Vấn đề vỉa hè - làm sao cho trọn lý vẹn tình?
“Giành lại vỉa hè cho người đi bộ” là chủ trương đúng, nhưng thật khó có thể giải quyết thông thoáng ngay được khi đó là nguồn sinh kế của rất nhiều người.
>>Cho thuê vỉa hè?
Sáng đi ăn sáng tôi thấy dọc tuyến phố Tam Bạc, con phố buôn bán sầm uất của quận Hồng Bàng - Hải Phòng có lực lượng chức năng đang đọc loa vận động, rồi cả nhóm công an trật tự, tổ dân phố, lực lượng dân phòng đi dẹp vỉa hè.
Hình ảnh giống như Hà Nội đang mạnh mẽ với chiến dịch “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, nhưng tôi biết việc chạy dọn đồ toán loạn này chỉ duy trì được trong dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 và ngày 1 tháng 5. Còn sau đó, vì mưu sinh chắc chắn đồ đạc hàng hoá lại được dọn ra trên vỉa hè như trước.
Chủ trương “giành lại vỉa hè cho người đi bộ” các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng là chủ trương đúng, nhưng thật khó có thể giải quyết thông thoáng ngay được khi đó là nguồn sinh kế của rất nhiều người.
Ngày 9/3/2023, Hà Nội ra văn bản 607/UBND-ĐT tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường. Các lực lượng đồng loạt ra quân từ 21/3 chấn chỉnh nạn chiếm dụng vỉa hè, nhưng chỉ sau gần chục ngày, đến ngày 31/3 Hà Nội đã chuyển hướng thí đểm cho thuê vỉa hè.
Muốn có vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ thì chỉ quyết tâm với các đợt ra quân theo chiến dịch là chưa đủ. Phải thay đổi hệ thống hạ tầng, thói quen sinh hoạt, tách rời các nguồn sinh kế ra khỏi vỉa hè, không sử dụng xe máy trong cuộc sống sinh hoạt thì mới có vỉa hè cho người đi bộ.
Còn nếu không nên cho thuê để quản lý khai thác hợp lý, chặt chẽ tạo nguồn thu cho nhà nước và giữ kế mưu sinh cho người lao động. Nhất là trong giai đoạn hậu Covid-19, các ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh giờ ngấm thẳng vào cuộc sống của người lao động, kinh tế khó khăn việc đảm bảo mức sống sinh hoạt tối thiểu cũng trở thành bài toán khó với không ít gia đình.
Luật làm ra là để phục vụ cho cuộc sống của nhân dân, nên theo cá nhân người viết, cho thuê vỉa hè tại thời điểm này là hợp thời, hợp lý, hợp tình. Tất nhiên đó là tạm thời, còn về lâu dài phải xây dựng lộ trình để vỉa hè là vỉa hè là phần đường dành cho người đi bộ.
Sinh hoạt của người dân các thành phố lớn gắn với vỉa hè. Do nơi ở chật chội, không đủ không gian làm bữa sáng tại nhà, người dân vẫn lựa chọn ăn sáng ở các quán bún, cháo, mỳ, xôi, bánh mỳ… ở vỉa hè cho ngon, bổ, rẻ. Nếp sống sinh hoạt công nghiệp chưa vào phom với người Việt, do ăn xong còn khề khà thuốc nước, cà phê rồi mới bắt tay vào việc, thì điểm tiện lợi nhất vẫn là vỉa hè.
Phương tiện cá nhân phổ biến chủ yếu là xe máy, khi xe máy còn thì vỉa hè sẽ còn song hành như “cặp đôi hoàn hảo”. Một cái dừng xe gạt chân chống là có thể mua được món đồ vừa ý trên vỉa hè. Từ quần áo, giày dép đến quả pin đồng hồ, hay thay cái chìa khoá… tất tần tật đều có ở vỉa hè.
>>Đề xuất thu phí theo giờ đối với vỉa hè Hà Nội
>>Giành lại vỉa hè - liệu có thành công?
>>“Đánh cắp” vỉa hè
Kinh tế đô thị có phần đóng góp không nhỏ từ nền kinh tế vỉa hè. Chưa có ai thống kê chính thức, nhưng số lao động có việc làm và sống nhờ vỉa hè là con số không hề nhỏ trong cơ cấu dân số các đô thị lớn.
Ai cũng hiểu vỉa hè thiết kế là dành riêng cho người đi bộ, tạo khoảng lưu không an toàn cho các phương tiện giao thông trên đường với các công trình kiến trúc xây dựng dọc hai bên đường. Nhưng với thói quen sinh hoạt từ “nề xưa nếp cũ” với phần đông dân số tập trung ở các thành phố xuất thân từ các làng quê nơi đất rộng người thưa, xây dựng quy hoạch tự do, sinh hoạt tự do tuỳ thích kiểu “đất lề quê thói”, chưa thể ngày một, ngày hai chuyển mình thành văn minh hiện đại ngay được.
Ngay cả các đô thị văn minh như Kyoto của Nhật Bản, hay ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vẫn có khu phố cổ, các hàng quán sử dụng vỉa hè để bán đồ lưu niệm, quán ăn vặt. Cho nên, nếu quy hoạch hợp lý thì ở khu vực phố cổ có thể cho thuê, sử dụng vỉa hè tạo nguồn thu cho ngân sách. Sinh hoạt vỉa hè thành điểm trải nghiệm cuộc sống đối với du khách nước ngoài, còn với khu đô thị mới tuyệt đối không cho sử dụng vỉa hè.
Nếu chỉ thực hiện theo chiến dịch mà không giải quyết gốc rễ của vấn đề thì hệ luỵ rất nhiều. Hà Nội hơn 10 năm qua đã có 5 lần quyết tâm chấn chỉnh vỉa hè lòng đường mà cuối cùng “mèo lại hoàn mèo”. Người dân thì nhờn với chính quyền, người có tư tưởng cấp tiến quyết tâm muốn dẹp vỉa hè thì mất niềm tin, nguồn thu từ vỉa hè chảy đi đâu vào túi ai thì ai cũng biết nhưng chẳng ai trả lời. Người dân vẫn phải luồn lách đi như rắn trườn trên vỉa hè hoặc đi xuống lòng đường - nơi có thể gặp nguy hiểm do các phương tiện ô tô, xe máy đang lưu thông.
Vỉa hè ở các thành phố lớn từ lâu thành cái chợ dài chứ không phải nơi dành cho người đi bộ và không thể phủ nhận sự tiện lợi từ các dịch vụ mà vỉa hè mang lại. Vỉa hè trở thành phần tất yếu của người thành phố đi xe máy, là một phần cuộc sống nếp sinh hoạt với thói quen khó bỏ.
Với người dân “dẹp thì dọn, đuổi thì chạy”, với lực lượng chức năng ăn lương ngân sách chẳng lẽ cứ chỉ mỗi việc đi dẹp vỉa hè. Vậy thì ngoài việc có quy hoạch dài hơi như cấm xe máy, xây dựng hạ tầng đồng bộ, thì để hợp lý vẹn tình hãy cho thuê và quản lý vỉa hè. Cứ làm thí điểm hay, tốt thì nhân rộng sẽ tốt hơn nhiều. Hãy xây dựng hình mẫu quy củ bài bản đảm bảo đủ không gian cho người đi bộ, đủ không gian để bán hàng. Thói quen đi bộ của người Việt còn lâu mới theo được các nước văn minh nên chỉ cần đủ lối đi là đạt yêu cầu.
Thay vì chơi trò đuổi bắt với người dân kinh doanh trên vỉa hè, hãy biến thành cuộc “kết hôn” đẹp đẽ, ngân sách có thêm nguồn thu để xây dựng bộ mặt đô thị khang trang hiện đại.
Có thể bạn quan tâm
Cho thuê vỉa hè?
04:00, 19/04/2023
Đề xuất thu phí theo giờ đối với vỉa hè Hà Nội
09:33, 06/04/2023
Giành lại vỉa hè - liệu có thành công?
04:00, 01/03/2023
Hệ luỵ từ cho thuê vỉa hè
04:00, 16/02/2023
“Đánh cắp” vỉa hè
03:30, 15/02/2023