Tăng giá điện: Cần hài hòa lợi ích nhà nước - doanh nghiệp - người dân
Dư luận trong nước vừa qua đã có những phản ứng trái chiều trước thông tin giá điện sinh hoạt và sản xuất kinh doanh sẽ điều chỉnh trong năm 2023.
>>Chờ... tăng giá điện
Mới đây, Chính phủ vừa có quyết định điều chỉnh khung giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm từ 220 - 537 đồng/kWh. Việc điều chỉnh khung giá điện bình quân liệu có làm cho giá bán lẻ điện tăng ngay không, đó là câu hỏi đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận.
Theo quyết định của Thủ tướng, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế VAT) được quy định cụ thể gồm: mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 3-2, thay thế cho quyết định 34/2017 của Thủ tướng cho giai đoạn 2016 - 2020 (với mức tối thiểu là 1.606,19 đồng/kWh và tối đa là 1.906,42 đồng/kWh).
Nguyên nhân được EVN lý giải là do giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao như giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới; Chi phí của các nhà máy sản xuất điện tăng mạnh, làm tăng chi phí mua điện trên thị trường điện của EVN, mặc cho những nỗ lực tiết giảm chi phí của Tập đoàn.
Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì EVN lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng. Điều này sẽ gây mất cân đối trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn này.
“Việc ban hành khung giá là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Theo quy định, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện phải giảm”, ông Trần Việt Hòa (Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực) nói.
Nhìn nhận một cách khách quan rằng, tăng giá điện thực chất không phải để doanh nghiệp điện có lời, vì giá điện tăng sẽ dẫn đến việc người dân lẫn các nhà máy sản xuất phải cắt giảm tiêu thụ. Qua đó sẽ làm ảnh hưởng đến doanh thu của tập đoàn. Thế nên, nguyên nhân đằng sau việc tăng giá điện chính là nhằm bảo đảm cân đối dòng tiền hoạt động cho việc sản xuất điện, để doanh nghiệp có thể tiếp tục vận hành hệ thống.
>>Tăng giá điện – Tránh tạo “cú sốc” cho người dân, doanh nghiệp
>>Năm 2023 cần điều chỉnh giá điện phù hợp
>>Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích
Trên thực tế, sau những cú sốc từ bên ngoài, doanh nghiệp điện lực cũng đã không thể tiếp tục gồng lỗ. Do đó, việc tăng giá cũng xem như là san sẻ phần nào gánh nặng lên hoạt động sản xuất điện, đảm bảo cung ứng điện liên tục cho người dân, bên cạnh đó nó cũng là một giải pháp để người dân sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), với khung giá điện do Chính phủ đưa ra, giá bán lẻ điện bình quân khi tăng sẽ nằm trong mức giá 1.826,22 - 2.444,09 đồng/kWh. Giá điện sẽ chưa tăng ngay trong thời gian sớm nhưng đây là cơ sở để nhận định sẽ tăng trong thời gian tới đây, có thể là từ đầu quý II/2023, sau khi được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Song, do giá điện có tác động trên nhiều lĩnh vực, nên các doanh nghiệp hy vọng sẽ tăng ở mức thấp nhất có thể. Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, thu nhập người dân chưa phải ở mức quá cao, thế nên sức mua sẽ bị sụt giảm mạnh nếu giá năng lượng leo thang như ở các nước phát triển.\
Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, nhiều doanh nghiệp cho biết rằng sẽ rất khó để “cầm chân” giá điện khi giá nhiều nguồn nguyên liệu sản xuất đều tăng cao. Quan trọng là các cơ quan chức năng, ngành điện tính toán mức tăng hợp lý, minh bạch thông tin để người dân được biết, hiểu và chia sẻ.
Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các lình xình về điện những năm qua đều liên quan đến giá. Đặc biệt, thời gian gần đây, dư luận sục sôi về biểu giá điện bậc thang, tốn rất nhiều thời gian chỉnh qua, sửa lại, từ 6 bậc xuống 1 bậc, rồi lại quay về 5 bậc, là một sự tiêu tốn sức lực, sai địa chỉ..v..v.
Việc điều chỉnh giá điện có một số bất cập mà người dân ai cũng nhìn thấy đó là, giá điện luôn điều chỉnh tăng, chưa bao giờ điều chỉnh giảm. Có thời điểm người dân được hỗ trợ giảm tiền điện phải nộp do kinh tế khó khăn áp dụng trong thời gian ngắn như dịch COVID-19 vừa qua, không phải giảm giá bán lẻ điện.
Thậm chí, chỉ việc liên quan đến giá điện thôi mà nó cũng khiến cho một bộ phận thấy không thiện cảm với EVN nói riêng và Bộ Công thương nói chung. Đx có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chưa nỗ lực hết mình trong việc giảm giá thành điện để giảm giá bán, nhiều yếu tố giảm giá thành điện chưa được quyết liệt thực hiện, biểu tính giá điện hiện nay không hợp lý. Các quy định mới chưa giải quyết được bức xúc tiền điện sinh hoạt phải nộp. Bên cạnh đó, cách tính giá điện ngoài sinh hoạt bất cập, người dân phải bù giá điện cho sản xuất.
Ai cũng biết rằng, quyết định tăng giá điện sẽ tác động rất lớn, tác động lập tức tới nền kinh tế cũng như tới người dân, doanh nghiệp. Vì thế, cần phải thận trọng, như lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở: “Việc tăng giá điện quá cao sẽ ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp, nền kinh tế khó chống đỡ. Nên tính toán số liệu là một phần, phần quan trọng hơn là cân đối vĩ mô thế nào để không bị ảnh hưởng đến chỉ số tiêu dùng, lạm phát”.
Quan trọng hơn, giá điện tăng hay giảm vẫn cần nhất là sự minh bạch, rõ ràng khi các cơ quan công bố giá điện, chi phí sản xuất. Người dân biết, dân tin thì sẽ hoàn toàn ủng hộ.
Có thể bạn quan tâm
Chờ... tăng giá điện
05:10, 09/02/2023
Tăng giá điện – Tránh tạo “cú sốc” cho người dân, doanh nghiệp
05:00, 09/02/2023
Đề xuất các giải pháp cho EVN ngoài phương án điều chỉnh giá điện
00:43, 03/02/2023
Nhiều giải pháp bù khoản lỗ của EVN ngoài việc tăng giá điện
20:41, 02/02/2023
Giải pháp về giá điện đối với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo
11:47, 07/01/2023