Nâng cao năng suất lao động: Bài 5 - Việt Nam cần làm gì?
Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để nâng cao năng suất lao động.
Để hoà nhịp với xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cần thấm nhuần nhận thức về tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất lao động. Phải coi nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu đảm bảo nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững trong một thế giới đầy bất trắc, khó lường, trật tự kinh tế thế giới lỏng lẻo.
Trước thực trạng năng suất lao động nước ta còn thấp, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, thiết nghĩ, Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Đối với Chính phủ
Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động Việt Định kỳ đánh giá, bổ sung, cập nhật Chiến lược này phù hợp với những thay đổi mau lẹ của kinh tế thế giới. Chủ động dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta.
Không ai khác, mà chính là Chính phủ phải xác định được các yếu tố ngoại sinh tạo ra sự đổi mới để từ đó chủ động đưa ra các giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức giữ ổn định vĩ mô, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Cạnh tranh lành mạnh trên tất cả các thị trường là nền tảng quan trọng để nâng cao năng suất lao động. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế nhanh hơn, hiệu quả hơn để khơi thông và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước.
Đặc biệt, Chính phủ cần hoàn thiện đồng bộ môi trường pháp lý để tất cả các loại thị trường đều phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới xây dựng và hoàn thiện thể chế thị trường hàng hoá; thị trường nhân tố và thể chế quản trị doanh nghiệp. Xoá bỏ mọi độc quyền dưới bất kỳ hình thức nào diễn ra trên thị trường hàng hoá và thị trường nhân tố.
Thương mại quốc tế là động lực thúc đẩy các nền kinh tế đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh và mở rộng thị phần thế giới. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Chiến lược tăng trưởng hướng tới xuất khẩu nhằm tận dụng tối đa lợi ích từ các hiệp định FTA, phù hợp với xu hướng thay đổi của toàn cầu hoá và chuỗi cung ứng toàn cầu đặt trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải nhà kính, phát triển một hành tinh.
Cạnh tranh là động lực chủ yếu để đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ cho các nền kinh tế đã đạt ngưỡng công nghệ mà đặc biệt cần thiết đối với các nền kinh tế đang phát triển còn xa ngưỡng công nghệ trong bối cảnh hiện nay.
Chính phủ cần đổi mới cơ chế giao nghiên cứu, quản lý, đánh giá các hoạt động R&D, đảm bảo mức kinh phí 2% GDP hằng năm. Xây dựng môi trường thuận lợi cùng với các chính sách ưu đãi, đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới, như giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp có hoạt động R&D, hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ.
Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với xu hướng mới của kinh tế thế giới. Cơ cấu lại nội bộ từng ngành theo hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung nội lực, thúc đẩy động lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng.
Xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao, thiết kế, sáng tạo; Chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài hướng tới hỗ trợ nâng cao năng suất lao động quốc gia; chiến lược khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường khu vực và thế giới.
Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, đảm bảo khả năng cung ứng lao động cho chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Xây dựng và thực thi chính sách thị trường lao động tích cực, chủ động thực hiện phương châm đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc. Đồng thời thực hiện phương châm học suốt đời, học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động đáp ứng đòi hỏi về nâng cao và bồi đắp kỹ năng lao động.
Nâng cao năng suất lao động phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, năng lực, kỹ năng và chuyên môn của người lao động. Vì vậy, giáo dục cho người dân, mở rộng độ bao phủ, phổ cập giáo dục và nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có định hướng ưu tiên đào tạo các tài năng cá biệt và các kỹ năng mới nổi phải là quốc sách hàng đầu đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển.
Đối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần khẩn trương nghiên cứu xu hướng chuyển đổi nhu cầu lao động của thế giới và khu vực; xác định ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong những năm tới của toàn nền kinh tế, từng vùng, miền và địa phương; đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng của lực lượng lao động.
Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu triển khai việc cấp bằng hoặc giấy chứng nhận hành nghề một cách thực chất theo tiêu chuẩn quốc tế, đúng với năng lực chuyên môn và kỹ năng của người lao động. Giải pháp này nâng cao trình độ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của lực lượng lao động trong nền kinh tế.
>>Gỡ “điểm nghẽn” tăng năng suất lao động
Đối với doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần xây dựng và thực thi chiến lược nâng cao năng suất lao động dựa vào tri thức và công nghệ; tập trung đầu tư nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp.
Cùng với đó, đổi mới quy trình sản xuất; sắp xếp lại quy mô doanh nghiệp phù hợp với từng ngành, từng vùng kinh tế; phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị, quản lý.
Doanh nghiệp cũng cần đánh giá cụ thể từng công đoạn của quy trình sản xuất, cơ cấu lại bức tranh lao động của doanh nghiệp; phát triển quy trình sản xuất tự động, đầu tư sử dụng robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm.
Nâng cao năng suất đang là một thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Trên thực tế Việt Nam có nhiều tiềm năng và dư địa, cơ hội để nâng cao năng suất lao động. Để biến tiềm năng, cơ hội thành hiện thực, rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và toàn xã hội để chúng ta cùng đạt được mục tiêu chung - phát triển nhanh, bền vững, xã hội ổn định, đất nước phồn vinh.
Có thể bạn quan tâm
Cần nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực
21:01, 31/10/2023
Cần giải pháp tổng thể cho bài toán năng suất lao động nhiều năm không "về đích"
11:19, 28/09/2023
Thay vì đối đầu, AI được tận dụng gia tăng năng suất lao động
03:00, 17/08/2023
Tọa đàm: Giải pháp nâng cao năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế
23:16, 20/06/2023
Nam Định: Đưa công nghệ số để cải thiện năng suất lao động
15:00, 17/06/2023