Cách nào ngăn rút bảo hiểm xã hội một lần?
Phải có sự điều chỉnh từ nhà nước ở cấp độ vĩ mô, nâng cao mức lương tối thiểu, giảm lạm phát, đảm bảo công bằng cho người lao động.
>>Điều chỉnh cơ sở đóng bảo hiểm xã hội
Trước đây, người lao động làm công ăn lương đơn thuần chỉ mong có công việc thu nhập ổn định, tin tưởng vào nhà máy, doanh nghiệp mình đang làm việc thực hiện nghiêm túc việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế ( BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho mình, để về già có thể yên tâm sinh sống với khoản lương hưu trí, ốm đau đi viện có BHYT đỡ phiền hà, tốn kém tiền của con cháu.
Thế nhưng hiện nay phần lớn suy nghĩ của người lao động thay đổi, họ tính toán dừng đóng BHXH trước thời hạn 19 năm để có thể rút một lần. Thực ra tiền đóng các loại bảo hiểm là tiền góp vào của người lao động, nên họ hoàn toàn có quyền rút ra một cách chính đáng. Họ cũng biết rút BHXH một lần là bán lúa non “thiệt đơn, thiệt kép” khi tuổi già không có lương hưu, trợ cấp. Vấn đề ở chỗ BHXH chưa đủ hấp dẫn để họ theo đóng và rõ ràng là tiền của mình đóng vào quỹ mà đến khi muốn rút ra lại phải như đi xin với đủ loại thủ tục.
Ở tầm vĩ mô, BHXH là mô hình phúc lợi an sinh xã hội ưu việt, đảm bảo tính nhân văn chia sẻ của nhà nước, đảm bảo cuộc sống cho người hết tuổi lao động được ổn định, an toàn, nếu có rủi ro ốm đau sẽ được các loại bảo hiểm chia sẻ. Nhưng thực tế hiện nay khi người lao động đóng BHXH 8%, BHYT 1.5%, BHTN 1% là chiếm hơn 10% mức lương trên hợp đồng, còn lại cơ quan chủ quản, doanh nghiệp đóng BHXH 17%, BHYT 3%, BHTN 1% (thực tế phần này cũng là của người lao động, cơ quan, doanh nghiệp chỉ đóng giúp), nên khi rút BHXH một lần, số tiền thực lĩnh về thấp hơn nhiều con số đã đóng.
Một công nhân làm việc 15 năm, thu nhập trung bình 135 triệu một năm, riêng phần của mình đóng đã là (135:10.5)*15, xấp xỉ 193 triệu chưa kể phần cơ quan, doanh nghiệp đóng, nhưng nếu rút thì chỉ được tầm 130 triệu. Vậy số còn lại sẽ như thế nào? Đó cũng là băn khoăn của không ít người làm công ăn lương.
Vấn đề đặt ra là bây giờ tuổi nghỉ hưu tăng lên, trong khi lao động giản đơn trong nhà máy thì khi quá 45 tuổi sẽ không theo kịp tiến độ năng suất của dây chuyền, cũng như nằm vào danh sách cần loại bỏ trong bộ máy nhân sự, đặc biệt là trong các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư 100% nước ngoài. Quá 50 tuổi thì sức khoẻ không đảm bảo cho việc làm việc liên tục kèm thêm tăng ca, ngoài giờ, làm ngày nghỉ.
>>Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội: Các chuyên gia nói gì?
>>Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
>>Sớm sửa luật để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần
Nếu không làm thì thu nhập giảm sút, không lo nổi gánh nặng kinh tế cho gia đình, bung ra ngoài làm thì có đủ bốn không: Không quan hệ, không vốn, không kinh nghiệm, không kĩ năng. Nếu bị cho nghỉ việc hay mất việc thì họ chẳng biết làm gì để sống, mà đợi hàng chục năm nữa để đến thời hạn được lĩnh lương hưu.
Họ không còn con đường nào ngoài rút BHXH một lần để giải quyết trước mắt và họ tính toán thà rút một lần dùng số đó đầu tư hoặc gửi tiết kiệm thì số lãi cũng gần tương đương với số lương hưu mà họ sẽ lĩnh trong tương lai, trong khi vốn hãy còn nguyên đó. Với tỉ lệ lạm phát, trượt giá như hiện nay, niềm tin vào số lương hưu như nồi cơm trong tương lai của người lao động vừa mờ nhạt, vừa mong manh, chẳng bằng bát mì gói khi đang đói lòng.
Khổ nỗi, để tạo sự cạnh tranh thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI, chúng ta đang tự trói nhau bằng mức lương tối thiểu, rồi còn phân chia mức lương tối thiểu theo vùng với lộ trình tăng lương nhỏ giọt thì người lao động chưa giàu đã già. Mức thu nhập chỉ đủ trang trải cho cuộc sống sinh hoạt tối thiểu chứ không có nhiều để tích luỹ, “ráo mồ hôi là hết tiền” khi tổng thu nhập từ lương thưởng, làm thêm chỉ đóng khung cố định.
Chỉ có số ít quản lý lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp FDI, người có thu nhập phải đóng thuế thu nhập cá nhân thì mới yên tâm công tác và sẵn sàng theo đuổi việc đóng BHXH, vì với mức lương cơ bản đóng cao, khi lĩnh lương hưu số tiền họ nhận được cao hơn hẳn công nhân đơn thuần. Nhưng nếu hạ số năm đóng BHXH xuống mốc 15 năm là được lĩnh lương hưu kèm theo tăng tuổi nghỉ hưu thì ngay cả những người như họ cũng sẵn sàng rút BHXH lấy một cục để làm ăn.
Rõ ràng BHXH không hấp dẫn và bảo vệ nhiều quyền lợi cho người đóng, chẳng thế mà trung bình cứ hai người vào đóng thì một người rút ra. Nếu không có sự điều chỉnh hợp lý thì họ sẽ rút ồ ạt và nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội là có thật.
Phải có sự điều chỉnh từ nhà nước ở cấp độ vĩ mô, nâng cao mức lương tối thiểu, giảm lạm phát, đảm bảo công bằng cho người lao động. Người đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, trợ cấp thất nghiệp đủ duy trì cuộc sống tối thiểu, khi về hưu thì mức lương hợp lý đủ sống thì mới thành con đê ngăn được làn sóng rút BHXH một cục đang ồ ạt hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Điều chỉnh cơ sở đóng bảo hiểm xã hội
02:32, 21/03/2023
ĐIỂM BÁO NGÀY 15/03: Điều chỉnh cơ sở đóng bảo hiểm xã hội
04:45, 15/03/2023
Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội: Các chuyên gia nói gì?
03:40, 07/03/2023
Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
04:00, 18/12/2022