Nâng cao năng suất lao động: Bài 2 - Chưa đột phá như kỳ vọng
Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng.
>>Nâng cao năng suất lao động: Bài 1 - Vấn đề cốt lõi
Năng suất lao động phản ánh năng lực tạo ra của cải, hiệu suất lao động cụ thể trong quá trình sản xuất, được đo bằng số sản phẩm hay lượng giá trị tạo ra trong một đơn vị thời gian hay lượng thời gian lao động sử dụng để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, năng suất lao động tính bằng số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cuối cùng được tạo ra cho một đơn vị lao động tham gia vào hoạt động sản xuất. Trong đó, hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế là Tổng sản phẩm trong nước (GDP); lao động tham gia vào hoạt động sản xuất tạo ra GDP phản ánh thời gian, công sức, kỹ năng của lực lượng lao động và thường được tính bằng lao động đang làm việc hoặc giờ công lao động.
Ở Việt Nam, năng suất lao động là chỉ tiêu thống kê quốc gia, được quy định trong Luật Thống kê, tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm. Số liệu để tính năng suất lao động bao gồm số GDP hằng năm và số lao động đang làm việc bình quân.
Cả hai chỉ tiêu này được thu thập, biên soạn theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó chỉ tiêu GDP áp dụng các khái niệm, nguyên tắc, nguồn thông tin và phương pháp tính theo đúng quy định trong hệ thống tài khoản quốc gia của Liên hợp quốc; chỉ tiêu lao động đang làm việc được tính theo quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế. Do đó, năng suất lao động được quyết định bởi những yếu tố có tác động đến quy mô GDP và số lượng lao động đang làm việc của nền kinh tế.
>>Giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực, tạo bứt phá về năng suất lao động
Các yếu tố này bao gồm bốn nhóm:
Thứ nhất, trên góc độ toàn nền kinh tế, bao gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô; cơ cấu kinh tế; mức độ hội nhập vào kinh tế toàn cầu; môi trường đầu tư kinh doanh; điều kiện tự nhiên.
Thứ hai, trên góc độ ngành kinh tế, bao gồm: Cơ cấu ngành; mức độ cạnh tranh trong từng ngành.
Thứ ba, trên góc doanh nghiệp bao gồm: Mức độ trang bị vốn; năng lực ứng dụng công nghệ; mức độ tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, các cụm liên kết ngành; kỹ năng quản lý.
Thứ tư, chủ thể thực hiện hoạt động sản xuất: Trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng thích ứng với những thay đổi về công nghệ của người lao động.
Có thể thấy, những năm qua, năng suất lao động của Việt Nam liên tục gia tăng cả về giá trị và tốc độ, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năng suất lao động theo giá hiện hành đã tăng từ mức 70 triệu đồng/lao động của năm 2011 lên mức 150,1 triệu đồng/lao động vào năm 2020. Năng suất lao động năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2011, trong giai đoạn 2011-2020 trung bình mỗi năm năng suất lao động của Việt Nam tăng khoảng 8,9 triệu đồng/lao động.
Theo số liệu Niên giám thống kê quốc gia 2022 của Tổng cục Thống kê, năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năng suất lao động của Việt Nam tăng đột biến từ 150,1 triệu đồng/lao động của năm 2020 lên mức 172,8 triệu đồng/lao động, cao hơn 22,7 triệu đồng/lao động so với năm 2020; đến năm 2022 năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động, tăng 15,2 triệu đồng/lao động so với năm 2021.
Nguyên nhân năng suất lao động tăng đột biến trong hai năm 2021 và 2022 do kỹ thuật tính toán khác thường của Tổng cục Thống kê khi đã loại trừ khoảng 4,4 triệu lao động tự sản xuất ra sản phẩm cho tiêu dùng của chính họ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; trong khi đó, giá trị của các sản phẩm do hoạt động tự sản xuất cho tiêu dùng được tính và đưa vào quy mô GDP để tính năng suất lao động của nền kinh tế. Số lao động tự sản, tự tiêu hiện nay chiếm khoảng 8,2% lao động đang làm việc của nền kinh tế.
Tốc độ tăng năng suất lao động trong giai đoạn vừa qua của kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó bình quân giai đoạn 2011- 2015 tăng 4,53%; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.
Năm 2021, tốc độ tăng năng suất lao động chỉ đạt 4,6% so với năm 2020 (nếu tính cả lao động làm các công việc tự sản tự tiêu thì chỉ tăng 2,9%) do kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 làm cho tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ đạt 2,56% trong khi lao động dần quay trở lại làm việc sau giãn cách xã hội.
Mặc dù năm 2022 đạt mức tăng trưởng cao 8,02% nhưng năng suất lao động của nền kinh tế cũng chỉ tăng 4,7% so với năm trước. Bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%. Nghĩa là để đạt được mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 thì bình quân ba năm 2023-2025, mỗi năm năng suất lao động cần phải tăng khoảng 7,8%.
Như vậy, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động những năm gần đây tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng. Đây là thách thức lớn đối với kinh tế Việt Nam vì thực tiễn quá trình phát triển đất nước cho thấy việc đẩy mạnh tốc độ tăng năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2022, năng suất lao động của khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 215 triệu đồng/lao động, tăng 19,4 triệu đồng/lao động so với năm 2021, đồng thời là khu vực có mức năng suất lao động cao nhất trong 3 khu vực kinh tế; khu vực dịch vụ đạt 199,2 triệu đồng/lao động, tăng 10,9 triệu đồng/lao động.
Đáng chú ý là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản từ mức năng suất lao động 48,2 triệu đồng/lao động năm 2019 đã đạt 81,1 triệu đồng/lao động trong năm 2022 do Tổng cục Thống kê đã loại trừ lao động làm các công việc tự sản tự tiêu khỏi khu vực này.
Mặc dù năng suất lao động của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp nhất trong ba khu vực kinh tế nhưng đây là khu vực có tốc độ tăng năng suất lao động năm 2022 cao nhất với 5,8% so với năm 2021 trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ lần lượt tăng 3,4% và tăng 3,5%.
Năng suất lao động nước ta có sự khác biệt nhất định giữa các ngành kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, ngành sản xuất và phân phối điện có mức năng suất lao động cao nhất với 2.722 triệu đồng/lao động, tăng 506,9 triệu đồng/lao động so với năm 2021 và gấp 14,5 lần mức năng suất lao động chung.
Tiếp đến là ngành khai khoáng có mức năng suất lao động đạt 1.367,8 triệu đồng/lao động, tăng 188,4 triệu đồng/lao động so với năm 2021 và gấp 7,3 lần mức năng suất lao động chung do đây là ngành công nghiệp có tính đặc thù, giá trị sản phẩm khai khoáng bao gồm cả giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Ngành thông tin và truyền thông có năng suất lao động đạt mức 1.067,2 triệu đồng/lao động, giảm 9 triệu đồng/lao động so với năm 2021, gấp 5,7 lần mức năng suất lao động chung; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 924,1 triệu đồng/lao động, tăng 97 triệu đồng/lao động và gấp 4,9 lần; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 897,1 triệu đồng/lao động, giảm 95,6 triệu đồng và gấp 4,8 lần.
Trong khi đó, năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2022 đạt 200,2 triệu đồng/lao động, tăng 13,9 triệu đồng/lao động so với năm 2021 nhưng chỉ cao hơn 12,2 triệu đồng/lao động so với mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế do các doanh nghiệp chế biến, chế tạo (gồm cả doanh nghiệp FDI) chủ yếu tham gia ở các khâu, các công đoạn có giá trị gia tăng thấp như gia công, lắp ráp, không chủ động được nguồn đầu vào cho sản xuất, nhất là các ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu (dệt, da giày, may mặc, điện tử, hóa chất…), trong khi đây là những ngành sử dụng nhiều lao động.
Đặc biệt, nếu như trước đây ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn có mức năng suất lao động thấp nhất thì trong năm 2022 ngành có mức năng suất lao động thấp nhất là ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (80,5 triệu đồng/lao động) do đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Tổng cục Thống kê đã loại trừ lao động làm các công việc tự sản tự tiêu nên năm 2022 nền kinh tế chỉ còn khoảng 13,9 triệu lao động đang làm việc trong ngành này khiến cho năng suất lao động đạt 81,1 triệu đồng/lao động.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có những bước phát triển mạnh, trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, đồng thời cơ cấu ngành có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành thủy sản và lâm nghiệp. Sự giảm mạnh số lượng lao động trong ngành nông nghiệp giúp mức trang bị vốn, đặc biệt là đất đai tính trên một lao động gia tăng, góp phần quan trọng vào thúc đẩy tốc độ tăng năng suất lao động của ngành này.
>> Đón đọc: Nâng cao năng suất lao động: Bài 3 - Còn nhiều thách thức
Có thể bạn quan tâm
Cần giải pháp tổng thể cho bài toán năng suất lao động nhiều năm không "về đích"
11:19, 28/09/2023
Thay vì đối đầu, AI được tận dụng gia tăng năng suất lao động
03:00, 17/08/2023
Tọa đàm: Giải pháp nâng cao năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế
23:16, 20/06/2023
Nam Định: Đưa công nghệ số để cải thiện năng suất lao động
15:00, 17/06/2023
Tại sao năng suất lao động thường xuyên không đạt chỉ tiêu?
10:01, 01/06/2023