Nhà ở xã hội - kẻ ăn không hết…

PHẠM TUẤN 01/11/2023 03:30

Tôi lại nhận thêm tin nhắn mời liên hoan chia tay của mấy cô cháu gái xin nghỉ để về quê. Hỏi lý do thì nguyên nhân sâu xa không thể gắn bó với công ty là công nhân viên không có được mái ấm gia đình.

>>Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội: Chủ đầu tư "khó với"

Tiền lương phải trang trải vào khoản thuê nhà, điện nước, sinh hoạt, con cái học hành, không còn khoản tích luỹ. Trong khi về quê làm công ty gần nhà, dù lương thưởng, phúc lợi có kém, nhưng được ở nhà cửa đoàng hoàng, con cái có ông bà hỗ trợ trông nom, chi phí sinh hoạt thấp…,  nên lựa chọn về quê lại được ưu tiên.

Giờ tan tầm, cổng khu công nghiệp Việt Nam - Nhật Bản, Tràng Duệ, An Dương thuộc huyện An Dương, khu công nghiệp VSHIP huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng hoặc phía khu Kinh Tế Đình Vũ - Cát Hải về nội thành Hải Phòng, các con đường chật kín người và xe của công nhân viên lao động. Từ xe bus cỡ lớn, cỡ nhỏ chuyên chở công nhân, đến xe chở chuyên gia, lãnh đạo công ty, lác đác có xe ô tô cá nhân nhân viên người Việt có vị trí cao trong công ty, còn lại là xe máy, xe đạp điện ken kín vào nhau.

Những chuyến xe đó nối đuôi nhau trên đường rồi lan toả tới các đường nhánh, ngõ ngách, đến điểm đón trả tận các vùng ngoại thành cách xa nơi làm việc 20~30 km. Thời gian di chuyển từ nơi làm việc về nhà cả chiều đi - về mất hơn hai tiếng đồng hồ. Do vậy không ít người lao động chọn cách thuê các nhà trọ tầm 12 mét vuông, chật chội ẩm thấp thiếu thốn, an ninh kém làm nơi tá túc sau giờ làm, cuối tuần muốn về nhà, về quê lại canh cánh nỗi lo mất trộm, mất cắp nơi nhà trọ.

Công nhân

Nhu cầu mua nhà ở xã hội rất lớn.

Nhờ thu hút được dòng vốn FDI, Hải Phòng có sự tăng trưởng nhanh tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Nếu như ở thời điểm năm 2015 chỉ có chừng 52 ngàn công nhân viên làm việc trong khu kinh tế, thì đến năm 2020 đã tăng lên gấp ba lần, năm 2022 thì đạt con số 190 ngàn, trong đó có khoảng 6 ngàn lao động ngoại tỉnh tới sống và làm việc tại Hải Phòng.

Nhu cầu được mua, thuê nhà ở xã hội là rất lớn. Bằng chứng là các khu nhà ở xã hội xây dựng lên rất nhanh chóng được lấp đầy như khu Hoàng Huy - An Đồng. Diện tích căn hộ từ 45 đến 63 mét vuông ở khu vực thuận tiện giao thông có các tiện ích như trường học, siêu thị… là phù hợp với các gia đình công nhân trẻ có mức thu nhập trung bình trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Nhu cầu thể hiện qua cuộc khảo sát về nhu cầu nhà ở mà Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tiến hành điều tra tới đối tượng người lao động đang làm việc trong khu kinh tế có kết quả số lượng người tham gia xin thuê mua rất cao.

>>Đầu tư nhà ở xã hội như "canh bạc"

Doanh nghiệp thì mong mỏi giữ chân người lao động làm việc lâu dài, nhưng nếu chỉ để doanh nghiệp tự thân vận động về NOXH thì rất khó, do liên quan đến loại hình kinh doanh, quỹ đất, vốn xây dựng cũng như quản lý vận hành khu nhà ở. Công nhân viên thì có nhu cầu, nhưng lười tìm hiểu, ít khi vào những trang thông tin hữu ích của Sở Xây Dựng, Ban quản lý Khu Kinh tế mà thường chỉ vào mạng xã hội giải trí hoặc tìm hiểu thông tin qua các sàn giao dịch bất động sản hoạt động trên mạng.

Hạ tầng nội đô Hải Phòng đang xuống cấp chật chội cùng lượng xe ô tô cá nhân tăng cao, ngoài mấy tuyến xe buýt giao thông công cộng, hoàn toàn chưa có gì nếu xây dựng được nhiều khu nhà ở xã hội sẽ giúp giảm tải, giảm ách tắc, gây áp lực lên khu vực nội đô. Xây dựng được các khu nhà ở xã hội mới kết nối giao thông bằng hệ thống giao thông công cộng sẽ hình thành các khu đô thị vệ tinh mới, chắc chắn sẽ xây dựng hình ảnh bộ mặt mới cho thành phố cũng như đáp ứng nhu cầu an cư của người lao động. Quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội Hải Phòng không thiếu, dọc đường World Bank trục đại lộ Đông - Tây của thành phố đất còn rất nhiều. Mạn Thuỷ Nguyên riêng trong khu VSHIP có thể xây dựng nhiều cụm chung cư cao tầng đáp ứng nhu cầu ăn ở của người lao động.

Chủ trương có, chính sách thông đối tượng ưu tiên cho việc tiếp cận nhà ở xã hội cũng có điều kiện rõ ràng: Người có công, hộ gia đình có thu nhập thấp, người vào diện đền bù giải toả chưa sắp xếp được nơi ở mới, công nhân lao động, sinh viên cần thuê… Luật nhà ở ghi cũng rất chi tiết về các điều kiện và thủ tục pháp lý để tiếp cận việc thuê mua nhà ở xã hội.

Có vấn đề từng phát sinh khi xây dựng khu nhà ở xã hội, đó là đối tượng thuộc diện ưu tiên thì lại không nhanh nhạy cơ hội bằng giới đầu cơ, khâu xét duyệt hồ sơ mua bán còn chưa chặt chẽ. Chủ đầu tư chỉ muốn mau chóng bán được “rổ hàng” để thu hồi vốn, nên không ít các căn hộ bị giới đầu tư bất động sản tranh mua, sau đó bán hoặc cho thuê lại hưởng chênh lệch rất lớn, dẫn đến tình trạng “kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”

Do vậy, song song với quyết tâm của lãnh đạo Hải Phòng, sở Xây Dựng, Ban quản lý Khu Kinh tế thì cần chủ động lên danh sách đối tượng ưu tiên, làm khảo sát nhu cầu bao gồm cả vị trí mong muốn sau đó lấy số liệu làm căn cứ quyết định quy mô, số lượng nhà ở xã hội; thay vì để đối tượng ưu tiên phải vượt qua lưới thông tin, thủ tục để tiếp cận vì nếu đủ nhanh nhạy thì họ đã không còn thuộc diện đối tượng ưu tiên.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động làm chủ đầu tư nhà ở xã hội vẫn gây tranh cãi

    01:00, 28/10/2023

  • Hải Phòng: Đẩy nhanh tiến độ và mở bán các dự án nhà ở xã hội

    14:07, 27/10/2023

  • Có nên giao Tổng Liên đoàn Lao động là chủ đầu tư nhà ở xã hội?

    16:58, 26/10/2023

  • Phát triển nhà ở xã hội: Điểm tựa phục hồi thị trường bất động sản

    11:30, 26/10/2023

PHẠM TUẤN