Mỏi mòn với các dự án Metro

SÔNG HÀN 13/03/2023 04:00

Metro là một trong những vấn đề mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, nếu không giải quyết ngay thì không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển.

>>“Thuốc” nào trị “bệnh” chậm tiến độ dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội?

Thay vì vận hành thương mại vào hai mốc đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu là tháng 12/2022 và tháng 3/2023, chủ đầu tư dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa đề xuất lùi thời gian khai thác dự án đến tháng 8/2023 - lỡ tiến độ khai thác lần thứ 9.

Cụ thể MRB vừa có đề xuất với UBND TP. Hà Nội điều chỉnh thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 8/2023, thay vì cuối năm 2022 như kế hoạch yêu cầu.

Thời gian qua, một trong những vấn đề "nóng" khiến dư luận xôn xao là tiến độ của các dự án giao thông trọng điểm. Đặc biệt trong đó chính là câu chuyện của tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội. Dự án này sau 13 năm thi công vẫn ì ạch, đội vốn hàng chục nghìn tỷ đồng và không thể về đích.

Metro Nhổn-Ga Hà Nội khởi hành chạy tàu vào tháng 8/2023

Metro Nhổn-Ga Hà Nội khởi hành chạy tàu vào tháng 8/2023. Ảnh: PL&XH

Cụ thể, dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được TP. Hà Nội được khởi công tháng 9/2010. Tại thời điểm khởi công dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng, chủ yếu vốn vay ODA của Chính phủ Pháp. Sau nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư vào các năm 2016-2018, dự án có tổng mức đầu tư lên trên 30.000 tỷ đồng (tăng 63%).

Vào tháng 5/2022, MRB cho biết dự án phải lùi thời gian vận hành toàn tuyến đến năm 2029, tổng mức đầu tư được đề xuất tăng thêm 4.905 tỷ đồng.

Dù vậy, đây không phải câu chuyện hiếm gặp trong bức tranh quy hoạch hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

>>Metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ và câu chuyện "trách nhiệm"

>>TP.HCM: Vì sao metro số 1 cầu cứu Thủ tướng?

>>Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội: Lùi tiến độ, giảm lòng tin

Trước đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt năm 2008 với tổng vốn đầu tư ban đầu 8.769 tỷ đồng (tương đương 552,8 triệu USD). Tuy vậy, phải sau 13 năm, dự án mới chính thức được đưa vào vận hành với 12 lần lỡ hẹn, đội vốn thêm 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD).

 Tại TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên cũng được phê duyệt năm 2007 với tổng vốn 17.387 tỷ đồng, kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành vào năm 2018, nhưng theo thông tin mới đây, dự án sẽ phải đến năm 2024 mới có thể vận hành, khai thác và số vốn được điều chỉnh tăng lên mức 43.757 tỷ đồng..v..v.

 Phải nói rằng, chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông của Nhà nước là đúng đắn. Bởi vì giao thông chính là trợ lực để nền kinh tế phát triển bền vững. Tuy nhiên, rất tiếc là trong quá trình đầu tư, một số dự án trọng điểm lại ì ạch, triển khai vô cùng chậm, không chỉ 1-2 năm mà kéo dài đến chục năm, hơn chục năm.

Thế nên không có gì lấy làm lạ khi tình trạng các dự án giao thông chậm chạp, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng đang là dấu hỏi lớn mà nhân dân, cử tri quan tâm. Những vấn đề này có ảnh hưởng không chỉ riêng những người tham gia giao thông mà nó còn cản trở đến sự phát triển kinh tế của cả xã hội.

Bài học từ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, khi cả xã hội lên án quá trình đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông nhưng không hề thấy ai bị xử lý. Và đương nhiên, nếu không có tính răn đe, thì những dự án sau này sẽ vẫn tiếp tục như vậy và thực tế cũng đã chứng minh được điều đó.

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An khẳng định: “Chuyện các dự án này chậm tiến độ là do các nhiệm kỳ trước lãnh đạo không làm tròn chức trách, nhiệm vụ. Nếu vẫn chưa tìm được ai chịu trách nhiệm và xử lý công khai, thì tình trạng này sẽ còn tiếp tục kéo dài, năm này qua năm khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân”.

Liên quan đến tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Thủy (chuyên gia giao thông) cho rằng, các nguyên nhân liên quan đến việc lùi tiến độ không có tính thuyết phục. Về cơ bản, những vấn đề này phải được dự toán trước, từ chi phí đền bù, quá trình xây dựng, giá cả vật tư, đội vốn, chậm tiến độ. Những điều này hoàn toàn không có gì bất ngờ. Vấn đề ở đây là nững vấn đề "nhức nhối" của giao thông, trong đó có câu chuyện trách nhiệm tại các dự án yếu kém chưa được đưa ra tại các kỳ chất vấn của Quốc hội..

Ngành giao thông có những đóng góp nhất định cho xã hội. Tuy vậy, còn tồn tại rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Tại sao các tuyến Metro của Việt Nam lại đắt hơn so với nhiều nước phát triển khi về lý phải rẻ hơn 10-20%? Ngành giao thông vận tải tốc độ giải ngân ra sao, nếu chậm thì vì sao lại chậm?...

Một lần nữa xin nhấn mạnh lại rằng, Metro là một trong những dự án chiến lược quan trọng, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nếu không giải quyết ngay thì sẽ không biết bao giờ mới có được hạ tầng giao thông hiện đại để phát triển. 

Có thể bạn quan tâm

  • Gần 3.000 tỷ đồng sản xuất tàu cho dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội

    17:27, 31/07/2019

  • “Thuốc” nào trị “bệnh” chậm tiến độ dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội?

    05:00, 15/09/2022

  • Metro Nhổn - ga Hà Nội chậm tiến độ và câu chuyện "trách nhiệm"

    04:00, 10/08/2022

  • Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội: Lùi tiến độ, giảm lòng tin

    04:00, 22/05/2022

  • TP.HCM: Vì sao metro số 1 cầu cứu Thủ tướng?

    09:46, 23/06/2022

SÔNG HÀN