Mua bảo hiểm nhân thọ - tiếng nói người trong cuộc
Nhà tôi có bảy anh chị em thì từng ấy người tham gia mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT), nhưng theo đến cuối hợp đồng chỉ có ba người.
>>Ứng phó với chuyện “mập mờ” tư vấn mua bảo hiểm
Bốn người còn lại đều “bỏ của chạy lấy người” cho rằng bảo hiểm không làm đúng như cam kết nên chấp nhận rút sớm, chịu thiệt rồi sau đó quay lưng với BHNT. Mỗi lần nhắc đến BHNT là một lần phàn nàn là: Biết thế này thì đã không mua, mua gì mà như bị móc túi.
Ngay cả anh em trong nhà còn không đủ kiên nhẫn để lắng nghe nhau giải thích thì nói gì đến người ngoài, vì trong đầu người rút sớm đó không coi BHNT là món để mua, mà coi là món đầu tư. Tư duy của các anh chị ấy thì BHNT là một kênh đầu tư tích thành tài sản chứ không phải tiêu sản, kiểu vừa “đút lợn”, vừa được đảm bảo rủi ro.
Nhân viên tư vấn cho tôi cũng luôn nhắc điệp khúc:
"Anh tính kỹ vào chứ gửi tiết kiệm anh chỉ có chút lãi ít ỏi, nếu tính trượt giá và lạm phát của đồng tiền thì coi như ngân hàng giữ không công.
Trường hợp anh ốm đau hay tai nạn, ngân hàng không có trách nhiệm gì với anh cả. Trong khi anh tham gia BHNT, số tiền anh góp vào không khác gì gửi tiết kiệm, khi anh bị ốm nhập viện sẽ được chăm sóc y tế với dịch vụ tốt. Nếu chẳng may có rủi ro nằm đấy dăm tháng hay nửa năm không làm ra tiền thì BHNT sẽ chi trả cho anh chứ anh rút tiết kiệm cũng chỉ cầm cự được vài tháng.
Nếu anh không có vấn đề gì, cứ khỏe mạnh, thì đến hạn tất toán anh sẽ có một món để lo cho con cái. Anh đến bệnh viện mà xem bao nhiêu người giờ nằm đấy mới tự trách mình sao không mua BHNT sớm để bây giờ bớt khó khăn, giờ có muốn mua thì ai bán cho mà mua?”.
Đấy! Nếu như vậy thì không mua BHNT là chỉ có thiệt, còn mua thì lợi đủ đường.
Tôi hiểu nhân viên tư vấn nói không sai, nhưng cậu ấy lờ đi việc ví dụ đóng vào 100 đồng đến khi tất toán sẽ không nhận lại đủ số tiền đã đóng. Nếu đóng chậm, đóng thiếu, hay huỷ hợp đồng giữa chừng thì người mua sẽ phải chịu thiệt như thế nào…
Điều này thật ra được ghi trong hợp đồng, nhưng cũng phải thừa nhận nếu không có chuyên gia giải thích thì khả năng đọc hiểu tiếng Việt của tôi không thể phân biệt nổi giữa các điều khoản khi loại trừ, miễn thường trong hợp đồng.
Nhân viên tư vấn hiểu sản phẩm họ bán, các gói, các loại hình bảo hiểm đều được công ty bảo hiểm hướng dẫn và đào tạo. Vậy tại sao BHNT cứ mất dần lòng tin của khách hàng người Việt, thậm chí có người còn cho đó là lừa đảo, trong khi đó bạn bè người nước ngoài của tôi vẫn vui vẻ tham gia các loại hình bảo hiểm, coi đó là chi phí cứng hàng tháng, BHNT ở các nước phát triển vẫn duy trì và phát triển ổn định suốt hơn 400 năm nay.
>>Khách hàng cho rằng bị lừa dối hợp đồng bảo hiểm, có thể khởi kiện đến tòa án không?
>>Cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn
>>Mua bảo hiểm nhân thọ: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Câu trả lời là “tại anh tại ả”. Tư duy cấp chiến lược của công ty BHNT là tư duy WIN – WIN, cả công ty và khách mua cùng thắng. Lấy số vốn huy động được từ nhiều người, đầu tư chắc chắn lấy lợi nhuận chi trả cho các trường hợp rủi ro của người mua.
Thế nhưng các cán bộ phụ trách đã đặt quá nặng chỉ tiêu doanh số, số lượng hợp đồng cần chốt gây áp lực lên nhân viên, khiến họ phải săn tìm khách hàng, chốt đơn bằng mọi giá, chỉ vẽ điều tốt đẹp cho khách hàng mà lờ đi phần thiệt hại hay rủi ro.
Cán bộ phụ trách đào tạo nhân viên tư vấn theo kiểu “cứ làm mọi cách để khách hàng ký đi, phần còn lại là khách hàng và công ty”, cho nên mạng lưới bán BHNT sẽ nhắm vào đối tượng người thân, người quen đầu tiên. Lợi dụng lòng tin, sự cả nể và cả thiếu hiểu biết để “vơ vét” khách hàng.
Sau một thời gian tham gia, khách hàng nhận ra những điểm bất lợi nên huỷ hợp đồng và đương nhiên phía công ty “nắm đằng chuôi”, thiệt thòi nằm ở phía người mua.
Người Việt mất tin tưởng vào “bảo hiểm” do coi đó như là “nguy hiểm”, đơn giản vì họ mua bảo hiểm xe máy theo luật, nhưng tính đến nay có tai nạn xe máy ai là người bồi thường? Liên hệ với ai để làm thủ tục? Số tiền mua bảo hiểm xe máy chạy đi đâu? Ai sử dụng? Hỏi mà biết chắc chẳng có câu trả lời.
Bảo hiểm dân sự cho xe ô tô cũng khó khăn, khi gặp sự cố phải làm đủ loại thủ tục biên bản, chứng nhận, quyết định… mới được nhận bảo hiểm; cũng đồng nghĩa chiếc xe phải nằm chết dí hàng tháng trời, chưa kể thời gian đi sửa chữa. Nếu có nhanh chỉ có bảo hiểm thân vỏ, nếu mình đi sơ suất va chạm thì may ra gặp em chăm sóc khách hàng nhanh nhẹn, thạo việc thì mới mong nhanh được bồi thường.
Dị ứng với BHNT, nhất là các khách hàng cần vay vốn ở ngân hàng cứ bị chào mời mua BHNT theo kiểu “bia kèm lạc”, người vay thừa hiểu số hoa hồng ấy thuộc về ai, nên mua mà hậm hực, sau đó phần lớn là bỏ luôn rồi thù ghét BHNT.
Để người mua hiểu rõ về BHNT, lợi ích kèm nghĩa vụ trách nhiệm có lẽ phải bắt đầu từ gốc là quản lý ở tầm vĩ mô. Bộ Tài chính với đầu mối là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cần ban hành bộ quy tắc ứng xử hành nghề tư vấn bảo hiểm. Dựa vào đó thẩm định, rà soát các mẫu hợp đồng BHNT, đưa ra các hướng dẫn dễ hiểu dạng tờ rơi cho người tham gia bảo hiểm.
Nhằm để người mua hiểu rõ, nhận biết về quyền, lợi ích, nghĩa vụ khi mua BHNT, điều đầu tiên phải để người mua hiểu BHNT không phải là đầu tư tài chính sinh lời mà là để kiểm soát rủi ro tài chính. Công ty bảo hiểm cần hệ thống hoá việc đào tạo cấp chứng chỉ cho nhân viên tư vấn đủ tiêu chuẩn trình độ, có đạo đức nghề nghiệp. Nếu cứ chơi bài “đánh trống bỏ dùi” thì người mua sẽ quay lưng và không có được thị phần như kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
Ứng phó với chuyện “mập mờ” tư vấn mua bảo hiểm
05:00, 16/04/2023
Khách hàng cho rằng bị lừa dối hợp đồng bảo hiểm, có thể khởi kiện đến tòa án không?
04:53, 16/04/2023
Cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn
04:00, 16/04/2023
Mua bảo hiểm nhân thọ: Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
04:00, 15/04/2023
Lành mạnh hóa thị trường bảo hiểm
15:02, 13/04/2023