Đừng để người dân "lắc đầu" khi nhắc đến sách giáo khoa
Gần đến năm học mới, phụ huynh học sinh có thêm nhiều mối lo chuẩn bị cho con em tới trường.
>>Vẫn cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước
Trừ các khoản phải đóng góp như xây dựng cơ sở vật chất, các khoản phí, quỹ hội nhóm…, thì phụ huynh có con em học lớp 4, lớp 8 và lớp 11 năm nay có thêm mối lo về phần sách giáo khoa - loại sách được cập nhật in mới theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thuộc bộ Cánh Diều, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bộ Chân trời sáng tạo.
Giáo dục Việt Nam hiện tại có điểm làm khổ cả giáo viên, học sinh và phụ huynh, giống như Tổng thống Nga - Putin nói về Liên Xô, chỉ khác đi cái danh từ: “Ai không tiếc nhớ sách giáo khoa thời trước thì người đó không có trái tim, nhưng ai muốn quay lại sách giáo khoa giống như thời đó thì người đó không có lý trí”.
Quả thật, cho đến bây giờ thế hệ đi trước vẫn thuộc lòng nhiều bài, câu của sách giáo khoa ngày xưa cho dù hơn ba mươi năm trôi qua. Những bài văn, câu thơ trong sáng, đẹp đẽ, kiến thức phổ thông của ngày ấy sẽ còn đi theo chúng tôi đến hết cuộc đời.
“Quýt nhà ai chín đỏ cây
Hỡi em đi học, hây hây má tròn
Trường em mấy tổ trong thôn
Ríu ra ríu rít chim non đầu mùa”.
Hay như:
“Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
Chỉ mang một chiếc bút chì
Và mang một mẩu bánh mì con con”.
Còn bây giờ, kinh tế Việt Nam phát triển vượt bậc sau thời gian chuyển sang nền kinh tế thị trường, đời sống nhân dân nâng cao, khấm khá, nhiều nơi mức sống chuyển sang chế độ lựa chọn “ăn ngon, mặc đẹp, ở sang”. Không còn cảnh sách giáo khoa cũ được bọc lại chị học rồi đến lượt em, đến cả cho các cháu. Các gia đình chú trọng đầu tư vào giáo dục cho con cái học hành, hệ thống giáo dục đa dạng với trường quốc tế, trường công, trường tư... đủ loại hình, nhiều cơ hội để lựa chọn.
Mặc dù vậy, song giáo dục ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập khi có cảnh phụ huynh thay ca xuyên đêm đợi nộp hồ sơ cho con học, chen lấn, đánh cãi nhau ngay ở cổng trường vì thứ tự xếp hàng. Trẻ em thì như chuột bạch để thử nghiệm các hoạt động cải tiến giáo dục, cải cách sách giáo khoa, phải học thêm nhiều môn. Nhà trường, giáo viên thì chạy theo bệnh thành tích, kết quả học tập của học sinh thành kết quả ảo làm đẹp cho các bản báo cáo, nhưng lại lấm lem cho sự trong sáng của tri thức và năng lực thực sự của trẻ em.
Lương giáo viên chưa đủ đảm bảo để giáo viên dành trọn tâm sức với nghề. Áp lực từ cấp quản lý về mục tiêu chất lượng giảng dạy, mâu thuẫn từ việc quản lý học sinh khi muốn rèn học sinh có nền nếp kỷ luật thì lại gặp rào cản do bị theo dõi qua camera, khi có hành động gì nghiêm khắc thì có nguy cơ bị chính học sinh quay lại, tố cáo. Thầy bây giờ có lúc lại sợ ngược lại trò. Người lớn thì có hệ thống pháp luật làm rào cản cho các hành động, hành vi, phát ngôn.
Nhà trường cũng cần có kỷ luật để duy trì hoạt động và đảm bảo chất lượng giảng dạy, nhưng khuôn phép, quy củ cả các hành thức kỷ luật nhằm đảm bảo ổn định trong nhà trường đang bị xâm hại. Không ít giáo viên có tình trạng thả lỏng, buông trôi, giữ an toàn cho bản thân.
>>Giá sách giáo khoa cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân
>>Quốc hội "chốt" áp trần giá vé máy bay, sách giáo khoa
>>Hai bộ sách giáo khoa “biến mất” với 1 năm tuổi thọ
“Trẻ thì roi, voi thì búa”, thế hệ giáo viên trước nghiêm khắc với học trò mà đến giờ nào có ai trong thế hệ học sinh cũ oán thán đâu, mà họ luôn mang ơn thầy cô, sợ thầy cô hơn cả bố mẹ, khác hẳn với bây giờ.
Học sinh thời xưa toàn học lại sách giáo khoa cũ của các anh chị, cô chú đi trước, sách giáo khoa được sử dụng cho đến lúc cũ mèm vẫn còn tác dụng. Chẳng như bây giời, phụ huynh học sinh khổ vì vấn đề sách giáo khoa, ngoài việc tốn kém đầu tư, lại còn lo khi sách chưa ra trọn bộ, lo thiếu sách khi sắp vào năm học, rồi thêm cả nỗi lo không biết nội dung bộ sách đã hoàn thiện hay chưa khi bộ sách mới chưa được qua thực nghiệm, nếu lại “thay ngựa giữa dòng” thì quả thật không biết kêu ai.
Việc cải cách toàn diện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chủ trương đúng đắn. Trước sự tiến bộ vượt bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin thì việc hướng tới sự phát triển toàn diện, phát huy năng lực, năng khiếu cá nhân, áp dụng sự liên kết giữa các môn học cho học sinh là điều hết sức cần thiết và cách kiểm tra đánh giá sự đơn giản và chuẩn xác hơn nhờ việc áp dụng các công nghệ mới triển khai trong quản lý kiểm soát thi cử, giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Sau bao năm chiến tranh đau thương, mất mát, đói khổ, nay trẻ em Việt Nam được sống trong hoà bình, no ấm thì nhà nước, người đứng đầu ngành giáo dục phải tận dụng cơ hội để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc trên thế giới như mong ước của Bác Hồ. Phải dùng đúng người như Bác từng dùng Bộ Trưởng Nguyễn Văn Huyên dù ông không phải đảng viên, nhưng làm tốt vai trò của tư lệnh ngành giáo dục trong suốt 29 năm (1946 – 1975) thời kỳ đất nước khó khăn gian khổ nhất.
Không cần đợi những vụ án liên quan đến nhà xuất bản giáo dục được khui ra, trình độ người dân hiện nay hoàn toàn có thể suy luận được việc nhà xuất bản là “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành giáo dục, việc có lợi ích nhóm, ăn chia, chiết khấu phần trăm bán sách là việc “mắt thấy, tai nghe”.
Để giải quyết triệt để được vấn đề này chỉ có cách Bộ giáo dục và Đào tạo chủ biên soạn bộ sách giáo khoa cho hoàn chỉnh. Các môn liên quan đến khoa học kỹ thuật, cơ bản, phổ thông thì tham khảo bộ sách của các nước phát triển, vì thực tế các kiến thức đó là nền tảng và chưa có thay đổi gì nhiều. Còn các môn khác Bộ giáo dục và Đào tạo có đủ các chuyên gia có tâm, tầm, tài, cùng nhau soạn ra bộ sách tốt, bỏ đi cái cách các sách bài tập, sách tham khảo viết trực tiếp vào sách, đó chính là sự lãng phí.
Chỉ cần ghi chú các tài liệu cần tham khảo là học sinh có thể dùng thiết bị công nghệ để kiếm tìm, bổ sung kiến thức. Bộ sách quy chuẩn này nhà nước phát hành toàn quốc với mức giá cạnh tranh nhất, làm cả sách giáo khoa điện tử để có thể sử dụng trên nền tảng công nghệ, giảm bớt giấy tờ, mực in. Đừng vì lợi ích kinh tế mà bán “bia kèm lạc”, học sinh tiểu học không phải làm bài về nhà sao sách bài tập vẫn có trong danh mục sách giáo khoa, giáo viên lo bán sách giáo khoa để ăn chiết khấu như cái chợ.
Nếu sách được cấp kèm theo trong gói học phí, các nhà trường có số lượng lớp, học sinh thống kê lại sẽ được nhận đủ số sách giáo khoa cần thiết, sách tham khảo ai thấy cần mời ra hiệu sách thì hoàn toàn vận hành theo cơ chế cung - cầu. Lúc đó, người dân không có lý do bức xúc với sự độc quyền hay nhà xuất bản kêu giá rẻ nhất nhưng thực tế cao hơn 2 đến 3 lần giá sách năm trước.
Kinh tế đang khó khăn, ngoài số ít gia đình có điều kiện, nhiều gia đình công nhân đang sống chật vật qua ngày, số tiền phải mua sách giáo khoa sẽ làm cho mâm cơm có nhiều bát canh suông, đĩa đậu không nhồi thịt, ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ mọi người. Trong khi, nhóm lợi ích đầu tư trục lợi thì “dây máu ăn phần” ngồi không hưởng lợi.
Đừng để người dân nhắc đến sách giáo khoa với một cái lắc đầu.
Có thể bạn quan tâm
Vẫn cần một bộ sách giáo khoa của Nhà nước
19:10, 14/08/2023
Giá sách giáo khoa cao gây khó khăn cho một bộ phận người dân
16:26, 14/08/2023
Đổi mới sách giáo khoa không theo kịp chủ trương
20:27, 02/08/2023
Quốc hội "chốt" áp trần giá vé máy bay, sách giáo khoa
17:11, 19/06/2023
Hai bộ sách giáo khoa “biến mất” với 1 năm tuổi thọ
17:04, 31/10/2022