“Đòn bẩy” để TP.HCM đột phá
Cần thiết có một Nghị quyết mới cho “đầu tàu cả nước” bởi nếu kinh tế TP.HCM ì ạch, kém phát triển sẽ ảnh hưởng xấu đến đà phát triển kinh tế của các tỉnh phía Nam và cả nước.
>>TP. HCM cần được phân cấp, phân quyền đủ mạnh để phát triển đúng tầm
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, ngày 30/5 vừa qua Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Dự thảo Nghị quyết với 7 nhóm cơ chế, chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 26/5.
Thực tế, năm 2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54/2017/QH về thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 54). Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết này đã tạo một số bước đột phá và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có đại dịch COVID-19, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế TP.HCM tăng trưởng thấp và đối mặt với nhiều khó khăn.
Nếu không tháo gỡ được vướng mắc, vai trò “đầu tàu kinh tế” của TP.HCM trong vùng và cả nước sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là cần thiết trong thời điểm này.
Đảng bộ, chính quyền TP.HCM đã nhìn thấy được các rào cản để đề xuất với Chính phủ và Quốc hội một cơ chế đặc thù mới, linh động và cởi mở hơn. Các đại biểu Quốc hội khẳng định cần một cơ chế, chính sách mới có tầm nhìn dài hạn và đột phá hơn cho TP.HCM. Đây là mong mỏi không chỉ của cử tri và Nhân dân TP.HCM mà còn của người dân cả nước.
Theo dự thảo Nghị quyết, TP.HCM sẽ được hưởng cơ chế đặc thù bao gồm cả một số chính sách đã được ban hành trong Nghị quyết 54, một số chính sách đặc thù đã áp dụng cho các tỉnh, một số chính sách đang được bàn để chỉnh sửa như trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Một điểm mới đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết này so với Nghị quyết 54 là chú trọng phát huy được tính năng động và tự chủ của TP.HCM. Dự thảo Nghị quyết mới nghiêng về hướng giao quyền tự chủ nhiều hơn nhằm mang lại hiệu quả khi triển khai cơ chế đặc thù.
Các cơ chế, chính sách sẽ tập trung khơi thông nguồn lực, huy động nguồn lực đầu tư xã hội qua các phương thức đối tác công tư (PPP), BOT, BT hay các cơ chế giúp TP.HCM huy động nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu, thông qua công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC).
>>TP HCM sẽ kiến tạo các giá trị mới
>>Để TP HCM trở thành “đầu tàu” kinh tế
>>Dự thảo Nghị quyết "cơ chế đặc thù" cho TP HCM: Chưa khả thi
Điều này cũng có nghĩa, “chiếc áo đô thị” được thiết kế trước và sau giải phóng hiện đã trở nên chật chội, không tương xứng với đà phát triển nhanh, mạnh của TP.HCM. Vì thế, như lời ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM thì cơ chế, chính sách mới sẽ giúp TP.HCM khơi thông nguồn lực, huy động được nguồn vốn đầu tư thông qua phương thức đối tác công - tư, phát hành trái phiếu hoặc thông qua Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM. Nếu làm tốt, trong 5 năm nữa, TP.HCM sẽ huy động được hàng trăm ngàn tỉ đồng cho đầu tư phát triển.
Có điều, dù cơ chế mở đến bao nhiêu thì vấn đề cốt lõi vẫn là nằm ở con người. Bởi vì, một hiện tượng vẫn còn phổ biến ở cơ quan công quyền là “bệnh vô cảm”, “dân cần, quan chưa vội” thì cho dù có quy định pháp luật thông thoáng cũng khó có tác dụng mong muốn.
Xin dẫn lại lời của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong một phiên họp cách đây không lâu để làm minh chứng, đó là: Trong năm 2022, TP.HCM có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Tuy nhiên, hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền TP.HCM. Ông nói: “Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho thành phố hai văn bản, mà chúng tôi còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp”.
Do đó, tuy ủng hộ Nghị quyết mới của TP.HCM, nhưng Đại biểu Lê Thanh Vân vẫn góp ý rất thẳng thắn: “Dù cho phép TPHCM thí điểm cơ chế về đầu tư, tài chính, đất đai mà bộ máy nhân sự không đủ năng lực thực hiện thì không có ý nghĩa. Cần trao quyền cho TP.HCM tự tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện của thành phố trên cơ sở quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương”.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đồng tình rằng: “Để triển khai, thực hiện chính sách mới hiệu quả, vấn đề cốt lõi, trọng tâm và căn cơ nhấ chính là con người. Nếu con người chùn, không quyết đoán, không dám nghĩ, dám làm hoặc chỉ làm cầm chừng thì không thể có đột phá, phát triển. Tôi tin rằng, TP.HCM với đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sẽ tạo ra bước đột phá”.
Có thể thấy, TP.HCM là một địa phương rất đặc biệt, cán bộ, người dân, doanh nghiệp vốn được đánh giá là luôn năng động, dám nghĩ, dám làm và đi đầu trong đổi mới. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đang tạo động lực dám nghĩ, dám làm cho cả hệ thống chính trị.
Chính dám nghĩ, dám làm sẽ tạo động lực để đổi mới, tạo sự nhảy vọt về phát triển. Do vậy, rất cần có một nơi thực sự năng động, thực sự có năng lực để triển khai chủ trương này của Đảng và TP.HCM với tư cách là “đầu tàu kinh tế” sẽ là địa phương lý tưởng để triển khai cơ chế đặc thù.
Song song, cũng cần một khuôn khổ pháp lý để TP.HCM phát huy tối đa được tinh thần dám nghĩ, dám làm. Chỉ khi hóa giải được nỗi sợ trách nhiệm của cán bộ thì Nghị quyết mới đi sâu vào thực tiễn và giành được thắng lợi lớn!
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Nghị quyết "cơ chế đặc thù" cho TP HCM: Chưa khả thi
05:00, 30/05/2023
TP HCM sẽ kiến tạo các giá trị mới
01:00, 30/05/2023
Để TP HCM trở thành “đầu tàu” kinh tế
02:42, 27/05/2023
TP HCM quyết tâm gỡ vướng đầu tư công, ủy quyền duyệt dự án nhóm C về địa phương
10:52, 25/05/2023
Câu chuyện ách tắc "sổ hồng" tại TP HCM đã có lời giải?
05:00, 15/05/2023