“Con đê” nào ngăn được rút bảo hiểm xã hội một lần?

PHẠM TUẤN 20/10/2023 04:00

Phần lớn người rút BHXH thường ở độ tuổi trẻ, chớm trung niên - tức là nhóm người có khả năng thay đổi công việc, có công việc mới tiếp tục đóng được BHXH.

 >>Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần

Mới đầu giờ làm việc buổi sáng phía cổng công ty người viết đã có 5-6 chiếc xe máy. Chiếc một người lái, chiếc chở thêm người ngồi sau, toàn là các bạn nữ ở độ tuổi xấp xỉ 40.

Họ rụt rè dừng xe vào cổng bảo vệ rồi hỏi xin việc, cũng như hỏi về chế độ lương bổng phúc lợi.

Trong lúc đợi nhân viên hành chính bộ phận tuyển dụng xuống trả lời, mấy chị em họ hỏi nhau về cách thức rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Hỏi ra mới biết mấy chị em thuộc bên công ty may mặc bên quận Kiến An, TP Hải Phòng, từ Tết tới giờ đơn hàng giảm sút kéo theo thu nhập giảm đi, mấy chị em vẫn cố theo, nhưng tình hình ngày càng xấu, nên đành đi công ty khác mong sao kéo lại được khoản thưởng Tết âm lịch để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Cực chẳng đã họ mới hỏi nhau và thực hiện việc rút BHXH một lần. Theo như câu chuyện của họ, sắp tới sẽ có thêm nhiều người nữa tiếp tục rút BHXH một lần.

Người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH thay vì rút BHXH một lần.

Người lao động có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH thay vì rút BHXH một lần.

Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp gần đây, thông tin từ BHXH thành phố Hải Phòng khá tích cực. Theo đó, đến cuối tháng 8 năm 2023 thành phố có tới 491.920 người tham gia BHXH, đạt 47% trên tổng số người trong độ tuổi lao động. Số tiền thu từ BHXH, y tế, thất nghiệp tăng hơn cùng kỳ năm trước.

Điểm thuận lợi của BHXH tại Hải Phòng ở trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của thành phố, phần lớn các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là các doanh nghiệp nước ngoài (FDI), do vậy lợi nhuận của họ  lớn, đồng thời với phương châm tuân thủ pháp luật của nước sở tại, họ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đóng BHXH cho công nhân viên, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Nhưng thời gian gần đây, dù Nhà nước làm rất tốt việc quản lý vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hạ thấp được lãi suất ngân hàng, nhưng các biến động xấu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế hậu đại dịch COVID-19 cùng các cuộc chiến tranh, khiến lượng đơn hàng sản xuất giảm sút, thời gian làm việc cũng như thu nhập của người lao động thấp đi nhiều.

Đến thời điểm không còn xoay xở nổi, họ đành chấp nhận bỏ công việc quen thuộc, bung ra ngoài làm việc khác cầu may và coi số tiền rút BHXH một lần là “cứu cánh” để giải quyết khó khăn trước mắt.

Một phần chính người lao động cũng chưa tin tưởng vào chế độ BHXH khi số tiền của mình đóng vào quỹ mà không được theo dõi kiểm soát như khi gửi tiết kiệm vào ngân hàng. Nỗi lo lạm phát, vỡ quỹ, chính sách tăng tuổi nghỉ hưu cùng nhiều lý do khiến họ hỏi nhau và thực hiện việc rút BHXH một lần.

Nếu cứ buông lỏng để tự do thì tương lai nền an sinh xã hội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi có số lượng lớn người không có tài sản dự trữ, không có lương hưu khi về già, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

>>Hạn chế rút BHXH một lần - Quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập

Hải Phòng so với nhiều địa phương khác như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh... vẫn chưa bị tình trạng rút ồ ạt, nhưng cũng có tới 15 ngàn trường hợp rút BHXH một lần trong 09 tháng qua. Nếu tình trạng không được cải thiện thì từ giờ đến trước Tết Nguyên đán sẽ còn thêm nhiều trường hợp nữa.

Không giải quyết được nguyên nhân gốc rễ đó là việc làm, thu nhập ổn định thì kết quả khảo sát chỉ nhận được các lý do: Mất việc, trả nợ, mua nhà, rút lấy vốn làm việc khác, đi nước ngoài, chữa bệnh … không mấy ai nói rút về để tiêu dùng cá nhân. Đây đều là các lý do, nguyên nhân phụ không phải nguyên nhân chính.

Vấn đề đặt ra, phần lớn người rút BHXH thường ở độ tuổi trẻ, chớm trung niên - tức là nhóm người có khả năng thay đổi công việc, có công việc mới tiếp tục đóng được BHXH, nhưng họ nhất quyết rút, khác với người nhiều tuổi họ sẽ cố theo vì hiểu rõ giá trị của lương hưu khi về già.

BHXH Hải Phòng cũng đang tích cực truyền thông, đối thoại với doanh nghiệp, với người lao động phân tích về lợi ích khi tham gia BHXH cùng những rủi ro thiệt thòi và các giải pháp. Nhưng rõ ràng hiệu quả không cao bằng việc người lao động tự truyền miệng với nhau, nên các giải pháp như làm thủ tục lấy trợ cấp thất nghiệp sau đó bảo lưu thời gian đóng rồi đóng gối, đóng tiếp… chỉ nhận được sự hờ hững chiếu lệ từ người lao động.

Số người nghe theo tư vấn của cán bộ bảo hiểm rút lại quyết định rút chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Điều người lao động mong muốn ở đây là giảm số năm đóng BHXH, nhưng được nhận sớm hơn. Họ nói thẳng với nhau: Một là liệu có sống được đến lúc nhận lương hưu hay không, khi bây giờ bệnh tật đầy ra? Hai là số tiền họ đóng vào phải được họ kiểm soát như số đóng vào, như vậy thì sau khi cộng dồn, khi về hưu được lĩnh bao nhiêu?

Đó là cấp độ vi mô của người dân. Còn ở cấp độ vĩ mô, nhà nước phải xây dựng được hành lanh pháp lý rộng mở cho người lao động tham gia BHXH, khi họ nhìn rõ quyền lợi được hưởng thì không cần vận động họ cũng tham gia.

Trước đó, họ cần có việc làm với thu nhập ổn định đủ để trang trải cuộc sống, tích luỹ phòng thân và việc nâng mức lương tối thiểu, kìm chế lạm phát, tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cao là việc của chính phủ và nhà nước.

Có như vậy mới hình thành được "con đê" ngăn lại "làn sóng" rút BHXH một lần.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Bảo hiểm xã hội: Không nên quy định cho rút hết BHXH một lần

    03:30, 14/10/2023

  • Hạn chế rút BHXH một lần - Quan trọng nhất vẫn là cải thiện đời sống, thu nhập

    04:00, 30/09/2023

  • Hạn chế rút BHXH một lần - Nên mở rộng trợ cấp thất nghiệp

    04:00, 22/09/2023

  • Hạn chế chậm, trốn đóng BHXH: Cần có quy định về trách nhiệm cơ quan Nhà nước

    03:50, 13/09/2023

  • Đóng BHXH tự nguyện qua ứng dụng ngân hàng thuận lợi cho người dùng

    11:25, 12/09/2023

PHẠM TUẤN