Quy chế pháp lý quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Dựa vào những luận cứ khoa học của luật pháp quốc tế hiện đại, luật biển quốc tế và những quy định của UNCLOS Việt Nam là quốc gia duy nhất có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
>>Báo chí trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo
Những hành động xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và một số đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà các quốc gia hữu quan đã thực hiện đều vi phạm một cách nghiêm trọng hệ thống các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đặc biệt là nguyên tắc cấm sử dụng vũ lực hoặc đe doạ dụng vũ lực trong quan hệ tế và nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Dựa trên hệ thống những chứng cứ lịch sử, khảo cổ, pháp luật và văn hoá biển đã đưa ra, có thể thấy rằng vào nửa đầu thế kỷ XVII chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa thuộc về Việt Nam. Bởi vì, các Chúa Nguyễn và Triều đình nhà Nguyễn đã thể hiện sự quản lý liên tục, hoà bình ở cấp nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa mà không một quốc gia nào trong khu vực và trên thế giới phản đối. Hay nói cách khác trong thời điểm đó chưa có một quốc gia nào khẳng định chủ quyền về mặt nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa.
Thời kỳ nửa đầu thế kỷ XVII và đến nửa đầu thế kỷ XVIII, các Chúa Nguyễn đã thành lập: Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải để đo đạc vẽ, trồng cây, bảo vệ ngư dân, dựng bia chủ quyền và thu lượm hải vật quý ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về dâng nộp cho triều đình. Đây là những hành động quan trọng nhằm khẳng định sự xác lập chủ quyền của Việt Nam về mặt nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa.
Có một sự kiện lịch sử mà phía Trung Quốc đang triệt để khai thác về mặt pháp lý đó là: vào năm 1909, chính quyền Lưỡng Quảng đã gửi hai chiến thuyền tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đổ bộ lên quần đảo, Pháp đã có không hành động phản phản đối.
Theo Monique Chemillier-Gendreau trong thập niên 1920, Pháp quản lý quan thuế và biển tại quần đảo Hoàng Sa, và cấp giấy phép cho một công ty của Nhật Bản để khai thác phân chim ở quần đảo Hoàng Sa. Năm 1921, chính quyền li khai Quảng Đông, một chính quyền không được các quốc gia trong khu vực và trên thế giới công nhận kể cả Trung Quốc, tuyên bố sáp nhập quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào đảo Hải Nam, Pháp không phản đối. Năm 1925, Pháp tuyên bố rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về Pháp.
Qua những sự kiện trên cho thấy, từ năm 1909 đến năm 1925, những gì Pháp làm và tuyên bố là khẳng định cho việc duy trì chủ quyền trước những tuyên bố của chính quyền Lưỡng Quảng và chính quyền li khai Quảng Đông. Cần có sự cân nhắc xem xét và so sánh những sự kiện trên với các phán quyết của các trọng tài quốc tế liên quan tới những sự kiện tương tự, nếu vấn đề tranh chấp chủ quyền về biển, đảo ở khu vực Biển Đông được đưa ra Toà án Quốc tế để xét xử, đây là những điểm chúng ta cần cân nhắc và nghiên cứu cụ thể có lộ trình, cẩn trọng không được tính toán sai.
Dựa trên những quy định của luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của luật biển quốc tế hiện đại, đặc biệt là UNCLOS, thì trước khi Trung Quốc đòi hỏi yêu sách chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa đã thuộc về Nhà nước Việt Nam.
Vì vậy, mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và sự chiếm đóng trái phép trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã đi ngược lại với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế hiện đại và mọi yêu sách về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vô giá trị. Sự xâm phạm trắng trợn chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vết đen trong lịch sử quan hệ giữa hai nước do phía Trung Quốc gây ra.
>>Bảo vệ chủ quyền biển đảo từ góc độ văn hóa
>>“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững chủ quyền biển đảo
Đối với quần đảo Trường Sa, qua nghiên cứu nguồn sử liệu cho thấy công việc của Đội Bắc Hải của Chúa Nguyễn có ý nghĩa khẳng định về mặt thực thi chủ quyền ở cấp nhà nước đối với quần đảo Trường Sa, tiếp theo là Triều đình nhà Nguyễn cũng đã tiếp nối thể hiện sử quản lý hoà bình và lâu dài đối với quần đảo Trường Sa mà không có bất kỳ quốc gia nào phản đối.
Tiếp theo dòng lịch sử khi Pháp đến xâm lược Việt Nam, Pháp đã tuyên bố chủ quyền của Pháp đối với quần đảo Trường Sa vào năm 1925 và những hành động của Pháp tiếp theo. Năm 1930, Pháp thông báo với các cường quốc rằng quần đảo Trường Sa thuộc về Pháp. Không nước nào phản đối, năm 1933, Pháp sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Cho tới năm 1939, Nhật Bản mới tranh chấp quần đảo Trường Sa với Pháp.
Không những thế, Nhật Bản đã từ bỏ đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa trong Hiệp định San Francisco năm 1951. Cho tới sau Thế chiến thứ II, Trung Quốc mới tranh chấp quần đảo Trường Sa với Pháp, tức là sau khi Pháp tuyên bố chủ quyền hơn 20 năm kể từ khi Pháp xâm lược Việt Nam.
Trên cơ sở của các chứng cứ đã được các bên đưa ra, khi Trung Quốc bắt đầu đòi hỏi yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau Thế chiến II, thì quần đảo Trường Sa đã thuộc về Việt Nam, và khi Philippines, Brunei và Malaysia bắt đầu đòi hỏi yêu sách chủ quyền của quần đảo Trường Sa, thì chủ quyền quần đảo Trường Sa đã thuộc về Việt Nam.
Vì vậy, yêu sách chủ quyền của các bên đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam là những yêu sách vô căn cứ, đi ngược lại với những chuẩn mực của luật pháp quốc tế, luật biển quốc tế đặc biệt là những quy định của UNCLOS, và mọi yêu sách về chủ quyền của các bên đưa ra đều vô giá trị.
Trên thế giới và khu vực hiện nay có sự gia tăng về tranh chấp chủ quyền biển, đảo, quần đảo, bãi cạn, bãi ngầm ngày càng diễn ra dưới nhiều góc độ khác nhau, thể hiện tính phức tạp, gay gắt và không có nhượng bộ. Sự tranh chấp chủ quyền về biển đảo diễn ra trên nhiều phương diện như chính trị, pháp lý, ngoại giao không chỉ diễn ra trong khu vực Biển Đông mà còn diễn ra ở nhiều khu vực khác trên toàn thế giới, đã có phần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường hoà bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Sự tranh chấp chủ quyền về biển, đảo đá, quần đảo, bãi cạn, bãi ngầm diễn do nhiều nguyên nhân khác nhau như: về tài nguyên, vị trí chiến lược, địa kinh tế, địa chính trị và tầm ảnh hưởng của vùng biển đảo đối với khu vực và thế giới, ngoài ra còn do nguyên nhân lịch sử để lại mà các tranh chấp chủ quyền về biển đảo khó giải quyết, mất nhiều thời gian và cần có sự đầu tư lớn về tài chính và nhân lực để tiến hành nghiên cứu một cách có lộ trình ngay từ bây giờ.
Những vùng biển đang có sự tranh chấp chủ quyền phức tạp, diễn ra dưới nhiều hình thức khác và khó giải quyết như: tranh chấp chủ quyền giữa Nga và Nhật Bản về quần đảo Kurin, tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản về đảo Senkaku hay còn gọi là đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, tranh chấp chủ quyền giữa Triều Tiên và Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải, tranh chấp chủ quyền về biển, đảo đá, bãi cạn, quần đảo giữa các quốc gia hữu quan trong khu vực Biển Đông, v.v...
Để giải quyết cho các vấn đề tranh chấp chủ quyền về biển đảo giữa các nước cần phải được dựa trên hệ thống cơ sở pháp lý quốc gia để chứng minh chủ quyền của mình trên các vùng biển đảo dưới góc độ các phương diện như: chính trị, lịch sử, khảo cổ, luật pháp, văn hoá biển, kinh tế và hệ thống cơ sở pháp lý quốc tế như: các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hiện đại, các Công ước của Liên hợp quốc về luật biển, đặc biệt là những quy định của UNCLOS.
Các quốc gia hữu quan phải tiến hành ngoại giao hoà bình, đàm phán có chiều sâu để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Tuyệt đối không được sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, đây là nội dung cơ bản mà luật pháp quốc tế yêu cầu nghiêm đối với các quốc gia hữu quan.
Giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo song phương đối với những tranh chấp chỉ liên quan đến chủ quyền của hai nước, giải quyết đa phương đối với tranh chấp chủ quyền liên quan đến nhiều bên, thông qua các cơ chế ngoại giao hoặc đưa ra Toà án Quốc tế để xét xử, khi mà đàm phán giữa các bên không có kết quả, rơi vào tình thế bế tắc.
Vấn đề cơ bản là các quốc gia hữu quan, trong đó có Việt Nam phải củng cố hệ thống cơ sở pháp lý của mình phù hợp với luật pháp quốc tế và luật biển quốc tế hiện đại, thông qua thương lượng hoà bình. Đối với các thẩm phán quốc tế phải xét xử bình đẳng, các trọng tài, thẩm phán quốc tế phải công tâm, không thiên vị, không phân biệt đối xử giữa nước lớn và nước bé, chế độ chính trị và đảm bảo tính công bằng phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế hiện đại.
Việt Nam là quốc gia có vùng biển tiếp giáp với nhiều quốc gia trong khu vực Biển Đông, qua một thời gian dài Việt Nam đã đạt được những thành tựu rực rỡ về đàm phán phân định biển đối với các quốc gia hữu quan trong khu vực, nội dung đó đã góp phần tích cực tạo nên một môi trường hoà bình, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển đặc biệt là kinh tế biển.
Do vùng biển Việt Nam tiếp giáp với nhiều quốc gia trong khu vực, vùng biển Việt Nam có vị trí quan trọng trên nhiều phương diện khác nhau về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, và chính vì sự quan trọng đó mà nhiều quốc gia trong khu vực đã từng bước xâm phạm chủ quyền vùng biển đảo của Việt Nam đã tạo nên các tranh chấp chủ quyền phức tạp, khó giải quyết.
Ngoài ra, các cường quốc về hàng hải, các nước lớn trên thế giới cũng đang muốn có lợi ích quốc gia ở khu vực Biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, chủ yếu là lợi ích về tự do hàng hải quốc tế trong hai lĩnh vực tự do về thương mại và tự do về quân sự đối với các loại phương tiện như: tàu chiến, tàu ngầm, tàu sân bay được qua lại vô hại. UNCLOS quy định qua lại vô hại đối với mọi loại tàu thuyền, không phân biệt tàu chiến hay tàu hàng khi đi qua trong lãnh hải 12 hải lý.
Một trong những tranh chấp chủ quyền phức tạp, khó giải quyết và phải mất nhiều thời gian nhất là ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này đòi hỏi Việt Nam phải tiến hành thường xuyên và lâu dài về công tác nghiên cứu để củng cố hệ thống cơ sở pháp lý quốc gia trên các phương diện chủ yếu là: chính trị biển, lịch sử, khảo cổ học, luật pháp, văn hoá biển để chứng minh chủ quyền khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam không tranh cải, nhưng phải phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế hiện đại, luật biển quốc tế đặc biệt là các quy định UNCLOS, bởi vì Việt Nam là thành viên của UNCLOS.
Khi Việt Nam đã có hệ thống cơ sở pháp lý quốc gia vững chắc, đồng thời có một bộ hô sơ pháp lý hoàn chỉnh đối chiếu phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hiện đại, luật biển quốc tế đặc biệt là những quy định của UNCLOS, thì quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền sẽ trở nên dễ dàng hơn và chắc chắn công lý quốc tế sẽ thừa nhận quyền lợi chủ quyền chính đáng của Nhà nước Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Có thể bạn quan tâm
Đài Loan lại xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam
03:30, 05/12/2022
Báo chí trong công cuộc giữ gìn chủ quyền biển đảo
05:05, 21/06/2022
47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Trường Sa và những người nằm lại với biển đảo
04:30, 30/04/2022
Bảo vệ chủ quyền biển đảo từ góc độ văn hóa
14:41, 18/04/2022