Việt Nam có được hưởng lợi từ đất hiếm?
Đất hiếm lâu này vẫn được xem là “vitamin của công nghiệp hiện đại”. Câu chuyện đất hiếm gần đây rộ lên, khi Hàn Quốc chọn Việt Nam là đối tác khai thác đất hiếm.
>>"Ngã ngũ" cuộc đua đất hiếm Mỹ - Trung
Chuyện lại nóng hơn khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo kể từ ngày 1/8 tới, nước này sẽ áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với các kim loại gali và germani đã khiến các khách hàng phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu và đặc biệt là Mỹ “giật mình tỉnh giấc”.
Theo tờ Nikkei Asia, nếu không có đất hiếm, rất nhiều công nghệ hiện đại và ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt sẽ không thành hiện thực. Hiện nay, trên 25% công nghệ mới phải dựa vào đất hiếm, đặc biệt là sản xuất các con chíp điện tử.
Hơn nữa, quá trình phân tách các hợp chất đất hiếm và xử lý các chất phóng xạ tự nhiên có trong đất hiếm đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ nhất định, lại là nguồn tài nguyên không thể tái sinh. Do đó, khai thác, dự trữ và sử dụng đất hiếm đang là một “lá bài” chiến lược mà quốc gia nào dẫn đầu sẽ chiếm được ưu thế lớn trong cạnh tranh gia tăng sức mạnh quốc gia.
Nói cách khác, Trung Quốc kiểm soát khoảng 95% sản lượng đất hiếm toàn cầu và là “công xưởng” chế biến của thế giới. Việc duy trì lợi thế này trong nhiều năm liền đưa Trung Quốc trở thành “người cầm trịch” toàn cầu đối với loại vật liệu chiến lược này.
Theo dữ liệu từ Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc, vào năm 2021, mức độ phụ thuộc của Hàn Quốc vào Trung Quốc về đất hiếm nam châm vĩnh cửu dùng trong xe điện là 86%; mức độ phụ thuộc về đất hiếm cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn là 54%. Ngoài ra, mức độ phụ thuộc Trung Quốc về lượng lithium, coban và mangan cần thiết cho vật liệu lưỡng cực của pin năng lượng mới lần lượt là 84%, 69% và 97%.
Nhật báo Dong-A Ilbo cho rằng, điều này có nghĩa là hầu hết các khoáng sản cốt lõi của Hàn Quốc đều phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính vì thế, sự hợp tác của Hàn Quốc và Việt Nam trong chuỗi cung ứng các khoáng sản quan trọng như đất hiếm là để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về vật liệu cốt lõi bán dẫn.
Hiện tại, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lên đến 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đất hiếm tại Việt Nam phân bố chủ yếu ở vùng Tây Bắc. Khu vực này có những mỏ đất hiếm như Đông Pao, Nam Nậm Xe, Bắc Nậm Xe, Yên Phú đã được thăm dò và xác định giá trị kinh tế. Khu vực Tây Bắc tồn tại rất phong phú các đá magma kiềm, á kiềm giàu các nguyên tố đất hiếm, đây là các điều kiện thuận lợi để hình thành các mỏ đất hiếm.
>>Cuộc chiến đất hiếm: Trung Quốc tăng sản lượng quyết đấu Mỹ!
>>Nếu mất nguồn cung đất hiếm Mỹ có lựa chọn Việt Nam?
Thế nhưng việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.
Ngoài ra, khai thác đất hiếm còn có nguy cơ gây tổn hại cho môi trường bởi trong đất hiếm có các nguyên tố phóng xạ, khá nguy hiểm cho nhân công và môi trường xung quanh. Chính vì thế nhiều người cho rằng đất hiếm có ý nghĩa rất thấp trong nền kinh tế Việt Nam.
Có điều, thử làm một bài toán đơn giản sẽ thấy đất hiếm của Việt Nam có giá trị cao hơn hẳn. Nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD. Một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước.
Nhìn trên toàn thế giới thì tổng trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Brazil và Ấn Độ chiếm đến 90%, trữ lượng của Mỹ và các nước phương Tây chỉ có 8% thôi. Từ đó, càng khẳng định được tiềm năng và cơ hội của Việt Nam về đất hiếm không chỉ ở trữ lượng mà còn ở nhu cầu ngày càng cao của thế giới.
Có thể nói, khoa học kỹ thuật công nghệ cao càng phát triển thì nhu cầu tiêu dùng đất hiếm càng tăng. Tức là, nhu cầu về các khoáng sản quý cho lĩnh vực công nghệ cao đã đánh thức các “kho báu ngủ quên” ở nhiều quốc gia.
Cuộc đua của các nước đã có dấu hiệu nóng hơn trên toàn cầu, do thế giới ngày càng cần những loại khoáng sản đó trong quá trình phát triển công nghệ. Ai có khoáng sản quý sẽ có lợi thế hơn trên những bàn đàm phán toàn cầu. Quyền lực về khoáng sản quý sẽ đồng nghĩa với quyền lực về địa chính trị.
Do đó, lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc mới đây có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chất bán dẫn và gia tăng cuộc chiến giành ưu thế khoáng sản trên toàn cầu.
Liệu Việt Nam có thể thế chân Trung Quốc trên thị trường thế giới khi Trung Quốc định siết chặt hơn mặt hàng đất hiếm xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu và các đồng minh khác? Liệu Việt Nam có được nâng tầm vì “vitamin của công nghiệp hiện đại”?
Đây là vấn đề khó có câu trả lời chính xác, nhưng đó là một cơ hội tốt và chúng ta sẽ được hưởng lợi.
Có thể bạn quan tâm
"Ngã ngũ" cuộc đua đất hiếm Mỹ - Trung
04:00, 28/06/2023
Trung Quốc đánh mất dần lợi thế đất hiếm
04:36, 16/08/2022
Vai trò của đất hiếm trong cạnh tranh Mỹ -Trung
07:01, 21/03/2021
Trung Quốc có vội vàng hạn chế xuất khẩu đất hiếm?
05:30, 18/02/2021
Cuộc chiến đất hiếm: Trung Quốc tăng sản lượng quyết đấu Mỹ!
06:00, 12/11/2019