Ngày Tết: Làm sao để “không say để về”?
“Tết đến xuân về”, việc nâng ly rượu cốc bia chúc nhau những điều tốt đẹp nhất đã trở thành văn hóa ở nước ta. Tuy nhiên, làm sao để “không say để về” lại là câu hỏi khó có được giải đáp.
>>Rượu bia và tai nạn giao thông: Nghị định 100 - Quên mất rồi?
Rượu bia bị lạm dụng
Uống rượu bia là một nét văn hóa của người Việt đã có từ lâu đời. Rượu bia gắn với sinh hoạt cộng đồng, với các nghi lễ, hội hè, đình đám, đặc biệt là dịp “Tết đến Xuân về” lại càng đặc trưng. Rượu gắn với bạn hiền, vần thơ và cả những lời thề ước. Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì “chén rượu là đầu cuộc vui”. Đôi khi “nâng chén tiêu sầu”, rượu giúp con người vơi đi nỗi buồn, nỗi đau trong cuộc sống.
Theo một nghiên cứu, bia rượu có tác dụng “lan truyền cảm xúc”. Vì vậy, nhậu trước hết là vì nhu cầu cơ bản của bản thân người tham gia. Người đang có tâm trạng vui vẻ muốn được lan truyền niềm vui đó cùng nhiều người. Người đang buồn muốn được san sẻ để nỗi buồn nhanh chóng vơi đi.
Tuy nhiên, câu chuyện uống rượu bia như thế nào, uống vào thời điểm nào, uống ra làm sao... dường như vẫn chưa được nhiều người quan tâm. Người ta quan niệm cứ bạn bè gặp nhau là nhậu, là phải say mà không biết được những hệ lụy phía sau.
Và cũng không biết tự lúc nào, các cuộc nhậu đã không còn vô tư và mang ý nghĩa tình cảm giữa con người nữa. Vì khả năng “lan truyền cảm xúc” của bia rượu, người ta cũng lợi dụng nó để gây tác động lên người khác nhằm đạt ý chí của mình trong các cuộc gặp làm ăn và cả các cuộc liên hoan cá nhân…v..v.
Trong các cuộc vui liên hoan cá nhân, bản thân tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều người nêu quan điểm “nam vô tửu như kỳ vô phong”. Quan điểm này trở thành cái cớ để người ta lợi dụng nó gây tác động lên người khác: Hạ thấp vị thế người khác và nâng cao mình lên chỉ vì trình độ uống bia rượu. Thành thử, sự ganh đua nhau trên bàn nhậu từng khiến hàng nghìn người nhập viện vào mỗi dịp Tết.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, bia rượu là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng bia rượu. Bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị cơ quan chức năng xử lý. Đáng nói là số liệu này đang có xu hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm cuối năm âm lịch, giáp Tết và kể cả dịp lễ hội đầu xuân cũng rất có nguy cơ.
>>Xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia: Có phạt được không?
>>Nghị định 100 tác động thế nào tới các ngành phụ trợ đi kèm rượu bia?
Hãy “nằm lòng” những thông tin cần thiết
Rượu bia là thứ đồ uống không thể thiếu mỗi dịp “Tết đến Xuân về”. Nhưng để trọn niềm vui, đảm bảo sức khoẻ và không bị xử phạt vì quá chén, mỗi người cần “nằm lòng” các thông tin như sau:
Tại Khoản 3, Điều 30, Nghị định 117 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, với hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia bị phạt tiền từ 1-3 triệu.
Khoản 1, Điều 30 Nghị định 98 quy định, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, tại Khoản 1, Điều 31 của Nghị định 117 quy định phạt tiền 1-3 triệu đồng đối với hành vi bán, cung cấp rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi hoặc bán không niêm yết giá.
Theo Khoản 2, Điều 30 của Nghị định 117, người nào uống rượu, bia tại địa điểm không được phép uống rượu, bia theo quy định của pháp luật; xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia thì bị phạt tiền từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng.
Đặc biệt, Khoản 6, Điều 5 Luật Phòng chống tác hại rượu, bia 2019 có hiệu lực từ 1/1/2020, người nào có hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị nghiêm cấm. Đồng thời, Nghị định 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020 quy định:
Với người đi xe máy, mức phạt từ tiền từ 2-3 triệu đồng với người có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Mức phạt từ 4- 5 triệu đồng với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở.
Mức phạt từ 6-8 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Với người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở bị phạt 80-100 nghìn đồng, tối đa 300 nghìn đồng.
Riêng với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn mức trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tối đa từ 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
Từ thực tế và những quy định pháp luật cụ thể nêu ở trên, có lẽ chúng ta cần vượt qua tâm lý cả nể. Vì điều quan trọng của các mối quan hệ không phải là số rượu uống nhiều hay không, mà là sự chia sẻ, quan tâm lẫn nhau, có chung những câu chuyện, vấn đề cần trao đổi.
Trong khi Tết là để yêu thương và trước hết là để yêu thương bản thân mình, đừng hành hạ bản thân chỉ vì hơn thua trên bàn nhậu. Yêu thương bản thân đồng nghĩa người đối diện cũng đáng được yêu thương và được tôn trọng sự lựa chọn của họ.
Chính vì vậy, với mỗi chén rượu cốc bia mừng Xuân mới, cần được người dân có ý thức sử dụng sao cho vừa đủ vui, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng, để không xảy ra những tai họa, những điều bất hạnh cho chính gia đình mình và xã hội. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hạn chế việc lạm dụng rượu, bia.
Có thể bạn quan tâm
Rượu bia và tai nạn giao thông: Nghị định 100 - Quên mất rồi?
03:00, 21/08/2022
7 loại thực phẩm bạn nên ăn trước khi uống rượu bia
01:35, 06/02/2022
Xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia: Có phạt được không?
04:30, 05/10/2020
Nghị định 100 tác động thế nào tới các ngành phụ trợ đi kèm rượu bia?
06:50, 20/07/2020
Doanh nghiệp rượu bia đề xuất sửa mức phạt nồng độ cồn
15:46, 24/03/2020