn hướng tới và mong đạt được, có được điều tốt lành, nên luôn có ý thức với mọi hành vi của mình, như tuân thủ những kiêng kỵ đã trở thành phong tục ngày Tết. Đối với người ngoài, càng phải giữ gìn hơn, như không xin lửa, xin nước trong ba ngày Tết; không đi chúc Tết nếu đang chịu tang, không “xông đất” nhà người không hợp tuổi với mình...

Tết là hòa giải, khoan dung: Ngày Tết là hướng tới sự bình yên, hòa hợp, nên cũng là dịp hòa giải và thể hiện sự khoan dung. Trong gia đình, các thành viên nếu có bất hòa ngày thường, đến ngày Tết phải gác lại, tập trung vào các việc thiết yếu. Với người trong xóm làng, những bất hòa ngày thường cũng bị người trong cuộc “quên đi”, thậm chí, có mâu thuẫn căng thẳng vẫn đến chúc Tết nhau, nói với nhau những điều tốt lành, như là một “thông điệp” xin được và mong được hòa giải, xóa bỏ hiềm khích.

>>CẢM XÚC XUÂN: Tiếng chim gọi mùa ra sấm mới...

>>CẢM XÚC XUÂN: Lộc Xuân đang tới

Hài hòa bản sắc – hiện đại

Ngày nay, những đặc điểm và giá trị Tết trên đây về cơ bản vẫn được bảo tồn, một số tục đã bị biến tướng theo hướng tiêu cực (chẳng hạn tục lễ Tết, biếu Tết, bị biến thành hối lộ). Một số quan điểm và xu hướng mới về tết đang diễn ra:

Một là, chuyển từ ăn Tết sang chơi Tết, vui Tết (do đời sống vật chất đã được cải thiện gấp muôn phần, ngày thường cũng được ăn các đồ chỉ có trong ngày tết xưa kia). Từ nhiều năm nay, xuất hiện hai quan điểm “bỏ Tết Nguyên đán”, hay nhập với Tết Dương lịch làm một tết, lấy Tết dương thay cho Tết âm, để hạn chế những bất hợp lý của việc nghỉ tết, ăn tết, gây lãng phí cho nền kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển. Tuy nhiên, ý kiến này không nhận được sự đồng tình của số đông.

Hai là, nhiều gia đình, nhóm bạn đã sử dụng những ngày nghỉ tết vào các chuyến du lịch, giúp kích cầu du lịch. Tuy nhiên, số đông không đồng tình với quan điểm và xu hướng này, vì Tết là dịp để sum vầy, những gia đình có anh em, con cháu đang làm ăn, công tác ở xa, ít có điều kiện gặp nhau thường ngày; với những người giữ vai trò là con trưởng, ngành trưởng, nhất là có bố mẹ già thì cần ở nhà để thực hiện nghĩa vụ tết.

Dẫu ngày nay, dù điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước đang chuyển biến mạnh mẽ, nhưng các giá trị cốt lõi của ngày Tết được cha ông ta xây dựng, vun đắp vẫn thể hiện sức sống của nó, như một bản sắc văn hóa riêng của người Việt và các tộc người trên dải đất Việt Nam này (dẫu thời gian ăn Tết và việc tổ chức Tết có khác nhau), cần được trân trọng và gìn giữ.

Bài viết tham gia CẢM XÚC XUÂN gửi về hòm thư doanhien@dddn.com.vn. Tác phẩm phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải kèm theo chế độ nhuận bút.

Lưu ý: Bài viết bao gồm thông tin tác giả, địa chỉ thường trú và số điện thoại để Ban Biên tập liên hệ khi cần.

Trân trọng cảm ơn!

Có thể bạn quan tâm

  • “CẢM XÚC XUÂN” cùng Diễn đàn Doanh nghiệp

    05:00, 01/01/2023

  • CẢM XÚC XUÂN: Lộc Xuân đang tới

    19:58, 15/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Hương hoa ấm áp mùa Xuân

    02:04, 10/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Tiếng chim gọi mùa ra sấm mới...

    01:14, 10/02/2022

  • CẢM XÚC XUÂN: Tiếng khèn nghiêng ngả đêm tình Sapa

    11:00, 08/02/2022

PGS. TS Bùi Xuân Đính - Viện Dân tộc học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam