Làm gì để trong sạch môi trường bảo hiểm?

MINH TUẤN 19/07/2023 04:00

Không rõ ở các địa phương khác thế nào, chứ ở Hải Phòng thời gian gần đây mọi người than phiền rất nhiều về việc nhận được điện thoại mời chào quảng cáo.

>>Chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ: Cần tăng cường hoạt động giám sát

10 cuộc thì có đến 4 cuộc mời mua bảo hiểm, 4 cuộc chào mua đất nền, 1 cuộc kinh doanh đa cấp, chỉ 1 cuộc là công việc thực sự.

Quả thật, kinh tế khó khăn làm cho người ta bỏ quên mất lòng tự trọng, sự tự tôn của bản thân để làm những việc mà biết chắc người người nghe không muốn, làm cho hình ảnh về kinh doanh đa cấp (nhất là thực phẩm chức năng) bị méo mó, ác cảm, bảo hiểm bị xa lánh, bất động sản bị sợ hãi trong khi về bản chất các loại hình này không đáng bị ghét bỏ như vậy.

fff

Nhiều người đi vay ngân hàng, đi gửi tiết kiệm vào ngân hàng bị chèo kéo mua bảo hiểm.

Buồn nhất là nhiều người đi vay ngân hàng bị chèo kéo mua bảo hiểm với cả sự hậm hực, có người già dành dụm đi gửi chút tiền tiết kiệm bị tư vấn, định hướng thành mua bảo hiểm, trong khi không có nhu cầu lâm vào tình cảnh “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, duy trì đóng mua tiếp thì không có khả năng, mà phá ngang hợp đồng thì thiệt đủ đường, chưa kể có đơn bảo hiểm nếu khách phá ngang hợp đồng coi như mất trắng.

Ở các nước kinh tế phát triển, mô hình bảo hiểm nhân thọ được phổ biến rộng tới trên 80% người dân tham gia. Khi họ có đủ số dư để sinh sống thì bảo hiểm sẽ bảo vệ tài chính cho gia đình, bồi thường cho người thân trong gia đình nếu có người gặp tai nạn, rủi ro. Một số loại hình bảo hiểm có tính năng như tiết kiệm đi kèm bảo vệ rủi ro giúp người mua tích luỹ để mua sắm món đồ có giá trị lớn như nhà cửa, xe cộ.

Vấn đề đặt ra là cách tiếp cận khách hàng, cách tư vấn, rồi thanh khoản, tất toán bảo hiểm tại Việt Nam còn nhiều bất cập, trong khi trình độ dân trí chưa cao, nhiều người vẫn lầm tưởng bảo hiểm như là gửi tiết kiệm càng lâu càng có lãi, mà chưa hiểu mua bảo hiểm như mua sản phẩm nên có khấu hao, là loại hình sử dụng dịch vụ phải mất phí.

Bảo hiểm là loại sổ số, nhưng người mua không muốn trúng vì bảo hiểm sẽ phát huy tác dụng với những lỗi lầm, rủi ro xảy đến với bản thân. Như mua bảo hiểm thân vỏ cho xe ô tô, nếu anh đi an toàn, hết năm anh sẽ mất hết số tiền mua bảo hiểm đó, nhưng nếu xe anh bị đâm đụng, va quệt do lỗi của anh thì bảo hiểm sẽ có trách nhiệm đền bù.

>>Bộ Tài chính sẽ tập trung thanh tra bảo hiểm liên kết đầu tư

>>4 doanh nghiệp được yêu cầu khắc phục sai phạm bán bảo hiểm

Chắc chắn vì lợi ích nên có việc bắt tay giữa bên bán bảo hiểm nhân thọ với các ngân hàng thương mại. Cứ đến các phòng giao dịch của các ngân hàng, dù đi gửi tiền, hầu như sẽ có nhân viên bên bảo hiểm hoặc chính các giao dịch viên của ngân hàng tư vấn về việc mua gói bảo hiểm nào đó.

Đạo đức kinh doanh của tư vấn viên còn thiếu, nên khi tư vấn người tư vấn chỉ nói về các lợi ích khi mua bảo hiểm, lờ đi các điều khoản người mua phải tuân theo khi muốn rút lại tiền hay dừng hợp đồng. Nội dung hợp đồng rất dài, nhiều từ chuyên môn, thuật ngữ không phổ biến với đa số, nên nhiều cụ già nghe bùi tai chuyển tiền gửi sang mua bảo hiểm để sau đó một thời gian hiểu ra mới “tá hoả tam tinh” vì thấy mất nhiều hơn được.

Còn đi vay thì khỏi phải nói, để vay được tiền không chỉ phải được xác minh tài sản thế chấp, tín chấp vượt qua các vòng kiểm định, mà còn phải chịu vòng bị chèo kéo, gần như ép mua bảo hiểm. Vì sự cần kíp, nhiều người tặc lưỡi chọn mua gói rẻ nhất đóng một năm đầu rồi coi như bỏ mất luôn, họ hiểu rõ số hoa hồng mà tư vấn viên được hưởng. Họ hiểu rõ số tiền bảo hiểm phải chi trả đền bù cho các trường hợp gặp rủi ro thấp hơn nhiều so với số lợi nhuận họ thu được. Sự thiệt thòi của người mua lại không được bảo vệ của pháp luật khi “giấy trắng mực đen”, “án tại hồ sơ” bởi trên hợp đồng bảo hiểm có chữ ký rõ ràng của “khổ chủ”.

Người phải đi vay vốn phải lao tâm khổ tứ nhiều thứ, cộng với nỗi lo về món nợ phải trả mà vẫn bị ép “mua bia phải kèm lạc”, “mua rượu phải kèm mực” để mua bảo hiểm mà như mua thêm rủi ro cho khoản nợ của mình.

Pháp luật có quy định về việc xử lý hình sự (điều 174) liên quan đến việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng với nhân viên tư vấn, rất khó ghép họ vào tội này khi không thể chứng minh rõ ràng được thiệt hại của khách hàng bị họ tư vấn, chèo kéo khi số tiền khách hàng bị mất họ không trực tiếp lấy, mà là số tiền ấy thuộc về công ty bảo hiểm. Họ chỉ ăn tiền hoa hồng của hợp đồng (con số chiết khấu rất cao), nên họ bất chấp thủ đoạn, chỉ nhăm nhe “lùa gà vào chuồng để thịt” còn lại “sống chết mặc bay”, thắc mắc kiện cáo mời làm việc với bên công ty bảo hiểm.

Để làm trong sạch môi trường bảo hiểm, bảo vệ những người yếu thế khỏi bị mắc bẫy ma trận bảo hiểm, cần có biện pháp quản lý kiểm tra giám sát, đơn giản nhất là gắn trách nhiệm của ngân hàng vào nghĩa vụ với quyền lợi của người mua bảo hiểm. Còn nếu bắt tay nhau lừa dối khách hàng để trục lợi thì cấm hẳn việc mua bán bảo hiểm tại các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại.

Phải có chế tài riêng xử lý các vụ việc nghiêm trọng để làm gương cho việc chèn ép khách hàng phải mua bảo hiểm khi bản thân họ không mong muốn. Hiện đang có thanh tra của Bộ Tài Chính thanh, kiểm tra các công ty bảo hiểm, nhưng chỉ Bộ Tài Chính chưa đủ, phải có cả ngân hàng nhà nước, công an cùng tham gia mới bóc tách được các chiêu trò ép buộc khách hàng. Phải xử lý nghiêm minh các sai phạm mới đảm bảo được sự công bằng trong xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Cần làm rõ hành vi trốn đóng BHXH

    03:30, 16/07/2023

  • Chấn chỉnh thị trường bảo hiểm nhân thọ: Cần tăng cường hoạt động giám sát

    04:00, 08/07/2023

  • Bộ Tài chính: thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ

    12:39, 05/07/2023

  • 4 doanh nghiệp được yêu cầu khắc phục sai phạm bán bảo hiểm

    11:01, 01/07/2023

MINH TUẤN