Bảo mật thông tin cá nhân: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Việc bùng nổ giao dịch trực tuyến trên nền tảng mạng Internet lại phát sinh các nguy cơ như lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng, rò rỉ thông tin cá nhân người dùng.
>>Bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử
Bên cạnh hệ luỵ tiêu cực gây ra các thiệt hại về sinh mạng, kinh tế, xã hội… thì đại dịch COVID-19 lại có mặt tích cực là bung lò xo bị nén, phát huy hiệu quả của công nghệ 4.0.
Các giao dịch kinh tế, đến cả các việc quan trọng như ký kết hợp đồng cho đến đặt mua hàng cũng được tiến hành trên mạng với chữ ký số, thanh toán điện tử. Việc thanh toán trực tuyến giúp việc thực hiện các giao dịch nhanh chóng, thuận tiện… giảm bớt được thời gian, đi lại, kiểm đếm tiền mặt.
Tuy nhiên, chính việc bùng nổ giao dịch trực tuyến trên nền tảng mạng Internet lại phát sinh các nguy cơ như lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái kém chất lượng và nguy cơ cao và hiện hữu nhất là rò rỉ thông tin cá nhân người dùng.
Ở xã hội hiện đại, với công nghệ như hiện nay, thông tin trở thành tài sản có giá trị, có tiềm năng để khai thác rất cao. Ở Việt Nam, bảo mật thông tin cá nhân chưa được chú trọng đúng mức, để đến lúc phát sinh các vụ việc, hệ luỵ thì người dùng mới “tá hoả tam tinh” thấy hậu quả của sự bất cẩn của mình.
Hầu hết mọi người hiện nay sử dụng điện thoại thông minh, sử dụng trang tìm kiếm Google cùng rất nhiều phần mềm ứng dụng, khi đăng ký sử dụng thư điện tử hay các ứng dụng thường bị nhà quản trị yêu cầu nhập các thông tin như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số điện thoại…
Chính sự vô ý tự nguyện này làm thông tin cá nhân bị rò rỉ trên không gian mạng. Để rồi sau đó nhẹ nhàng là các quảng cáo cứ thi nhau chạy vào thư điện tử, tin nhắn, các cuộc gọi chào hàng mua bán nhà cửa, cho vay,…. Nặng hơn là các cuộc gọi có tính chất quấy nhiễu. Cấp độ cao hơn là lừa đảo đe doạ, tống tiền ăn cắp các thông tin ngân hàng được bảo mật nếu người dùng truy cập các đường liên kết đầy cạm bẫy.
Do đó, ý thức bảo vệ thông tin cá nhân phải bắt đầu từ ý thức của người dùng. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, người dùng không được dễ dãi cung cấp khai báo thông tin khi tải và sử dụng các ứng dụng trên máy tính, điện thoại.
>>Tăng chế tài xử lý để bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng
>>Ngán ngẩm vì bị lộ, lọt thông tin cá nhân
>>Tin tặc dùng thông tin cá nhân bị lộ để lừa đảo như thế nào?
Nhiều người cứ ra sức tải và sử dụng thật nhiều các ứng dụng, sử dụng các trang giải trí, mạng xã hội một cách thoả thích mà không biết các thuật toán đang tự động thu thập và theo dõi thông tin của mình.
Lịch sử và số lần ra vào các trang wed được ghi lại để dựng lên chân dung của khách hàng. Quảng cáo nào bạn đã xem trên Facebook, video nào bạn đã xem trên Youtube đều được ghi nhớ lại, bạn đi đến đâu, tương tác với ai, tần suất như thế nào cũng thành dữ liệu được ghi lại. Chỉ cần bạn xem nhiều clip về chạy bộ, thì các quảng cáo giày chạy, phụ kiện chạy bộ, đồ ăn năng lượng, bù muối sẽ xuất hiện luôn và ngay khi bạn lướt facebook.
Các tin nhắn, hình ảnh video của bạn, kể cả bạn đã xoá vẫn được lưu lại trong máy chủ của hệ thống và bạn đang là con tin của mạng Internet, thành sản phẩm và đối tượng kinh doanh của Google.
Có người chủ quan nghĩ rằng mình chẳng có số dư tài khoản ngân hàng lớn để phải lo lắng, nên cứ vô tư nhấn vào các đường liên kết có nhiều rủi ro, mà quên đi rằng sự bất cẩn đó khiến mình phải trả giá sau này khi các tin nhắn, hình ảnh riêng tư đột nhiên bị công khai.
Quyền bảo mật thông tin cá nhân là quyền chính đáng của con người. Các nước phát triển họ đã kiểm soát việc này từ lâu, đơn giản nhất là quyền bảo mật về thông tin sức khoẻ cá nhân, việc gửi thư điện tử tới họ cũng phải cân nhắc các điểm bảo mật.
Khác với nhiều người ở Việt Nam cứ hay khoe trên mạng xã hội từ kết quả khám sức khoẻ, đến giấy khen của con, cháu để đến lúc bị điện thoại gọi báo con bị tai nạn với đủ thông tin trường lớp, thầy cô chủ nhiệm, ngày tháng năm sinh… bị mắc lừa chuyển tiền gấp trong khi con vẫn bình an vô sự.
Công nhân, người lao động bị lừa khi nhờ làm thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần trên mạng cùng bao nhiêu bài học khác. Hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội có thể bị ghép vào các trang đòi nợ hay bị cắt ghép dùng vào mục đích xấu mà người dùng vẫn cứ hết sức thờ ơ.
Theo báo chí, một kênh rò rỉ thông tin cá nhân nữa đó là có nghi vấn nhân viên ngân hàng bán thông tin của khách hàng. Việc chuyển đổi số ngân hàng giúp cho giao dịch không dùng tiền mặt rất thuận tiện, nhanh chóng. Chỉ 5 tháng đầu năm 2023, thanh toán trực tuyến tăng 52.35%, qua Internet tăng 75.54%, điện thoại di động 64.26%, mã QR tăng 151.14%... Việc không tiền mặt, không chứng từ giấy, không cần gặp mặt trực tiếp dần dần thành hiện thực.
Mới đây, công an Đà Nẵng điều tra và phát hiện đường dây mua bán trao đổi thông tin tài khoản khách hàng của nhân viên ngân hàng. Nhiều nhân viên của 13 ngân hàng thương mại bị triệu tập, có người thừa nhận việc bán thông tin khách hàng. Như vậy, nguy cơ bị đánh cắp rò rỉ thông tin cá nhân từ hệ thống ngân hàng thương mại mà không có chế tài xử lý nghiêm minh là có thật.
Do vậy tránh để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, các cá nhân cần tự nâng cao trình độ nhận thức về sử dụng, bảo quản thông tin cá nhân trước khi có luật cụ thể bảo vệ.
Đừng vào các đường link lạ có nguy cơ đánh cắp thông tin. Các ngân hàng thiết lập lưu trình quản lý, kiểm soát, giám sát việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của khách hàng bằng cả công nghệ lẫn kiểm soát con người. Chính phủ cần luật hoá cùng chế tài xử lý các vi phạm sự xâm phạm thông tin cá nhân trước khi tình trạng tồi tệ hơn thêm.
Có thể bạn quan tâm
Bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch thương mại điện tử
00:30, 17/06/2023
Chế tài nào quản lý “sim rác” xâm nhập thông tin cá nhân?
03:59, 27/03/2023
Tăng chế tài xử lý để bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng
04:00, 08/10/2022
Ngán ngẩm vì bị lộ, lọt thông tin cá nhân
05:00, 24/08/2022
Tin tặc dùng thông tin cá nhân bị lộ để lừa đảo như thế nào?
03:00, 29/12/2021