Gia tăng tai nạn giao thông: Loay hoay câu hỏi “làm thế nào”?

MINH TUẤN 25/02/2023 04:00

Làm thế nào để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông thương tâm liên tiếp xảy ra, cướp đi sinh mạng của nhiều người, để lại nỗi đau cho người thân và nỗi khiếp đảm tinh thần đối với người bị thương?

>>Rượu bia và tai nạn giao thông: Nghị định 100 - Quên mất rồi?

Làm thế nào để ý thức tuân thủ luật lệ giao thông, ý thức về an toàn tính mạng của bản thân và đồng bào được nâng cao khi đường xá liên tiếp được nâng cấp, làm mới, mở rộng, phương tiện giao thông ngày càng có tốc độ cao. Nhưng nhiều lái xe vẫn mang tư duy lái công nông để lông nhông trên đường cao tốc, chạy ẩu, cướp đường, lấn làn, quá tốc độ, dừng đỗ tuỳ tiện, không đặt cảnh báo, đèn sự cố…

Ý thức tự giác, trình độ hiểu biết về luật giao thông của không ít người tham gia chưa theo kịp tốc độ phát triển của hạ tầng đường xá. Vẫn có người uống rượu bia, sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông.

Tết năm nay, lực lượng cảnh sát giao thông làm nghiêm việc kiểm tra nồng độ ngay cả trong dịp Tết, đêm ba mươi, ngày mùng một vẫn lập chốt kiểm tra nên có tác dụng rõ rệt. Số vụ tai nạn giao thông do say bia, rượu vào dịp Tết có giảm, nhưng nửa cuối tháng giêng lại liên tiếp xảy ra các vụ giao thông nghiêm trọng.

g

Hiện trường vụ tai nạn giao thông vào rạng sáng ngày 14/2 tại Núi Thành. Ảnh: T.C

Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe khách và xe đầu kéo xảy ra vào rạng sáng 14/2 tại Núi Thành làm 6 người tử vong tại chỗ, 2 người tử vong tại bệnh viện, cùng nhiều người bị thương.

Vẫn tại khu vực này, lúc 1h35 ngày 21/2, xe ô tô khách mang BKS 51B - 199.56 do ông Nguyễn Anh Tiên (SN 1975, trú TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển lưu thông trên QL1A hướng Nam - Bắc. Đến Km 1010+300m trên QL1A thuộc thôn Tiên Xuân 1 (xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành) xe khách tông vào đuôi xe ô tô tải BKS 81C - 156.90 do tài Trịnh Đức Thạnh (SN 1996, quê tỉnh Gia Lai) điều khiển đang đỗ sát bên phải đường. Cú va chạm mạnh khiến 3 người tử vong và 16 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tại hiện trường, đầu xe khách hư hỏng nặng.

Lực lượng chức năng tiếp cận vụ tai nạn. Ảnh: N.Q

Lực lượng chức năng tiếp cận vụ tai nạn giao thông đêm 21/2 tại xã Tam Anh Nam, Núi Thành. Ảnh: N.Q

Mới đây nhất khoảng 22h khuya 21/2, ô tô đầu kéo BKS 51C - 333.97 do một nam tài xế điều khiển từ Khu công nghệ cao ra Xa lộ Hà Nội, thuộc phường Tân Phú, TP Thủ Đức, TP.HCM. Khi đang rẽ phải ở ngã ba cổng Khu công nghệ cao để về hướng Suối Tiên thì va chạm với xe máy do anh Đặng Phước M. (33 tuổi, ngụ Bà Rịa Vũng Tàu) điều khiển chưa rõ hướng lưu thông. Hậu quả, cả người và chiếc xe máy bị cuốn dưới gầm, nạn nhân bị bánh xe cán tử vong tại chỗ.

Đâu là nguyên nhân của các vụ tai nạn này? Có lẽ lời nhận xét của người bạn Nhật Bản  khi tới Việt Nam là chính xác: “Giao thông của các bạn thật hỗn loạn. Xe máy chen chúc đi như ruồi bay, ô tô bấm còi xe đinh tai nhức óc như thế này không tai nạn mới là lạ”.

Hạ tầng giao thông còn chắp vá, chưa đồng bộ, số lượng phương tiện giao thông lớn gây quá tải, các con đường phần lớn là đường hỗn hợp cho các loại phương tiện, trên các tuyến quốc lộ các tài xế xe khách bị áp lực về thời gian, số chuyến, doanh thu nên chạy cố, chạy ẩu. Phản ánh từ nhiều người sử dụng xe khách, họ phát sợ cách chạy của tài xế ngồi trên xe mà như ngồi trên “quan tài bay”. Hệ thống biển báo cảnh báo, giới hạn tốc độ, đường cấm… đều bị phớt lờ. Điều này chứng tỏ lái xe không coi trọng tính mạng hành khách và bản thân, chạy bạt mạng vì tiền.

>>Quảng Ninh: Tăng cường nhiều giải pháp để giảm tai nạn lao động

Không thể để tai nạn giao thông chết người cứ thành chuyện thường ngày ở huyện, người dân phải sống nơm nớp với nguy cơ tai nạn thường trực vì nguy cơ tai nạn trên đường. Tư duy “trăm cái lý không bằng một tí cái tình” luôn bênh vực người tham gia giao thông ở thế yếu khi xảy ra chạm, kiểu xe to đền xe bé. Hay luật còn chưa áp dụng được cho người đi bộ vi phạm luật giao thông cho dù hành động băng qua đường đột ngột, hay băng qua đường cao tốc có thể gây hậu quả liên hoàn thảm khốc.

Để khắc phục không thể dồn hết trách nhiệm vào ngành giao thông, vào cảnh sát giao thông. Mà cần hành động vì an toàn giao thông, trước hết từ chính bản thân cá nhân mỗi người, mình vì mọi người và mọi người vì mình. Việc giáo dục đào tạo về an thông giao thông phải được đẩy mạnh từ các cấp học cho giới trẻ ý thức sâu sắc được hậu quả của việc không tuân thủ. Cha mẹ phải giáo dục con cái bằng cách hành động làm gương.

Lực lượng thực thi chấp pháp làm thật nghiêm minh, không có vùng cấm hay xin xỏ, nhờ vả y như việc đang thực hiện việc kiểm tra nồng độ cồn bây giờ.

Chế tài xử phạt đủ mạnh sẽ có tác dụng răn đe rất lớn. Phải làm mạnh đồng bộ cả những biện pháp như gửi thông tin vi phạm giao thông về cơ quan, công ty làm việc. Lấy đó là một phần tiêu chí để đánh giá tiêu chuẩn thăng tiến, lương thưởng cho cán bộ công nhân viên. Chế tài xử phạt người đi bộ vi phạm rõ ràng minh bạch cùng với từng bước phân luồng nâng cấp hạ tầng giao thông. Xây dựng tuyến giao thông chuyên biệt cho xe công ten nơ, xe tải, cấm các loại xe tự chế không qua kiểm định… Chỉ có như vậy mới bớt đi thảm cảnh mà các vụ tai nạn đang diễn ra hàng ngày.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Tăng cường nhiều giải pháp để giảm tai nạn lao động

    00:30, 07/12/2022

  • Rượu bia và tai nạn giao thông: Nghị định 100 - Quên mất rồi?

    03:00, 21/08/2022

  • Thuế nhập khẩu ô tô có thể là "thủ phạm" giây nhiều tai nạn giao thông

    03:33, 03/04/2022

  • Đăk Nông: Người đàn ông bỏ tiền túi làm gương cầu xóa bỏ "điểm đen" tai nạn giao thông

    09:13, 05/03/2022

MINH TUẤN