“Cuộc chiến” số hóa mác thời trang

HÀ LINH QUÂN 05/07/2023 02:00

Có lẽ là với tất cả mọi người, việc đầu tiên trước khi mặc quần áo mới là cắt đi cái mác áo.

>>Điều chưa biết về chiếc kim băng trong làng thời trang

Thế nhưng, cái mác đó lại đang là tâm điểm của cuộc tranh luận  “nảy lửa” giữa các doanh nghiệp thời trang với các cơ quan lập pháp Mỹ.

Từ trước đến nay, theo quy định của pháp luật, các bên sản xuất phải ghi đầy đủ thông tin trên mác quần áo, bao gồm thành phần vải, quốc gia xuất xứ, danh tính nhà sản xuất hoặc doanh nghiệp chịu trách nhiệm tiếp thị hoặc xử lý sản phẩm,...

Vận động hành lang

Các doanh nghiệp bán lẻ thời trang mong muốn đổi mác quần áo truyền thống bằng một mẩu vải nhỏ hơn nhiều, chỉ đủ để in một cái mã QR. Như thế, mác áo sẽ nhỏ gọn, ít gây vướng víu, cũng như có thể liên tục cập nhật các thông tin liên quan về sản phẩm, như cách giặt, nguồn gốc, thành phần,…

Khi đó, khách hàng chỉ cần quét mã QR là có thể truy cập vào một trang web chứa đầy đủ các thông tin liên quan đến sản phẩm, từ cách bảo quản, tái chế, thông tin về chuỗi cung ứng, thành phần nguyên liệu, cho đến những hoạt động môi trường, hỗ trợ phát triển bền vững của nhà sản xuất. Đặc biệt, nhà sản xuất có thể cập nhật nội dung trên trang web thường xuyên, bảo đảm thông tin luôn được cập nhật chính xác.

Tuy nhiên, việc in mác áo đang được thực hiện theo quy định của pháp luật, thành thử nhà sản xuất chỉ có thể đổi kiểu mác thì luật pháp thay đổi. Thế là các nhà sản xuất quần áo liền tổ chức một loạt các chiến dịch vận động hành lang đến Quốc hội Mỹ và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) để được phép thay thế mác quần áo thông thường bằng các mác mã QR.

Họ lập luận rằng, không chỉ là vấn đề cập nhật thông tin sản phẩm, mà mác kỹ thuật số còn giúp các bên sản xuất có thể tạo ra mác có kích thước nhỏ hơn, ít gây khó chịu cho người mua hơn.

Mác kiểu cũ ở trên quần áo gây cho khách hàng sự khó chịu, thường bị cắt bỏ khi sử dụng. Như vậy, nếu quần áo được bán lại, đến tay người dùng thứ hai, thì người dùng này sẽ không có bất kỳ thông tin gì về sản phẩm. Khi đó, nếu là một chiếc mác nhỏ hơn, ít gây chú ý hơn, thì cũng ít có nguy cơ bị cắt bỏ hơn.

 Ralph Lauren đang có trên thị trường hơn 220 triệu đơn vị hàng hóa tích hợp mã QR.

Ralph Lauren đang có trên thị trường hơn 220 triệu đơn vị hàng hóa tích hợp mã QR.

Đối với ông Stephen Lamar, Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ, thì ngành thời trang luôn tịnh tiến và thay đổi. Nếu cứ “sa lầy” trong kiểu mác truyền thống, thì số lượng thông tin cần được đính kèm sẽ “vượt ngoài tầm kiểm soát”. Bởi vậy, tổ chức của ông chính là đơn vị hiện đang thúc đẩy việc chuyển sang mã QR. Họ gọi đây là chiến dịch “hiện đại hóa mác quần áo”.

>>Phát triển thời trang bền vững với vỏ cam, bã cà phê, rong biển

Còn nhiều gian nan

Hiện tại đã có những bên triển khai mã QR và nhận về tín hiệu tích cực. Chẳng hạn thương hiệu Ralph Lauren đang có trên thị trường hơn 220 triệu đơn vị hàng hóa tích hợp mã QR. Họ ghi nhận lượng truy cập vào trang web kết nối với mã QR tăng đột biến, gấp hai gấp ba, vào mỗi cuối tuần hoặc các ngày lễ, chẳng hạn Giáng Sinh. Tính trung bình, mỗi ngày có 13.000 lượt quét mã trên các sản phẩm của Ralph Lauren. Đây là một con số lớn, và chứng minh rằng người tiêu dùng đã sẵn sàng đổi sang mác kỹ thuật số.

Một trường hợp đáng lưu ý khác là thương hiệu thời trang nhanh Zara từng cáo buộc một doanh nghiệp ở California tráo đổi mác của họ, thay thế bằng hàng nhái. Nếu ở thời đại mà mác kỹ thuật số lên ngôi, thì việc này sẽ khó có thể xảy ra hơn.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình. Một số ý kiến phản biện cho rằng, cái mác in ra thì là “giấy trắng mực đen”, mọi thông tin rõ ràng và một khi đã in ra là không thể thay đổi được, đảm bảo tính minh bạch và là bằng chứng nếu nhà sản xuất có sai phạm. Còn đối với mác QR, thông tin nằm trong tay nhà sản xuất, họ có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Ngoài ra, nhà sản xuất còn có thể lợi dụng mã QR để cắt bớt một số thông tin vốn dĩ khách hàng cần được biết.

Đáp lại, các nhà sản xuất cam đoan rằng, khả năng cập nhật ở đây không phải thứ dùng để “che giấu” hay “lấp liếm” theo cách tiêu cực, mà họ sẽ dùng để cập nhật thông tin khi có các thay đổi diễn ra. Chẳng hạn, một thành phần ba năm trước được đưa vào diện “không thể tái chế”, thì có thể ba năm sau nó lại trở thành thứ “có thể tái chế được”.

Sau một loạt những lập luận hết sức “sắc bén” và những “lợi ích to lớn” như vậy, cuối cùng, giới chức Mỹ trả lời: “không”. Bởi vì, không phải ai cũng có sẵn điện thoại thông minh kèm internet để quét mã QR.

Như vậy, luật pháp vẫn nhất quyết bảo vệ quyền được biết thông tin, xuất xứ sản phẩm một cách minh bạch, dễ dàng của mọi người tiêu dùng, kể cả những người mà ngay giữa thời đại 4.0 vẫn không có điện thoại thông minh hay là internet.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều chưa biết về chiếc kim băng trong làng thời trang

    02:30, 01/05/2023

  • Tuần lễ Thời trang AI lần đầu tiên

    03:00, 18/04/2023

  • Phát triển thời trang bền vững với vỏ cam, bã cà phê, rong biển

    04:00, 03/04/2023

  • Thời trang thế hệ… Web3

    05:05, 12/02/2023

  • Ralph Lauren hợp tác Fortnite, khai phá thời trang ảo

    04:00, 08/11/2022

HÀ LINH QUÂN