Trốn đóng BHXH: Trăm dâu đổ đầu… công nhân
Chị Hằng sang nhà chơi thăm mẹ tôi, chẳng cần hỏi, chỉ cần nhìn dáng vẻ mệt mỏi, quần áo nhàu nhĩ nét mặt buồn rầu là tôi hiểu chị đang gặp nhiều khó khăn.
>>Lao động Việt Nam ở nước ngoài có đang phải đóng bảo hiểm xã hội hai lần?
Gần hai mươi năm chị theo bạn bè vào Nam tìm việc ở Bình Dương, xin vào làm cho công ty ở khu công nghiệp Sóng Thần, rồi lấy chồng ở đó. Dịp COVID-19 bùng, phát chị cùng chồng con díu dắt nhau về quê bằng xe máy. Lay lắt ở quê, khi dịch bệnh tạm yên, vợ chồng con cái lại rồng rắn quay lại Bình Dương làm việc.
Nền kinh tế khủng hoảng sau COVID-19 cùng ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine làm suy thoái nền kinh tế châu Âu, công ty ít đơn hàng, giãn việc, sa thải bớt người, người còn ở lại thì giãn việc, nghỉ chờ việc, thu nhập giảm sút trong khi con cái vẫn đang tuổi ăn học, chi phí chỉ có tăng lên.
Cầm cự được thời gian đến khi bị ốm đi khám bệnh chị mới ngã ngửa ra công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho chị từ lâu, nên không có chế độ thanh toán bảo hiểm. Quanh năm chăm chỉ làm việc trong xưởng, hàng tháng nhận lương, còn các chế độ khác chị trông cậy cả vào công ty, cho nên việc công ty ngừng đóng BHXH cho chị đến giờ chị mới hay.
Căn bệnh sưng khớp gối khiến chị không thể tiếp tục làm việc, bắt buộc phải xin nghỉ về quê ngoại để lá lẩu thuốc thang điều trị. Nghe chị nói chuyện mới thấy thực sự đời người công nhân đi làm xa, ở thuê trọ cơ cực như thế nào.
Trước khi có đại dịch COVID-19 thì công việc nhiều, hai vợ chồng chị làm việc 11,12 tiếng một ngày, chủ nhật, ngày lễ cũng đăng ký đi làm để có số lương tăng gấp đôi, gấp ba. Cả ngày cắm cúi vào dây chuyền lắp ráp, căng đầu, căng sức ra để theo kịp tốc độ dây chuyền, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Về đến nhà chỉ kịp tắm rửa ăn uống qua loa là lăn đùng ra ngủ để lấy sức cho ngày hôm sau.
Có như vậy thì mới có tiền đóng nhà trọ, nộp học cho con, còn để dư chút ra làm tích luỹ phòng lúc ốm đau. Chế độ chính sách bảo hiểm như thế nào là phó mặc cho bộ phận hành chính của công ty, chỉ lúc ốm đau hay nghỉ sinh đẻ mới biết chế độ và quyền lợi như thế nào.
Trở lại sau đại dịch COVID-19, vợ chồng chị tìm chỗ trọ rẻ nhất, chuyển đi chuyển lại đến mấy lần nhà, cố gắng cầm cự, nhưng đến lúc bị sưng gối thì không trụ lại được nữa. Chi phí con cái học hành từ sách giáo khoa cho đến các khoản thu, học thêm, phí tham gia các câu lạc bộ, rồi giá cả một số mặt hàng thiết yếu vẫn cứ tăng trong khi tiền lương và thu nhập lại giảm sút. Tuổi quá bốn mươi sức khoẻ không còn sung mãn như trước, hay ốm đau cộng thêm ăn uống kham khổ, dè sẻn, người cứ quắt lại chả còn sức sống.
>>Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): 8 Hiệp hội đề xuất giảm tỉ lệ đóng
>>Cách nào ngăn rút bảo hiểm xã hội một lần?
>>Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
Trong khi đó, chẳng phải riêng công ty chị, rất nhiều người ở cùng khu trọ phàn nàn về việc công ty trốn đóng BHXH, có nhóm còn nộp đơn kiện, nhưng tiền thuê luật sư không có, toàn công nhân lao động không quen với thủ tục pháp lý, cứ như “con kiến đi kiện củ khoai”, chỉ cần vài lần toà gọi hỏi yêu cầu khai báo, chứng thực là công nhân đi kiện sẽ nản và bỏ cuộc.
Trong khi để giảm chi phí, các doanh nghiệp trốn đóng BHXH bằng các hợp đồng lao động thời vụ, khoán gọn, thuê theo gói. Người lao động có khi chả hiểu sao khi bị công ty yêu cầu nghỉ hai ba ngày rồi lại tiếp tục đi làm, còn để đọc hiểu rõ nghĩa vụ, quyền lợi của hợp đồng thì không phải ai cũng hiểu hết.
Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1/1/2018, người lao động (NLĐ) có hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ 1-3 tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc. Điều này nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ và công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH. Thế nhưng doanh nghiệp lại chuyển sang hợp đồng ngắn hạn một tháng một lần, cùng nhiều chiêu trò khác để trốn tránh nghĩa vụ. Công ty còn giao khoán sản phẩm cho công nhân mang về nhà rồi mang hàng thành phẩm trả công ty, hay hợp đồng miệng... Cứ thế mọi thiệt thòi cứ “trăm dâu đổ đầu công nhân”.
Chị Hằng cùng chồng đang tính xin nghỉ việc rút BHXH một lần để giải quyết các khó khăn trước mắt, cho dù phía trước tương lai ốm đau, bệnh tật hay khi về già không có chế độ đang hiện hữu.
Theo số liệu thống kê, chỉ riêng TP Hồ Chí Minh có tới 58 ngàn doanh nghiệp nợ các khoản BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 4.800 tỷ đồng, như vậy sẽ có không biết bao nhiêu người rơi vào tình cảnh như chị Hằng.
Xã hội phân công nhiệm vụ mỗi thành viên là một mắt xích trong chuỗi liên kết hình thành lên dòng chảy cuộc sống, thiếu những người công nhân như chị Hằng là thiếu đi một công đoạn hình thành nên các sản phẩm vật chất phục vụ đời sống con người.
Người lao động cần lắm các cơ quan chính quyền, quản lý nhà nước công an, toà án, viện kiểm soát lập các đoàn thanh tra, kiểm tra thực trạng đóng BHXH, ngăn chặn, xử lý việc trốn tránh nghĩa vụ hay trục lợi từ quỹ BHXH bảo vệ cho người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam có “nhẹ tay” với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội?
11:00, 21/12/2021
Nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, 7 doanh nghiệp, đơn vị bị đề nghị xử lý hình sự
10:41, 18/08/2020
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, người lao động khốn khổ
11:05, 20/12/2018
Giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội: Đồng bộ nhiều giải pháp
05:10, 25/11/2018