Triển vọng cho ngành gạo
Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này làm điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế.
>>Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững "ngôi vương"
Mới đây, Chính phủ Ấn Độ vừa áp lệnh cấm với gạo trắng không thuộc dòng basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á), sau khi giá gạo bán lẻ trong nước tăng 3% trong một tháng vì tình trạng mưa gió kéo dài gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.
Là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới, chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu, nên lệnh cấm nói trên sẽ ảnh hưởng đến khoảng 80% lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Một động thái như vậy có thể giúp giảm giá gạo trong nước, song cũng có nguy cơ khiến thị trường gạo thế giới chịu “cú sốc” lớn, đẩy giá gạo toàn cầu lên cao hơn nữa. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này làm điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế trong thời gian tới.
Hiện Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam nửa đầu năm nay đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ.
Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước đã gieo cấy được 4,9815 triệu ha lúa, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2022; sản lượng đạt 22,8 triệu tấn, xấp xỉ cùng kỳ nhờ năng suất tăng, đạt bình quân 6,7 tấn/ha.
Một con số thống kê khác từ Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 4,27 triệu tấn gạo, thu về 2,3 tỉ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kỷ lục của ngành gạo. Giá gạo xuất khẩu bình quân ở giai đoạn này cũng cao hơn các năm, ở mức 539 USD/tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Thực tế cho thấy, gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới, với Châu Á tiêu thụ khoảng 90% nguồn cung toàn cầu. Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam diễn ra sôi động nhờ nhu cầu tăng cao trên thế giới, nhất là các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia…
Do đó, việc Việt Nam đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo là cần thiết, trên tinh thần củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực Châu Phi... và phát triển các thị trường mới, trong đó có những thị trường Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA).. Nhất là khi Chính phủ Ấn Độ - nước cung ứng gạo lớn nhất thế giới cấm xuất khẩu mặt hàng này thì gạo Việt có cơ hội tăng giá và ký hợp đồng lâu dài với các đối tác của Ấn Độ.
>>Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng ngành gạo?
>>Doanh nghiệp ngành gạo đang làm ăn ra sao?
>>Doanh nghiệp ngành gạo: Giá xuất khẩu tăng, lợi nhuận phân hóa
Có thể nói, với thời điểm hiện tại, ngành gạo Việt Nam đang đứng trước quá nhiều thuận lợi. Nguồn cung lương thực thế giới đang thiếu hụt, diện tích trồng lúa gạo tại nhiều quốc gia bị thiệt hại và hạn hán do sự xuất hiện của El Nino đẩy giá gạo lên cao nhất 10 năm... Như PGS.TS Dương Văn Chín - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long nói ‘rất mừng khi gạo Việt Nam được thế giới ưa chuộng, xuất khẩu thuận lợi’.
Tương tự, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời phát biểu trước giới truyền thông rằng: “Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là cơ hội cho các quốc gia xuất khẩu gạo. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này làm điểm cung ứng gạo bền vững cho thị trường lương thực quốc tế”.
Trong bối cảnh, Việt Nam đang có “giống gạo ngon nhất thế giới” ST25 do Kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo thành công đã và đang góp phần nâng tầm cho người nông dân. Không chỉ góp phần nâng uy tín của gạo Việt trên trường quốc tế mà còn là động lực để các địa phương, doanh nghiệp và nông dân đầu tư vào sản xuất gạo chất lượng cao.
Quan trọng hơn, bên cạnh thời cơ xuất hiện, để nâng tầm và hiện thực hóa triển vọng ngành gạo trong thời gian tới, chúng ta cần phải đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất tiêu thụ theo nhu cầu của thị trường.
Bởi vì, khi người nông dân sản xuất không theo tiêu chuẩn nào, còn doanh nghiệp không liên kết được vùng nguyên liệu thì luôn luôn xảy tra nghịch lý là nông dân sản xuất ra không bán được trong khi doanh nghiệp có đơn hàng lại không tìm được sản phẩm đạt yêu cầu.
Đặc biệt, các doanh nghiệp dù muốn hay không cũng phải xây dựng cơ chế quản lý chất hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm, hóa chất, bảo quản sau thu hoạch... để vượt qua được rào cản kỹ thuật ngày càng cao của các nước phát triển. Có như vậy thì ngành gạo mới phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững "ngôi vương"
04:00, 03/07/2023
Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng ngành gạo?
03:00, 28/06/2023
Doanh nghiệp ngành gạo đang làm ăn ra sao?
04:30, 23/05/2023
Doanh nghiệp ngành gạo: Giá xuất khẩu tăng, lợi nhuận phân hóa
05:00, 24/11/2022
Doanh nghiệp ngành gạo nào hưởng lợi khi giá gạo tăng?
04:00, 21/09/2022