Chuyện buồn của “điện”
Việt Nam là cường quốc điện gió, mặt trời, nhưng vẫn phải đi nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. Đó là câu chuyện rất buồn!
>>Giá điện và tiếng nói người trong cuộc
Những câu chuyện liên quan tới “điện” như giá điện, nhập khẩu điện… luôn nhận được sự quan tâm của dư luận và nó lại làm nóng nghị trường Quốc hội những ngày qua. Đặc biệt là vấn đề chúng ta dư nguồn năng lượng tái tạo, nhưng lại phải nhập khẩu điện từ nước ngoài.
Nhiều Đại biểu nêu câu hỏi, vì sao Việt Nam phải nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc trong khi 4.600MW điện tái tạo bỏ phí, không được hòa lưới. Đại biểu Lê Thanh Vân thẳng thắn khi nói, Việt Nam là cường quốc điện gió, mặt trời, nhưng vẫn phải đi nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào. Đó là câu chuyện rất buồn! Thiên nhiên ưu đãi như thế, nhưng vì sao ta vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, vì sao lại xác định nhập điện lâu dài.
Đây là một thực tế trớ trêu, bởi vì trong lúc Việt Nam chúng ta đang thiếu điện, nhưng nhà đầu tư năng lượng tái tạo vẫn chưa thể phát lên lưới. Được biết, hiện tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành là hơn 4.600MW, trong đó có khoảng 2090 MW từ 28 nhà máy điện gió và 6 nhà máy điện mặt trời đã hoàn thành xây dựng, vượt qua thử nghiệm, đủ điều kiện phát điện.
Điều này là do chưa có cơ chế giá phát điện để làm cơ sở thỏa thuận mua bán điện giữa các nhà đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Các nhà máy điện gió đã phải chờ cơ chế này khoảng 16 tháng, còn các nhà máy điện mặt trời đã phải chờ hơn 26 tháng. Hiện Bộ Công Thương, EVN và các nhà đầu tư đang gấp rút thực hiện các giải pháp tạm thời cho sự bất cập này.
Dù chúng ta cũng ghi nhận một vài sự kiện tích cực hơn. Quy hoạch điện VIII đã chính thức được phê duyệt ngày 15/5/2023 sau một tiến trình dài bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với các cam kết về bền vững môi trường của Việt Nam với quốc tế.
Vấn đề ở chỗ, một nguyên nhân sâu xa, quan trọng khiến cho năng lượng tái tạo vẫn “dậm chân tại chỗ” và khiến chúng ta vẫn phải nhập khẩu điện từ nước ngoài (dù nguồn nhập được xác định rất nhỏ) đó là chúng ta đã “lỡ” ký hiệp định mua bán với nước ngoài.
>>“Sức ép” của giá điện mới
>>Tăng giá điện - góc nhìn mở
>>Giá điện tăng – Làm gì để kiểm soát lạm phát?
Liên quan đến vấn đề lãng phí điện mặt trời, Bộ Công thương nói không phải vướng về giá, mà vướng về công suất, chúng ta đã đủ tải. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc chất vấn rất hợp lý rằng: Chúng ta đủ tải thì tại sao lại cho làm, còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện đã mua của nước ngoài?
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khi ông trao đổi với đại diện Bộ Công thương, thì vấn đề là do Bộ Công thương đã ký hiệp định với nước ngoài và giờ không thể đàm phán cắt. Đấy là nguyên nhân và chúng ta cần phải đi tận gốc của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào.
Dù nói gì đi nữa, đây là những sự kiện không tốt, ảnh hưởng rất tiêu cực đến người tiêu dùng điện. Các nhà đầu tư điện lực chịu thất thu và phải đối diện với nguy cơ không đảm bảo chi trả phương án tài chính dự án, thậm chí vỡ nợ. Các đơn vị chủ quản ngành điện Việt Nam chịu nhiều áp lực, giảm niềm tin từ xã hội.
Để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm phát điện, cơ quan quản lý cần có những hướng dẫn bằng văn bản rõ ràng hơn. Những điều kiện nào tại Thông tư 15 gây khó khăn cho nhà đầu tư thì cần được bãi bỏ. Mức giá trần có được điều chỉnh hay không, cách tính giá trần cũng cần được làm rõ.
Đây là những việc cần làm để bên mua điện như EVN cũng tránh được cảnh “vừa đàm phán vừa run”, vừa cho phát điện lên lưới vừa sợ rủi ro pháp lý. Còn nhà đầu tư cũng không lâm cảnh sau khi được hưởng giá tạm thì lại không đủ điều kiện để được đàm phán, thanh toán giá chính thức.
Chúng ta là quốc gia đang trong giai đoạn phát triển mà các quốc gia thu nhập cao đã từng trải qua. Tiêu dùng năng lượng của Việt Nam hiện nay còn rất ít và sẽ còn tăng cao hơn nữa. Chính vì thế, ngoài giải pháp tiết kiệm điện, nhiệm vụ quan trọng sống còn là phải xây dựng được các nguồn phát điện ổn định và có giá phù hợp với đại đa số người dân.
Hy vọng rằng, với Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, chúng ta sẽ có những nỗ lực quyết liệt, hiệu quả và phù hợp với quy luật thị trường để phát triển được nguồn điện tái tạo tốt hơn hiện nay và chấm dứt tình trạng thiếu điện, nhập khẩu điện.
Có thể bạn quan tâm
Dự báo giá điện và nhu cầu lưu trữ để vận hành linh hoạt hệ thống điện
05:00, 02/06/2023
Giá điện và tiếng nói người trong cuộc
03:00, 01/06/2023
“Sức ép” của giá điện mới
01:00, 28/05/2023
Yêu cầu EVN làm rõ việc tăng giá điện có phải do thua lỗ?
17:10, 26/05/2023
EVN đề xuất hai cơ chế đàm phán giá điện rác, điện sinh khối
04:00, 14/05/2023
Tăng giá điện tác động thế nào đến vật liệu xây dựng?
09:38, 11/05/2023
Tăng giá điện - góc nhìn mở
05:00, 10/05/2023
Tăng giá điện: Từ con số vĩ mô đến thực tế đời sống
05:00, 06/05/2023
Giá điện tăng – Làm gì để kiểm soát lạm phát?
04:00, 05/05/2023