Cho thuê vỉa hè?

THANH BÌNH 19/04/2023 04:00

Luật Giao thông đường bộ đã nêu rõ: Vỉa hè là của người đi bộ. Vậy đề xuất cho thuê vỉa hè của Hà Nội có hợp lý?

>>Đề xuất thu phí theo giờ đối với vỉa hè Hà Nội

Việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh tại Hà Nội đang trở thành một đề xuất “hót”được cộng đồng quan tâm trong thời gian gần đây. Theo dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê. Thành phố Hà Nội sẽ nghiên cứu mô hình các nước để đưa ra nhiều giải pháp khác nhau, kể cả giải pháp cho thuê thu phí theo giờ.

Thật ra, ở Việt Nam, việc cho thuê vỉa hè tại các đô thị đã xảy ra từ hàng chục năm nay, nhưng không chính thức và điều đó được người dân hiểu là sự mặc nhiên, thỏa thuận giữa chính quyền và khoảng không gian mặt bằng hộ/đơn vị kinh doanh có nhu cầu nên không có sự phản ứng nào quá trớn từ cộng đồng.

Hà Nội thí điểm thực hiện cho thuê vỉa hè với giá 45.000 đồng/m2 một tháng

Hà Nội thí điểm thực hiện cho thuê vỉa hè với giá 45.000 đồng/m2 một tháng. Ảnh 24h

Nhìn rộng ra ở một số quốc gia khác, công năng của vỉa hè nó được xác định rất rõ ràng. Chẳng hạn, tại Anh, nếu muốn mở các gian hàng trên đường phố, người bán cũng phải xin giấy phép. Một số địa điểm chỉ cho phép mở các gian hàng bán kem. Lệ phí tại khu vực trung tâm có thể lên đến hơn 50 USD một ngày.  Muốn đặt bàn ghế hay các thiết bị khác như chậu cây, máy sưởi trên vỉa hè, họ cần xin thêm một giấy phép khác.

Hoặc, tại nhiều quốc gia Châu Âu khác, việc mở nhà hàng, quán cà phê trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan. Ngoài ra, nếu kinh doanh đồ ăn, người bán còn phải đăng ký với cơ quan y tế và môi trường. Một trong những địa điểm nổi tiếng với văn hóa cà phê vỉa hè là thủ đô Paris của Pháp…v..v.

Khách quan mà nói, vỉa hè có chức năng chính là dành cho người đi bộ, nên trước tiên phải dành không gian tối thiểu từ 1,5-2 mét đảm bảo người đi bộ đi lại thuận tiện. Việc cho thuê vỉa hè có thể được tính đến đối với những tuyến phố có vỉa hè rộng, sau khi dành không gian cho người đi bộ.

Tuy nhiên, một câu hỏi bấy lâu nay không ai trả lời chính xác được đó là: Vỉa hè của ai?

Dưới góc nhìn cá nhân, tôi thấy với nhà nước, vỉa hè là công sản, còn với người dân thì vỉa hè là của người đi bộ!

Ấy thế mà, dường như xưa nay các nhà đều coi vỉa hè phía trước thuộc quyền sở hữu của mình. Thế là để xe, bán hàng, kê bàn uống nước… Chưa kể một vài tổ chức, cá nhân lợi dụng sự sai trái tùy tiện đấy  để “thu phế”, thậm chí còn tổ chức kinh doanh vỉa hè.

>>Giành lại vỉa hè - liệu có thành công?

>>Hệ luỵ từ cho thuê vỉa hè

>>“Đánh cắp” vỉa hè

Thành thử, đề xuất cho thuê vỉa hè để kinh doanh tại Hà Nội là một ý tưởng được cho là không tốt. Vì nó sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến giao thông công cộng, an ninh và thẩm mỹ đô thị.

Chuyên gia, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội từng nhận định với giới truyền thông rằng: “Vỉa hè là công sản, việc cho thuê vỉa hè thực chất là hợp thức hóa việc khai thác công sản tùy tiện, từ không gian, địa điểm tạo nên nguồn lợi không chính thức và khiến vỉa hè trở nên lộn xộn hơn”.

Tức là, một khi vỉa hè được cho thuê, tất nhiên rất nhiều doanh nghiệp muốn thuê vỉa hè để kinh doanh. Khi đã thuê được mặt bằng vỉa hè, dĩ nhiên sẽ có tình trạng chiếm dụng vỉa hè công khai. Và việc này có thể gây ra nhiều vấn đề khó lường. Một trong những vấn đề tiềm tàng là sự xung đột giữa doanh nghiệp và người đi bộ, vì việc này có thể gây ra tai nạn  giao thông và bất tiện cho người đi bộ, đặc biệt là những người già, trẻ em và người khuyết tật.

Ngoài ra, cho thuê vỉa hè liệu có phát sinh các vấn đề như: Rác thải, nguy cơ cháy nổ, rào chắn vỉa hè…v..v. Những bất cập và hệ lụy từ việc cho thuê vỉa hè có thể nhìn thấy trước.

Ở những quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì vỉa hè, lòng đường trở thành nguồn sống của một bộ phận dân cư, nhất là những người nhập cư. Có điều, nếu chúng ta xem lòng đường, lề đường như một loại kinh tế để phục vụ cho bộ phận dân cư nào đó thì chúng ta không còn là đô thị và bất công với người dân đô thị. Do đó, đây là bài toán phải giải quyết!

Điều này cũng có nghĩa, vỉa hè vốn có chức năng chủ yếu là phục vụ cho người đi bộ, nên cần tìm những giải pháp khác để làm gia tăng cơ hội kinh doanh và thu nhập của thành phố thay vì cho thuê không gian vỉa hè.

Đừng đặt kinh tế vỉa hè theo nghĩa biến vỉa hè thành nơi kinh doanh, không đặt vấn đề thu tiền để cho phép người dân kinh doanh mà phải xử lý chính sách cho họ.

Cần phải nhớ, Hà Nội đã không dưới 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè. Thậm chí, TP Hà Nội đã lập hẳn “Ban Chỉ đạo 197” nhằm kiên quyết xóa bỏ các điểm hè phố, lòng đường bị chiếm dụng trái phép để làm nơi kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện, trả lại nguyên trạng hè phố.

Chính vì vậy, đề xuất cho thuê vỉa hè nếu không xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng sẽ bị “đá” với Luật Giao thông đường bộ nói chung, với những quyết tâm nỗ lực của Ban Chỉ đạo 197 nói riêng bấy lâu nay và nhiều chủ trương, chính sách khác liên quan đến đô thị, kiến trúc, môi trường… 

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất thu phí theo giờ đối với vỉa hè Hà Nội

    09:33, 06/04/2023

  • Giành lại vỉa hè - liệu có thành công?

    04:00, 01/03/2023

  • Hệ luỵ từ cho thuê vỉa hè

    04:00, 16/02/2023

  • “Đánh cắp” vỉa hè

    03:30, 15/02/2023

THANH BÌNH