Những “bữa ăn tiền tỷ”

SÔNG HÀN 07/02/2023 05:00

Hẳn dư luận khó có thể quên bữa ăn trưa 50 tỷ tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vào đầu tháng 4/2019.

>>Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài 1: Lộ diện những “liên minh ma quỷ”

Ông Nguyễn Văn Sơn

Ông Nguyễn Văn Sơn

Trong khi người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh... thì có những đại án tham nhũng thất thoát nghìn tỷ, hỏi sao dân không chua xót.

Mới đây, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can ông Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1964, cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển về hành vi Tham ô tài sản.

Hẳn dư luận khó có thể quên bữa ăn trưa 50 tỷ tại phòng ăn của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vào đầu tháng 4/2019. Khi đó Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Tư lệnh Cảnh sát biển trao đổi các bị can nói trên về việc đã chỉ đạo cho Cục Kỹ thuật rút ruột 50 tỷ đồng (trong tổng số tiền 450 tỷ đồng từ nguồn kinh phí quản lý hành chính năm 2019 mà Bộ Quốc phòng phân bổ). Số tiền khổng lồ trên sẽ được chia chác cho nhóm tướng lĩnh này và tất cả đều đồng ý.

Để rút ruột, tướng Sơn chỉ đạo Phòng Tài chính cắt toàn bộ nguồn kinh phí bảo quản, sửa chữa trang bị của 4 Vùng Cảnh sát biển để phân bổ thêm 29 tỷ đồng cho Cục Kỹ thuật nên nguồn ngân sách của Cục này được tăng lên 179,1 tỷ đồng. Sau khi nhận được 50 tỷ đồng rút ruột, tướng Sơn đã chia cho mình cùng các tướng Đồng, Hậu, Quyết và Dũng mỗi người 10 tỷ đồng.

Vụ việc được sáng tỏ khi tháng 6/2020, bị can Phạm Kim Hậu làm đơn gửi cơ quan chức năng, kèm theo 2 file ghi âm phản ánh hành vi tiêu cực, tham nhũng của bản thân và một số cá nhân là Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị năm 2019.

Tình huống của ông Phạm Kim Hậu có nét tương đồng với một số cá nhân trong các vụ án bị xử lý thời gian qua. Điển hình như vụ hàng loạt cán bộ cảnh sát biển “bảo kê” đường dây xăng lậu của “ông trùm” Phan Thanh Hữu, hay vụ cựu Giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức (TP.HCM) Nguyễn Minh Quân chi hàng triệu USD để “chạy án”.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (bên trái góc trên) cùng nhóm tướng lĩnh rút ‘ruột’ 50 tỷ đồng.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn (bên trái góc trên) cùng nhóm tướng lĩnh rút ‘ruột’ 50 tỷ đồng.

>>Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài 2: “Đạn bọc đường” bắn trúng tham quan

>>Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài cuối: “Cắt cành sâu mọt để cứu cây”

Trở lại vụ “rút ruột” 50 tỷ đồng, cựu Thiếu tướng Phạm Kim Hậu cũng tự khai báo về sai phạm của bản thân và người khác, nhưng điểm khác với 2 vụ án trên là vẫn bị khởi tố, truy tố tội tham ô tài sản.

Vì cáo trạng xác định, đây là vụ án tham ô tài sản có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, có thể sau khi xem xét, Viện Kiểm sát quân sự T.Ư thấy không đủ căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự nên vẫn quyết định truy tố bị can này.

Từ những sự vụ nói trên cho thấy, thực ra về bản chất con người, ai cũng thích ăn ngon mặc đẹp, thích hưởng thụ xa hoa và với cán bộ Nhà nước, có người kiểm soát được nhưng cũng có người không kiểm soát được. Người kiểm soát được là người có trình độ, nhận thức, người ta biết đâu là điểm dừng. Nhưng đáng tiếc trong thực tế có cán bộ lại không kiểm soát được.

Đó là thực trạng rất báo động mà trong Nghị quyết T.Ư những khóa gần đây đều đã cảnh báo. Việc nhiều quan chức “nhúng chàm”, rồi bộc lộ việc “khoe của” không những khiến người dân bức xúc. Mà ở góc độ nào đó, nó còn đi ngược lại thông điệp của Thủ tướng về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. 

 Có đại biểu Quốc hội từng phát biểu trên nghị trường rằng: “Cử tri đã so sánh người lao động nông thôn một nắng hai sương, góp nhặt vài nghìn đồng, vài chục nghìn đồng, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh. Những gia đình chính sách, cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn… Lương cán bộ ở cơ sở một tháng chỉ 1.300.000 đồng, thấp vẫn vui vẻ hăng hái góp công cùng Nhà nước xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bảo sao người dân không chua xót khi nghe đến các đại án tham nhũng nghìn tỷ, các dự án thua lỗ nghìn tỷ”.

Dĩ nhiên, một bữa ăn của tướng lĩnh giá 50 tỷ và bữa cơm rau đạm bác của người dân nông thôn, miền núi…đó là một mâu thuẫn, nhưng sự phân hóa này đâu đó vẫn còn, nếu không nói là nó diễn ra ngày càng sâu sắc trong xã hội hiện đại ngày nay.

Có thực tế đời sống của một bộ phận quan chức quá xa hoa, chênh lệch cách xa với đời sống của dân. Thậm chí, ở một số tỉnh nghèo còn có tình trạng quan chức xây biệt phủ sống cách biệt với dân, sống xa xỉ, thích khoe của. Trong lúc đời sống nhân dân còn nghèo, gặp khó khăn, có tỉnh còn phải xin T.Ư hỗ trợ cứu đói dân mà quan chức sống xa xỉ như vậy thì dư luận bức xúc là điều dễ hiểu.

Dù rằng, thời gian qua việc đấu tranh phòng chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện sự kiên quyết của Đảng, sự điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, dù có đặt ra quy định chặt chẽ, khoa học đến mấy mà người thực thi không có cái tâm trong sáng thì rất dễ bị lạm dụng và cuối cùng thì sai phạm thành đúng quy trình, giải thích với dân mọi thứ đều đúng.

Để hạn chế được những “bữa ăn tiền tỷ” của cán bộ, tướng lĩnh, giải pháp căn bản vẫn là công tác cán bộ, phải đổi mới quy trình lựa chọn, cất nhắc, đề bạt cán bộ. Người có nhận thức, học thức cao thì có lòng tự trọng cao, nên khi đứng trước ranh giới giữa lợi ích chung và riêng và sự cám dỗ về vật chất thì họ biết chỉ giới để dừng lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài cuối: “Cắt cành sâu mọt để cứu cây”

    00:30, 21/01/2023

  • Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài 2: “Đạn bọc đường” bắn trúng tham quan

    03:30, 20/01/2023

  • Giữ lửa "lò chống tham nhũng" - Bài 1: Lộ diện những “liên minh ma quỷ”

    03:00, 18/01/2023

  • Chống tham nhũng, tiêu cực 2022 – “Lò” vẫn hừng hực cháy

    04:50, 02/01/2023

SÔNG HÀN