Thêm góc nhìn về thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư

NHẬT QUANG 20/08/2023 04:00

Việc đi và sử dụng cao tốc với chất lượng đường tốt, tốc độ đảm bảo, thời gian nhanh chóng thuận tiện, độ an toàn cao phải trả thêm phí cũng là việc công bằng.

Ngày còn bé đi đám cưới tôi hay nghe người chủ hôn nói cảm ơn các quan khách đã bớt thời gian vàng ngọc tới dự đám cưới, chung vui với đôi bạn trẻ.

Tôi hay tự thắc mắc sao thời gian quý thế? Sao thời gian lại là vàng ngọc? Khi lớn lên tôi mới hiểu thời gian đáng giá như thế nào? Nếu rút ngắn được thời gian cho di chuyển là kéo dài được thời gian sống, chí ít cũng là có thêm thời gian để nghỉ ngơi hồi phục sức khoẻ.

Kinh tế Việt Nam đang đà tiến lên, lượng xe ô tô cá nhân tăng lên nhanh chóng theo từng tháng, trong khi hạ tầng giao thông còn chưa theo kịp, dẫn đến ách tắc, tai nạn diễn ra hàng ngày.

Phát triển hệ thống đường cao tốc là chủ trương hết sức đúng đắn. Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, cao tốc mở ra đến đâu như là động mạch chủ được mở rộng tới đó. Khu vực liên quan phụ cận hay cao tốc đi qua sẽ có việc giao thương thuận lợi nhanh chóng, tạo động lực cho kinh tế phát triển, tiềm năng, thế mạnh của địa phương sẽ được phát huy, phát triển tối đa. Có cao tốc là kinh tế sẽ như câu ví “chưa cao tốc ở nhà tiền chửa, có cao tốc ra cửa tiền đẻ”.

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là một trong những vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đều làm, đang làm và đã có kết quả tương đối tốt

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư là một trong những vấn đề mà các quốc gia trên thế giới đều làm, đang làm và đã có kết quả tương đối tốt.

Tháng 5 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thí điểm thu phí 9 tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành, đưa vào khai thác trước năm 2025. Thời gian thu thí điểm theo cơ chế phí tối đa là 5 năm.

Nhưng tại tờ trình mới nhất gửi Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí, với hiệu quả và tính khả thi cao hơn phương án thu theo cơ chế giá; đồng thời, bổ sung loại phí này vào Danh mục Phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí. 

Cao tốc hiện đại văn minh tiện lợi và an toàn hơn tuyến giao thông hỗn hợp. Là người thường xuyên di chuyển và sử dụng cao tốc, nói thật nhiều khi lái xe từ Hà Nội về Hải Phòng bắt đầu nhập làn vào cao tốc thấy tỉnh hẳn, nhẹ nhõm cả người như là về đến nhà rồi.

Nhập làn, lấy tốc độ, đặt chế độ ga tự động, chú ý quan sát, uống tí trà hay cà phê chống buồn ngủ là  bon bon chạy, nghe xong mấy bài hát là về đến nhà, không phải căng thẳng mệt mỏi như khi lái xe trên đường hỗn hợp. Nên với quan điểm cá nhân người viết hoàn toàn tán thành việc thu phí với các tuyến đường cao tốc để thêm nguồn lực với nhà nước lập thêm các tuyến cao tốc mới.

Sẽ có ý kiến trái chiều do người dân đã phải đóng các khoản thuế. Xe ô tô khi đi kiểm định phải đóng phí bảo trì đường bộ vậy việc phát triển đường cao tốc phải dùng từ nguồn này chứ nếu đã thu thuế, thu phí bảo trì đường bộ mà vẫn thu phí cao tốc thì sẽ thành “phí chồng phí”, gây áp lực tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải và người dân sử dụng xe ô tô cá nhân.

Điều này không hề sai, nhưng nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực này thôi thì chắc chắn sẽ phải đợi thực hiện lần lượt theo kế hoạch.

Việc thực hiện mục tiêu kế hoạch phát triển 5000 km đường cao tốc không phải là trách nhiệm của người dân mà là của chính phủ, cụ thể là Bộ Giao thông Vận tải, nhưng không phải người dân nào cũng sử dụng đường cao tốc. Cho nên việc đi và sử dụng cao tốc với chất lượng đường tốt, tốc độ đảm bảo, thời gian nhanh chóng thuận tiện, độ an toàn cao phải trả thêm phí cũng là việc công bằng.

Cái người dân không chỉ cần là đường cao tốc chất lượng tốt, phí hợp lý sẽ làm giảm thời gian di chuyển, giảm chi phí xăng dầu, khấu hao phương tiện thấp mà người dân cần biết số tiền mình nộp có được kiểm soát sử dụng đúng mục đích, công khai minh bạch hay không? Có sự quản lý chặt chẽ trong quá trình đầu tư đường cao tốc hay không? Vì con số của đoàn giám sát Quốc hội công bố trong giai đoạn 2021 -2021 tại các dự án đầu tư công có thất thoát lãng phí đến trên 30 ngàn tỷ đồng.

Liệu dự án đường cao tốc có phải được các nhóm lợi ích lập ra, triển khai để ăn hay không? Hay thực sự vì mục đích phát triển hạ tầng giao thông cho nhân dân sử dụng? Thực tế có những tuyến đường vừa đi vào sử dụng đã lỗi, hỏng gây bức xúc cho không ít lái xe, hay có những tuyến không đủ tiêu chuẩn thiết kế cao tốc vẫn thu phí.

Nếu số tiền phí nộp khi sử dụng cao tốc đều được thu qua phần mềm ETC, quỹ bảo trì đường bộ được sử dụng công khai minh bạch có bảng kê chi tiết thì tỉ lệ ủng hộ việc thu phí cao tốc chắc chắn sẽ cao lên.

Bài toán đặt ra là nếu lái xe từ Hải Phòng lên Hà Nội theo đường 5 cũ sẽ vẫn mất phí mà phải chạy qua các quãng giao thông hỗn hợp đông đúc, kèm theo sự căng thẳng phải kiểm soát tốc độ, đối phó với cảnh sát giao thông Hải Dương nổi tiếng “săm soi” mất đến hơn hai giờ đồng hồ mệt mỏi. Thì lời giải chắc chắn lái xe sẽ chọn vào cao tốc Hải Phòng - Hà Nội thảnh thơi tầm tiếng đồng hồ là lên tới thủ đô dù phải nộp phí cao hơn.

Đi khám bệnh cũng có khoa tự chọn, thì tham gia giao thông cũng nên có sự lựa chọn. Muốn sử dụng hạ tầng hiện đại, thuận tiện... thì việc trả thêm phí phải coi là việc bình thường.

Bỏ đi tư duy chờ đợi hay dùng tính toán hơn thiệt thì suy nghĩ cũng mới “cao tốc” lên được.

Có thể bạn quan tâm

  • Thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư: Phải đảm bảo hài hoà lợi ích

    12:00, 08/08/2023

  • Bộ GTVT đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách

    20:56, 05/08/2023

  • Thu phí cao tốc Nhà nước đầu tư mang lại nhiều lợi ích

    16:55, 05/08/2023

  • Thí điểm thu phí cao tốc nhà nước đầu tư: Các chủ thể đều bình đẳng

    01:00, 24/05/2023

  • Nhượng quyền thu phí cao tốc Bắc – Nam: Lo ngại phí chồng phí

    04:00, 18/02/2022

NHẬT QUANG