Người thầy “tồi” và “nỗi đau” nghề giáo
Một công nhân tồi có thể làm hỏng vài sản phẩm, một kỹ sư tồi có thể làm hỏng cả công trình, nhưng một nhà giáo tồi có thể làm hỏng một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà xã hội phải gánh chịu…
>>Đạo đức bị xem nhẹ, bạo lực sẽ lên ngôi
Có thể nói, trong bất cứ xã hội nào, người thầy luôn là một chuẩn mực đạo đức để xã hội noi theo, là "kiến trúc sư trí tuệ" tạo ra thế hệ tương lai của dân tộc. Một người công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một người kỹ sư tồi có thể làm hỏng một vài công trình nhưng một nhà giáo tồi có thể làm hỏng cả một thế hệ, đó là hậu quả khôn lường mà cả xã hội phải gánh chịu cho đến tận mai sau.
Sinh thời, Bác Hồ đã nhận định: "Có thầy giỏi thì rồi sẽ có phương pháp hay, do đó, sẽ có trò giỏi, còn thầy đã kém thì khó lấy gì bù đắp nổi". Chính vì vậy, trong thời gian qua, những tiêu cực liên quan đến chất lượng giáo dục và đặc biệt là đạo đức người giáo viên đang đặt ra những vấn đề cần suy nghĩ.
Những ngày qua, sự việc nữ giáo viên ở trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) có hành vi túm cổ áo, chửi mắng, kéo lê học sinh ngay cửa lớp học như một giọt nước tràn ly gây bức xúc dư luận. Đáng chú ý, nhiều học sinh nhà trường còn cho rằng, đây không phải lần đầu tiên nữ giáo viên này có hành vi không chuẩn mực.
Liên quan đến sự việc này, một số học sinh của nhà trường, những người trực tiếp chứng kiến vụ việc chia sẻ: "Vào hôm lớp tổ chức Tết Trung thu, giáo viên chủ nhiệm đã giao cho Bí thư chi đoàn của lớp (nữ sinh bị bạo hành) đi mua bánh và chỉ định cửa hàng để mua. Tuy nhiên, đến khi chuẩn bị tổ chức, cô giáo đã gọi cho phía cửa hàng mà cô chỉ định, nhưng phía bên đó cho biết, không có đơn hàng nào được đặt".
Theo một số học sinh chia sẻ, khi mang bánh đến lớp, nữ sinh đã bị cô chủ nhiệm chửi mắng thậm tệ, đe doạ hạ hạnh kiểm để em không đủ điểm thi tốt nghiệp.
"Cô bảo bạn ấy rằng "cô cầm bánh và cút ra khỏi lớp...". Sau khi bị đuổi ra khỏi hành lang, bạn đã khóc suốt 2 tiếng đồng hồ. Cho dù khi cô giáo đến, bạn có ôm chân cô khóc xin lỗi nhưng cô vẫn buông lời cay nghiệt.
Ngay sau đó, bạn lên cơn co giật tại chỗ, nhưng không vì thế mà cô giáo dừng lại. Cô túm cổ áo của bạn ấy, giật mạnh và lôi đi trên nền đất cùng những lời thách thức "Cô không phải giả vờ, tôi sẽ gọi chuyên gia đến kiểm tra, nếu cô lừa tôi, tôi sẽ cho cô đi tù". Mặc dù cả lớp khuyên ngăn nhưng cô vẫn tiếp tục lôi bạn ấy dưới đất" – những nhân chứng chia sẻ.
Đáng nói, cũng theo nhiều học sinh tại trường, đây không phải lần đầu tiên cô giáo chủ nhiệm có hành động không chuẩn mực với học sinh. Và điều đáng buồn hơn, đây là cô giáo dạy bộ môn “giáo dục công dân” tại nhà trường.
>>Ngăn chặn bạo lực học đường: Nền tảng giáo dục mới là giải pháp
Trước đó, những câu chuyện tiêu cực về nghề giáo và sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận nhà giáo cũng đã xuất hiện “nhan nhản” trên mặt báo. Đó là chuyện một cô giáo kỳ thị phụ huynh đơn thân, đó là chuyện cô bắt trò uống nước vắt từ giẻ lau bảng, đó là chuyện về nữ giáo viên ở cùng một phòng trong nhà nghỉ với nam học sinh; thầy giáo sờ mông, sờ đùi, sàm sỡ học sinh; thầy cô giáo quan hệ bất chính, đưa nhau đi nhà nghỉ rồi nói "bị sốt rét nên phải ôm cho đỡ lạnh"…Những tiêu cực đã xảy ra thực sự là nỗi đau không chỉ của riêng ngành Giáo dục mà còn là sự nhức nhối của toàn xã hội.
Nói như PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đây là những hiện tượng “dị biệt” và không thế chấp nhận được trong môi trường giáo dục, không thể chấp nhận được với tư cách người thầy. Điều này cũng cho thấy, phẩm chất, đạo đức của một bộ phận giáo viên hiện nay đang giảm sút, bị thoái hóa. Những “tấm gương mờ” này không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh của người giáo viên mà còn tác động xấu tới thế giới quan của học sinh. Nguy hại hơn cả là niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng ít nhiều bị sứt mẻ.
Nhìn lại một số vụ việc tiêu cực đã qua, nhiều người cho rằng, phải chăng có không ít thầy cô chọn chưa thật đúng nghề. Bởi, đây là nguyên nhân sâu xa. Vì chọn chưa đúng nghề, nên không tâm huyết với nghề, không có ý chí phấn đấu để đạt chuẩn giá trị của đạo đức nghề nghiệp nhà giáo, không thường xuyên tu dưỡng, hoàn thiện bản thân, giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp. Do đó, đã lơ là, chểnh mảng để dẫn đến vi phạm đạo đức như những sự việc đã xảy ra.
Có thể bạn quan tâm