Tổ chức chạy đêm quanh hồ Hoàn Kiếm: Vì sao phải cấm?
Việc quá tải các giải chạy quanh hồ Hoàn Kiếm gây bức xúc cho người dân.
Quãng thời gian giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, bên cạnh những tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội thì có mặt tích cực đó là việc ứng dụng công nghệ dạy, học, làm việc từ xa phát triển mạnh mẽ. Thói quen sinh hoạt luyện tập thể thao cũng thích ứng theo hoàn cảnh tình hình dịch bệnh, Cho nên khi có dịch phong trào chạy bộ lan rộng ra hơn các thời điểm trước đó, nhờ đáp ứng được yêu cầu hạn chế tiếp xúc, giãn cách mà vẫn rèn luyện được thân thể.
Không thể phủ nhận được hiệu quả của chạy bộ đối với sức khoẻ, bản thân người viết cũng tham gia chạy bộ và nhận thấy nếu duy trì hàng tuần chạy trên 30 km, tổng số km chạy tích luỹ đạt trên 150 km/tháng với tốc độ trung bình thì các chỉ số về mỡ máu, acid uric cũng như các chỉ số có hại sẽ giảm. Thể lực, sức bền cải thiện rõ rệt hơn hẳn các môn thể thao khác, hình thể cũng thon gọn, nhanh nhẹn, tinh thần cũng lên cao.
Số người tham gia tập luyện chạy bộ ngày càng đông. Các đội, nhóm chạy thành lập liên tục, tinh thần luyện tập chinh phục vượt qua bản thân, nâng cao thành tích như cuốn mọi người vào vòng xoáy. Đam mê thái quá dẫn đến nhiều người chạy quá giới hạn cho phép của bản thân, gây chấn thương “lợi bất cập hại”. Tiếp đến là việc tổ chức liên tiếp lan tràn các giải chạy bộ làm đảo lộn sinh hoạt, ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân nơi tổ chức giải, đặc biệt là giải chạy diễn ra liên tục thời gian qua, quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội.
Cái gì quá cũng không tốt, việc quá tải các giải chạy quanh hồ Hoàn Kiếm gây bức xúc cho người dân và quận Hoàn Kiếm phải có văn bản gửi lên Sở Văn hoá và Thể thao đề nghị không tổ chức các giải chạy bộ vào ban đêm, đảm bảo cuộc sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Việc tổ chức các giải chạy Midnight (Nửa đêm) hay các giải Marathon đủ cự ly 42.195 km thì vận động viên thường phải xuất phát từ 12 đêm hoặc 03 giờ sáng. Loa đài, sân khấu, âm thanh ánh sáng, người cổ vũ sẽ gây ồn ào trong đêm, trong khi cư dân khu vực này hoàn toàn có quyền cần được yên tĩnh nghỉ ngơi. Nếu một năm tổ chức một đến hai lần thì chắc cũng không ai phàn nàn vì khu vực này là không gian dành cho sinh hoạt cộng đồng vào dịp cuối tuần. Nhưng nếu giải cứ liên tục thì nhiều người làm việc cả ngày, đến đêm lại bị đánh thức bởi tiếng ồn ầm ĩ, thì niềm vui của người này lại là nỗi buồn của người kia khi quyền được ngủ nghỉ phục hồi sức khoẻ không được tôn trọng bởi những người mang danh rèn luyện sức khoẻ.
Giải chạy thu hút càng đông thì có thu nhập càng lớn từ số tiền bán BIB (mã số tham dự của vận động viên), cộng thêm số của nhà tài trợ đại diện nhãn hàng, thương hiệu… có cơ hội quảng bá rộng rãi sản phẩm đến công chúng qua hình ảnh giải chạy marathon. Số tiền cần chi cho sự kiện, giải thưởng thấp hơn nhiều so với kinh phí thu được nên nhiều đơn vị liên tục tổ chức các giải chạy kiếm lời.
Ngoài các giải chạy Marathon thường niên và uy tín như của Techcombank Hà Nội, Vnexpress, Đà Nẵng International, VPbank Hà Nội, Techombank Hồ Chí Minh thì bây giờ giải chạy như “trăm hoa đua nở”, Hạ Long, Tràng An – Ninh Bình, Cúc Phương – Ninh Bình, Mộc Châu – Sơn La, Hà Gian, Hải Phòng… đều có. Chỉ ăn với chạy giải cũng đủ kín hết lịch cả năm.
Tại các địa phương có cung đường đẹp thuận lợi thì việc tổ chức các giải chạy sẽ kích cầu du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thêm khám phá trải nghiệm cho người chạy. Xin đừng dồn hết về thủ đô nơi đất chật người đông, người xe như nêm, không thể chạy được ban ngày mà phải chạy ban đêm.
Chạy bộ là hoạt động tốt cho thể chất, nhưng cũng không thể đi ngược lại quy luật sinh học của con người là thức khi có mặt trời, đi ngủ khi đêm xuống cho cơ thể nghỉ ngơi tái tạo năng lượng, sinh lực. Giải chạy bộ tổ chức ban đêm, người chạy đua nhau chạy hùng hục giữa đêm khuya là phản khoa học. Chưa kể khi vào cuộc, tâm lý “gà tức nhau tiếng gáy”, khát khao đứng bục nhận huy chương làm người chạy bấp chấp giới hạn bản thân chạy quá sức khi tích luỹ còn chưa đủ. Có người vì gắng sức chạy theo người chạy trong giải mà đột quỵ tử vong. Nếu không biết lượng sức và tập luyện khoa học thì “gãy chân bóng đá, hóp má điền kinh, chết bất thình lình, chạy bộ buổi sáng” là nguy cơ có thật.
Hãy lắng nghe cơ thể là bác sĩ của chính mình, luyện tập khoa học, suy nghĩ cả cho người khác khi tham gia giải chạy là trách nhiệm của các runner (người chạy).
Còn nhà tổ chức giải Marathon, hãy đặt mục tiêu sức khoẻ cộng đồng lên trên lợi ích kinh tế, hãy lựa chọn địa điểm tổ chức giải đấu cho phù hợp thay vì cứ chen nhau mà tiến về Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 3.000 người CMC cùng chạy bộ gây Quỹ Phẫu thuật nụ cười cho các em nhỏ tại Đà Nẵng
11:40, 19/05/2023
CMC cùng cộng đồng chạy bộ gây Quỹ Phẫu thuật nụ cười
06:34, 28/04/2023
Chạy bộ vì trẻ em mồ côi
07:53, 26/12/2022