Mua bảo hiểm nhân thọ: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

MINH TUẤN 15/04/2023 04:00

Người mua cần cân nhắc khả năng tiềm lực tài chính của bản thân trước khi quyết định tham gia bảo hiểm.

>>Thấy gì từ vụ lùm xùm bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan?

Trước hết phải khẳng định, nếu có điều kiện tham gia bảo hiểm nhân thọ, sức khoẻ (BHNT- BHSK) là việc tốt, nhân văn, lấy phần bình an, may mắn của nhiều người, bù đắp cho số ít người gặp rủi ro, là việc cần thiết cho cá nhân cũng như xã hội.

Chỉ là cách tiếp cận với thông tin bảo hiểm hời hợt của người mua, thêm sự tắc trách của nhân viên tư vấn mới gây lên các tranh chấp không đáng có và thành chuyện dở khóc dở cười như của nghệ sĩ Ngọc Lan.

Diễn viên Ngọc Lan gây xôn xao dư luận khi livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cô và con trai (ảnh cắt từ clip)

Diễn viên Ngọc Lan gây xôn xao dư luận khi livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ của cô và con trai. Ảnh cắt từ clip

Nghệ sĩ Ngọc Lan khóc lóc trên mạng về chuyện mua bảo hiểm, than trách mình là nạn nhân, làm cho không ít người lôi hợp đồng bảo hiểm mình ra đọc. Đáng tiếc, phần lớn đọc xong rồi gấp lại với băn khoăn các câu hỏi trong đầu.

Chuyện của nghệ sĩ Ngọc Lan với công ty bảo hiểm sẽ có cơ quan hữu quan đảm trách, nếu chỉ “nghe hơi nồi chõ” thấy “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” thì không đủ thông tin để phán xét, nên chỉ có thể chờ đợi kết luận của cơ quan điều tra. 

Người mua BHNT phải xác định ngay từ đầu rằng khoản mua bảo hiểm không phải là khoản đầu tư, đó là phần chi tiêu đi như mua sổ xố, nhưng không ai muốn trúng số. Vì trúng số là nhẹ thì nằm viện điều trị, nặng thì tai nạn rủi ro..., nhưng cũng khi đó gánh nặng phí điều trị cũng như các khoản bồi thường từ bảo hiểm sẽ giúp người mua thoát khỏi khó khăn đến túng quẫn.

BHNT không phải là khoản tiết kiệm hay đầu tư sinh lãi, nếu tất toán trước hạn hoặc vi phạm điều khoản hợp đồng do khai báo không trung thực thì phần thiệt thòi sẽ thuộc về người mua. Do vậy, người mua cần cân nhắc khả năng tiềm lực tài chính của bản thân trước khi quyết định tham gia bảo hiểm, tránh việc “thay ngựa giữa dòng” để nhận thiệt thòi về mình rồi trách móc.  

>>Tránh “bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, ai cũng có 24 giờ trong một ngày rất công bằng, không thể nói tôi bận rộn mà không đọc hợp đồng bảo hiểm. Đi mua đôi giầy thì ướm lên ướm xuống, mặc cả gãy lưỡi bắt bẻ nhân viên bán hàng, nhưng cái hợp đồng trị giá sát sườn đến mình thì lại lớt phớt không chịu đọc kỹ.

Hợp đồng có nhiều từ chuyên ngành, thuật ngữ khó hiểu, đó là đương nhiên các công ty bảo hiểm có dàn luật sư hùng hậu, phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe về tài chính, uy tín, thâm niên hoạt động hàng trăm năm mới được hoạt động hợp pháp. Do vậy, câu từ chặt chẽ, công ty bảo hiểm sẽ nắm đằng chuôi, nhưng nếu thực hiện nghiêm túc thì quyền lợi hai bên sẽ hài hoà, không có chuyện phí tiền hay bảo hiểm lừa đảo như nhận xét phiến diện của một số người.

Đọc hợp đồng chưa hiểu thì người mua có quyền hỏi tư vấn, tham vấn luật sư. Bỏ nhiều tiền mua bảo hiểm nhưng “may áo lại thiếu cái khuy”, không chịu tìm hiểu kỹ càng. Chỉ mua bằng niềm tin với nhân viên tư vấn bảo hiểm, mà họ là người bán ăn hoa hồng nên chỉ thuyết trình phần lợi ích, lờ đi phần rủi ro và trách nhiệm của người mua để nhanh chóng chốt đơn.

Đây là phần lỗi và lỗ hổng của công ty bảo hiểm. Nhân viên tư vấn bảo hiểm phải có chứng chỉ hành nghề, có đạo đức nghề nghiệp, trình độ năng lực tư vấn, chứ không thể chỉ có mỗi khiếu ăn nói, diễn thuyết để chốt đơn nhận phần trăm sau đó “sống chết mặc bay”, quăng lại mớ bùng nhùng cho khách và công ty giải quyết khi có khúc mắc.

Công ty bảo hiểm muốn tồn tại, giữ uy tín, cần bắt đầu từ chiến lược sử dụng con người. Nếu nhân viên tư vấn cứ tạo ấn tượng xấu thì mọi người sẽ xa lánh bảo hiểm, ảnh hưởng đến tồn vong của công ty.

Người mua bảo hiểm cần có trách nhiệm với khoản tiền của mình trước khi đòi hỏi người khác có trách nhiệm. Phải phân tích được thiệt hơn khi tham gia bảo hiểm. Người viết có tham gia mấy loại bảo hiểm và chưa thấy hợp đồng nào dài 100 trang cả, trên dưới 15 trang là có.

Phần trọng tâm như: Tham gia bảo hiểm này tôi được cái gì? Tôi phải thực hiện nghĩa vụ gì để đảm bảo quyền lợi? Phía bảo hiểm có những quyền gì trong hợp đồng? Trong trường hợp tôi bị rủi ro, tai nạn phía bảo hiểm chi trả cụ thể như thế nào? Phải yêu cầu nhân viên tư vấn làm rõ, cần thiết thì ghi âm, ghi hình lại làm bằng chứng sau này nếu có phát sinh.

Chẳng công ty nào ép người mua phải mua sản phẩm bảo hiểm với đủ các tên gọi hấp dẫn: Gia đình tôi yêu. Thịnh vượng phát tài; Điểm tựa đầu tư…, mà người mua có quyền lựa chọn và quyết định cho phù hợp.

Khi bị miễn trừ bảo hiểm, phải tìm hiểu kỹ càng trước khi kết luận trách nhiệm thuộc về ai? Chưa kể các công ty bảo hiểm có hệ thống điều tra thông tin, dễ dàng phát hiện ra các trường hợp khách hàng khai báo gian dối tiền sử bệnh tật dù đã từng điều trị căn bệnh đó. Khi nhập viện bị từ chối chi trả lại khiếu nại đơn từ trong khi “án tại hồ sơ”, rõ ràng có bằng chứng khách hàng đã điều trị căn bệnh ABC ở bệnh viện XYZ nào đó.

Thêm nữa, theo luật mới từ ngày 1/7/2023 thì sau khi ký hợp đồng, người mua có tới 21 ngày để nghiên cứu, trải nghiệm, nếu thấy không hợp có thể huỷ hợp đồng rút lại tiền. Do vậy hãy cân nhắc khi quyết định tham gia BHNT, tránh để việc “đầu xuôi mà đuôi không lọt”.

Có thể bạn quan tâm

  • Lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm

    15:02, 13/04/2023

  • Thấy gì từ vụ lùm xùm bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan?

    03:20, 13/04/2023

  • “Lắt léo” hợp đồng bảo hiểm

    17:30, 11/04/2023

  • Tránh “bẫy ngầm” trong hợp đồng bảo hiểm

    03:40, 11/04/2023

MINH TUẤN