“Cầm cương” lạm phát để ổn định nền kinh tế
Mặc dù áp lực lạm phát được đánh giá là lớn, giá cả tăng cao tác động đến đời sống của người dân, tuy nhiên, so với tình hình chung của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát.
>>Lạm phát dự báo thấp, thêm đợt cắt giảm lãi suất điều hành trong quý 3?
Kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là chủ trương và nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ thời gian qua.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Đây là chỉ số CPI tương đối thấp trong điều kiện lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn cao và giá cả nhiều mặt hàng như nguyên, nhiên vật liệu đầu vào của nền sản xuất tăng cao.
Nhìn vào một số chỉ tiêu thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023 đã cho thấy những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh phần lớn kinh tế các nước đang gặp nhiều khó khăn về tăng trưởng thấp và lạm phát gia tăng.
Khách quan mà nói, Việt Nam đã kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 ở mức phù hợp. Ngoài yếu tố khách quan như giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm theo giá thế giới, thì đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá (dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỉ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư) đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỉ giá VND ổn định so với USD, bảo đảm ổn định vĩ mô cùng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ là những yếu tố góp phần kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định: “Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023 nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 6,3 - 7% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,3 - 3,5%”.
Tương tự, nhìn nhận về diễn biến thị trường giá cả và những yếu tố sẽ kìm cương lạm phát nửa cuối năm, theo TS Nguyễn Đức Độ, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.
Tuy nhiên, các nhân tố ảnh hưởng tới lạm phát của Việt Nam 6 tháng cuối năm vẫn rất lớn, bao gồm cả nhân tố khách quan do tác động từ nền kinh tế thế giới và cả các nhân tố từ nội tại trong nước.
>>Lạm phát, tỷ giá ổn định hỗ trợ lãi suất tiếp tục giảm
Một điểm chúng ta cần lưu ý đó là, Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng, toàn diện với thế giới và mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chiếm tới 37% nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào rất lớn. Trong khi, nội tại nền kinh tế trong nước cũng đang có nhiều áp lực đến lạm phát. Hoạt động du lịch, dịch vụ và xuất nhập khẩu trong quý III và IV/2023 có xu hướng tiếp tục tăng cao sẽ có thể đẩy lạm phát tăng..v..v.
Do đó, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo đó, chúng ta cần thực hiện đồng bộ cùng lúc 3 nhóm giải pháp: Giảm tác động của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.
Và trước tiên, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm ổn định mặt bằng giá cả. Đặc biệt trong thời điểm sau 1/7/2023 khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện.
Việc nắn chỉnh dòng chảy tín dụng vào nền kinh tế một mặt là nhằm kiềm chế nguy cơ về lạm phát, mặt khác là hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh trong bối cảnh chi tiêu toàn cầu sụt giảm. Mặc dù sự chuẩn bị từ trước là dự trự ngoại hối đã giúp Việt Nam đứng ngoài vòng xoáy lạm phát của thế giới, nhưng việc thắt chặt tín dụng cho thấy chúng ta vẫn chưa thể đi ngược xu hướng chung, trong đó có chưa tận dụng hết nguồn lực trong và ngoài nước.
Có thể nói, kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện tại có thể nói là rực rỡ khi một mặt Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, mặt khác nền kinh tế mới nổi khiến nhiều dòng vốn FDI để mắt tới. Song, giai đoạn này lại là lúc các nền kinh tế lớn đua nhau tăng lãi suất hút tiền về. Chỉ việc đó thôi cũng đủ tạo áp lực lên tăng trưởng của Việt Nam.
Vì vậy, việc “cầm cương” được lạm phát sẽ có ý nghĩa quan trọng khi giúp ổn định nền kinh tế vi mô, tạo nguồn sóng để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Làm gì để tài sản của bạn không bị lạm phát bào mòn?
13:28, 19/06/2023
Lạm phát dự báo thấp, thêm đợt cắt giảm lãi suất điều hành trong quý 3?
11:16, 30/06/2023
Ngân hàng Nhà nước: Hạ lãi suất nhưng không chủ quan với áp lực lạm phát
04:09, 17/06/2023
Lạm phát, tỷ giá ổn định hỗ trợ lãi suất tiếp tục giảm
05:15, 05/06/2023
Định hướng thế nào để giữ ổn định vĩ mô, khống chế lạm phát?
18:29, 28/05/2023