Giảm lãi suất ngân hàng - thị trường bất động sản có khởi sắc?

MINH TUẤN 15/02/2023 04:30

Nhà nước đã có động thái tích cực giảm lãi suất ngân hàng, nhưng liệu thị trường bất động sản có khởi sắc?

>>Chính phủ tiếp tục họp "giải cứu" thị trường bất động sản

Việc đánh thuế với bất động sản sẽ làm giảm đầu cơ, đẩy giá, lũng đoạn thị trường bất động sản. Chấm dứt làn sóng đầu cơ, thổi giá, gây sốt đất như giai đoạn vừa qua (Ảnh: LV)

Việc đánh thuế với bất động sản giúp chấm dứt làn sóng đầu cơ, thổi giá, gây sốt đất như giai đoạn vừa qua (Ảnh: LV)

Trong thời gian giãn cách xã hội COVID-19 kéo dài, sản xuất ngừng trệ, giao thương kinh tế như đóng băng, lãi suất ngân hàng giảm sâu tới mức người dân không còn muốn gửi tiền vào ngân hàng. Dòng tiền nhàn rỗi không được dùng cho sản xuất ồ ạt trú chân với bất động sản, tạo nên cơn sốt nhà đất như “con ngựa bất kham” nhảy lồng mất kiểm soát.

Giá trị đất nền, vùng ven bị "cò đất" tạo sóng, thổi giá lên tận trên trời, làm nhiều người lướt sóng giàu lên từ buôn bán sang tay nhà đất. Như ở huyện An Dương, thành phố Hải Phòng, nhờ có hơi hướng thông tin sẽ lên quận vào năm 2025, mà thời điểm này một năm trước (năm 2022) “cò đất” bay rợp đất An Dương. Đi đâu, chỗ nào cũng chỉ có lô này, mảnh nọ, thửa nọ, vùng kia.

Có chút vốn liếng và biết ăn nói chút, cứ mua đi bán lại "lướt đầu cọc" chơi chơi cũng kiếm hàng chục triệu tiền lãi trong ngày. Một số người làm môi giới bất động sản đã lôi cả anh em, họ hàng, vợ con ra, huy động hết vào các giao dịch đất đai. Tận dụng cơ hội, không ít người lướt sóng đã mua được xe ô tô, xây được nhà, có thêm vài khoản tiết kiệm…

Nhờ công việc môi giới đất, nhiều người đã thực hiện được những giấc mơ mà khi làm nông dân hay công nhân chuyên “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, công việc chưa ráo mồ hôi đã hết tiền, cả đời họ cũng không làm nổi.

Dễ kiếm nên quãng thời gian môi giới ăn hoa hồng các sale  hùn vốn chung nhau mua mảnh đất to, sau đó nhờ có mối quan hệ thân thiết với bên quản lý tài nguyên môi trường tiến hành phân lô, tách thửa chia nhỏ ra bán kiếm lời.

Nhu cầu ở thật thì chưa thấy, chỉ thấy mua bán sang tay, đảo đi đảo lại, thiếu tiền thì vay ngân hàng rất dễ, lãi suất lại thấp, mua lô đất để chưa đến tháng trời đã lãi hàng trăm triệu. Con lốc nhà đất cuốn cả các bà mẹ bỉm sữa, các ông bà cụ về hưu lôi hết tiền tiết kiệm ra làm nhà đầu tư ôm mua những mảnh đất ngoại ô vùng ven mà không biết đến khi nào mới có người mua xây nhà để ở.

Nhu cầu thực sự về chỗ ở vẫn có. Bằng chứng là quanh các khu công nghiệp Nomura, Tràng Duệ, An Dương (Hải Phòng), số công nhân thuê trọ vẫn hết sức đông đúc. Các cặp vợ chồng mới cưới sinh con đều mong có căn nhà để an cư, đỡ phải đi thuê trọ bấp bênh, chật chội, lại không được riêng tư và đảm bảo an ninh an toàn. Khổ nỗi, thu nhập trung bình của hai vợ chồng công nhân ở khu vực chỉ tầm trên dưới 20 triệu đồng/tháng. Có khéo thu vén, tiết kiệm đến đâu thì khả năng tiết kiệm để mua nhà ở khu vực An Dương vẫn là những cái lắc đầu chán nản, ngao ngán khi miếng đất 50 - 60 mét vuông đã có giá cả tỷ đồng chưa kể tiền xây.

 nếu Chính phủ tháo gỡ được những vướng mắc cho thị trường bất động sản thì chậm nhất quý 2/2023, thị trường sẽ “vực dậy” (Ảnh: LV)

Nếu Chính phủ tháo gỡ được những vướng mắc cho thị trường bất động sản thì chậm nhất quý 2/2023, thị trường sẽ “vực dậy” (Ảnh: LV)

>>Thu thuế bất động sản thứ hai: Không thể vội vàng

>>Đón đầu đà phục hồi của thị trường bất động sản

>>Đề xuất Luật Thuế bất động sản

Các dự án ký túc xá cho công nhân viên, nhà ở xã hội phần lớn vẫn nằm trong các cuộc họp và có một vài khu nhà ở xã hội như của Hoàng Huy Pruska An Đồng thì giá đã được mua đi, bán lại với giá mà người có thu nhập thấp chỉ ngước mắt ngắm rồi ngậm ngùi đi qua tìm chỗ trọ.

Tháng 4 năm 2022, để tránh rủi ro do cho vay quá nhiều vào bất động sản và chính sách đối ứng với dịch bệnh COVID-19 thay đổi, nguồn vốn cần quay vòng về với dòng chảy sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh, ngân hàng xiết chặt việc cho vay để đầu tư bất động sản như “thuốc hạ sốt liều cao” làm giảm nhiệt cơn sốt bất động sản. Rồi sau đó khi sản xuất phục hồi thì ngân hàng lãi tăng lãi suất cho vay cao, nhằm mục đích kiểm soát các doanh nghiệp bất động sản vay quá nhiều, rủi ro cao nhưng hoá ra chính sách này làm chết cả làng.

Khi thu lãi cao từ các dự án tại các đô thị lớn, khi hết đất trống, các doanh nghiệp bất động sản ào về các tỉnh làm các dự án lớn hàng ngàn héc ta, kéo theo và tạo việc làm cho hàng loạt các ngành liên quan như xây dựng, nội thất, vận chuyển, nhân công công trường… Khổ nỗi, dân ở các tỉnh số người có thu nhập cao mua nhà trong các khu đô thị đâu có mấy. Con em họ thì dồn lên thành phố để tìm việc làm có thu nhập tốt hơn ở quê, nhà trong các dự án chỉ dành cho các nhà đầu tư mua đầu cơ đợi lên giá là bán.

Nhà đầu tư thì giàu, nhưng thân người chỉ có một, không thể phân thân ra để ở khắp các ngôi nhà mà mình sở hữu. Cho nên, nhà to xây xong cứ bỏ hoang, còn công nhân thì cứ lầm lũi kiếm thuê trọ, giá trị bất động sản cứ rời xa thu nhập và giá trị thực lãng phí rất nhiều. Cả khu đô thị rộng lớn lèo tèo được vài ngôi nhà có người ở, còn không cứ vắng lạnh đến ghê người. 

Nhà nước đã có động thái tích cực giảm lãi suất ngân hàng, nhưng liệu thị trường bất động sản có khởi sắc? Nhiều khả năng là chưa. Bởi giảm lãi suất như kiểu này chỉ là cấp cứu ngắn hạn, tránh đổ sập các doanh nghiệp bất động sản và rủi ro cho các ngân hàng thương mại. Theo nhận định của các chuyên gia, nếu Chính phủ tháo gỡ được những vướng mắc cho thị trường bất động sản thì có thể phải đến quý 2/2023, thị trường mới “vực dậy”.

Thực tế, các nhà đầu tư hiện tại còn mắc tiền ở các dự án chưa bàn giao, vốn nằm đọng ở các trái phiếu mà doanh nghiệp đang khất nợ, nằm ở các ngôi nhà xây thô bỏ đấy trong các khu đô thị. Họ sẽ không mạo hiểm đầu tư thêm để “thả gà ra đuổi” trong khi họ đang dỏng tai nghe ngóng các dự thảo về Luật Đất đai sửa đổi khi có tin đề xuất thuế đến 1 tỷ đồng khi sở hữu căn nhà thứ hai.

Lối thoát bây giờ là cần tập trung vào mảng nhà ở xã hội, vừa tạo điều kiện cho người lao động trực tiếp có chỗ an cư, cũng là đường duy trì cho doanh nghiệp bất động sản để vừa bán cho thuê để thanh toán trái phiếu và trả lãi ngân hàng. Nói vậy để thấy, có thể sau đợt giảm lãi suất này, thị trường bất động sản cũng khó mà khởi sắc, ít nhất là ở khu vực Hải Phòng.   

Có thể bạn quan tâm

  • Bật chế độ phòng thủ trong môi trường lãi suất cao

    05:30, 11/02/2023

  • Cần giải pháp giảm lãi suất để doanh nghiệp được tiếp cận vốn

    04:30, 07/02/2023

  • Nền lãi suất cao không ảnh hưởng biên lãi ròng của ngân hàng

    05:00, 06/02/2023

  • Chính phủ tiếp tục họp "giải cứu" thị trường bất động sản

    10:00, 13/02/2023

  • Thu thuế bất động sản thứ hai: Không thể vội vàng

    05:00, 13/02/2023

  • Đón đầu đà phục hồi của thị trường bất động sản

    03:00, 13/02/2023

  • Đề xuất Luật Thuế bất động sản

    11:00, 12/02/2023

MINH TUẤN