Giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô (Kỳ 2): Các phân tích qua không gian hàng hóa

PGS. TS. CHU KHÁNH LÂN - Học viện Ngân hàng 17/11/2023 03:19

Năng lực sản xuất quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn năm 2000 đến 2020 được phân tích thông qua phân tích qua quy mô và cơ cấu hàng hóa xuất khẩu.

>>Giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô (Kỳ 1): Vai trò của năng lực sản xuất quốc gia

Hình 1 sử dụng biểu đồ cây để mô tả quy mô và số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam qua hai năm 2000 và 2020. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đã tăng trưởng rất nhanh từ mức hơn 18,1 tỷ USD vào năm 2000 lên mức 300,4 tỷ USD (tốc độ bình quân 15,1%/năm). Số lượng hàng hóa xuất khẩu cũng có sự thay đổi tích cực khi năm 2020 Việt Nam xuất khẩu hàng hóa thuộc 1174 nhóm theo Hệ thống mã hóa và mô tả hàng hóa hài hòa (Harmonized Commodity Description and Coding System), nhiều hơn 152 nhóm so với năm 2000.

Song song với quá trình gia tăng về quy mô và số lượng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự thay đổi căn bản về cơ cấu với nhiều hơn các hàng hóa có hàm lượng khoa học công nghệ. Hình 1 cho thấy cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2000 chủ yếu thuộc nhóm khoáng sản, chủ yếu là dầu thô (chiếm 21,4% tổng giá trị xuất khẩu năm 2000), dệt may (17,2%), giày dép và mũ (13,5%) và rau củ (11,7%).

Cơ cấu này bắt đầu chuyển dịch dần vào năm 2010 khi dệt may và máy móc trở thành hai nhóm ngành có giá trị xuất khẩu lớn nhất, lần lượt chiếm tỷ trọng 19,0% và 16,0% tổng giá trị xuất khẩu. Năm 2015, giá trị xuất khẩu máy móc (thiết bị phát sóng, máy tính, điện thoại và vi mạch điện tử) chiếm tới 36,5% kim ngạch xuất khẩu, gấp đôi tỷ trọng của dệt may là 16,9%. Xu hướng này tiếp tục tới năm 2020 khi tỷ trọng giá trị xuất khẩu máy móc lên tới 46,6% tổng giá trị xuất khẩu, dệt may chiếm 13%, giày dép và mũ là 6,4%, rau củ là 4,5% còn khoáng sản chỉ còn chiếm 1,7%.

>>Thế giới biến đổi tác động thế nào tới kinh tế vĩ mô Việt Nam?

Để đánh giá toàn diện cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, cần xem xét số lượng và tỷ trọng hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ (revealed competitive advantage). Năm 2000, có 210 hàng hóa trong tổng số 1.022 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế so sánh biểu lộ (chiếm tỷ trọng 20,5%), tập trung ở các nhóm ngành dệt may (56 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ trong số 133 hàng hóa, tỷ trọng 42,1%), rau củ (34,3%), khoáng sản (25,0%), giày dép và mũ (70,0%). Năm 2020, có 252 hàng hóa trong tổng số 1.174 hàng hóa xuất khẩu có lợi thế so sánh biểu lộ (21,5%), tập trung ở các nhóm ngành dệt may (47,6%), rau củ (21,1%), khoáng sản (19,7%), giày dép và mũ (57,9%).

Riêng nhóm ngành máy móc, có 25 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ trong tổng số 132 hàng hóa xuất khẩu (18,9%). Giá trị xuất khẩu của nhóm ngành máy móc này năm 2020 lên tới 139,9 tỷ USD, trở thành nhóm ngành có mức độ đóng góp vào xuất khẩu cao nhất (gấp 3,6 lần nhóm ngành đứng thứ hai là dệt may). Như vậy, từ năm 2000 đến 2020, số lượng hàng hóa mà Việt Nam có lợi thế so sánh biểu lộ đã tăng, phản ánh một giai đoạn đẩy mạnh đa dạng hóa các năng lực sản xuất có mức độ phức tạp cao.

Sự phát triển kinh tế của một quốc gia được biểu hiện bởi tri thức dùng cho sản xuất (năng lực sản xuất) ẩn chứa trong xã hội nên việc phân tích kinh tế cần tập trung vào cơ chế hình thành các hàng hóa (là kết quả của nhiều năng lực sản xuất đơn lẻ được kết hợp với nhau). Các năng lực sản xuất này có thể bao gồm kỹ năng, tri thức cho tới thể chế, văn hóa mang tính đặc trưng của quốc gia. Các quốc gia phát triển dựa vào việc mở rộng năng lực sản xuất hiện tại để có thể sản xuất nhiều hơn các hàng hóa, từ đó làm tăng mức độ phức tạp kinh tế.

Mô hình hóa quá trình phát triển của các quốc gia thông qua việc phân tích sự thay đổi trong cơ cấu hàng xuất khẩu, có thể dựa vào không gian hàng hóa được tính dựa trên lợi thế so sánh biểu lộ. Không gian hàng hóa là một  mạng lưới các điểm (thể hiện các hàng hóa) được kết nối với nhau dựa trên mức độ liên quan của các năng lực sản xuất cần thiết để sản xuất ra chúng. Đường kết nối hai điểm bất kỳ trong không gian hàng hóa thể hiện mối quan hệ hai hàng hóa cùng được sản xuất và xuất khẩu bởi một nhóm quốc gia.

Nói cách khác, đo lường khoảng cách giữa các cặp hàng hóa dựa trên xác suất chúng cùng được xuất khẩu bởi các quốc gia cho phép chúng ta xây dựng một mạng lưới các hàng hóa mà mỗi hàng hóa có một mức độ tương quan nhất định với các hàng hóa khác. Hình 2 trình bày không gian hàng hóa của Việt Nam các năm 2000 và 2020. Bên cạnh sự thay đổi về quy mô, số lượng và cơ cấu đã phân tích ở trên, có bốn đặc điểm lớn cần lưu ý sau khi phân tích không gian hàng hóa của Việt Nam.

Thứ nhất, trong không gian hàng hóa của Việt Nam, các hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ và có giá trị xuất khẩu lớn tập trung chủ yếu ở phần ngoại vi. Cụ thể, bốn nhóm ngành tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong giai đoạn 2000-2020 là máy móc (cụm màu xanh dương, góc dưới cùng bên trái), dệt may, giày dép và mũ (cụm màu xanh lá, góc trên cùng bên phải) và rau củ (cụm màu cam, góc dưới cùng ở giữa).

Trong bốn nhóm ngành này, các hàng hóa có mức độ liên kết với nhau cao hơn (so với các hàng hóa khác) khi đường kết nối giữa các hình tròn là rất ngắn, thể hiện sự tương đồng về năng lực sản xuất để sản xuất ra các hàng hóa này. Đây là kết quả của việc Việt Nam đã tập trung được nguồn vốn, lao động và công nghệ (từ cả trong và ngoài nước thông qua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) thông qua các chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm tích lũy năng lực sản xuất trong hơn hai thập kỉ vừa qua. 

>>Áp lực tỷ giá và trái phiếu, kinh tế vĩ mô vẫn có dấu hiệu khởi sắc

>>Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống

Thứ hai, ở trung tâm của không gian hàng hóa, nơi tập trung các hàng hóa có mức độ phức tạp cao hơn và có mức độ liên kết cao trong không gian hàng hóa, Việt Nam rất thiếu vắng các hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ lẫn hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn. Các nước có năng lực sản xuất thấp và trung bình thường hình thành các nhóm ngành ở ngoại vi của không gian hàng hóa trong khi các nước có năng lực sản xuất cao có nhiều nhóm ngành ở trung tâm. Không gian hàng hóa của Việt Nam phản ánh sự thay đổi mang tính cấu trúc từ một nền kinh tế có trình độ sản xuất thấp, thiếu đa dạng sang một nền kinh tế có trình độ sản xuất trung bình, đa dạng hơn nhưng còn khoảng cách rất xa mới có thể đạt tới trình độ sản xuất cao và đa dạng như nhiều nước tiên tiến.

Thứ ba, mức độ phức tạp của hàng hóa xuất khẩu đã có sự cải thiện. Các hàng hóa của Việt Nam có giá trị xuất khẩu năm 2020 lớn hơn 1 tỷ USD (tương đương 0,333% giá trị xuất khẩu) với lợi thế so sánh biểu lộ, giá trị xuất khẩu và mức độ phức tạp tương ứng. Trong tổng số 53 hàng hóa có giá trị xuất khẩu lớn hơn 1 tỷ USD (tổng giá trị xuất khẩu là 221,4 tỷ USD), có 49 hàng hóa có lợi thế so sánh biểu lộ lớn hơn 1 (chiếm 97,6% giá trị xuất khẩu) và có 22 hàng hóa có mức độ phức tạp lớn hơn 0 (chiếm 63% giá trị xuất khẩu).

Các hàng hóa có mức độ phức tạp cao tập trung chủ yếu ở nhóm ngành máy móc (vi mạch điện tử 1,49, máy tính 1,04, bảng mạch điện tử 0,98). Các hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao nhất có mức độ phức tạp kinh tế thấp hơn như thiết bị phát sóng (0,42) và điện thoại (0,69). Dầu thô (-2,38) và dừa, quả hạch và hạt điều (-2,32), gạo (- 2,02) và động vật giáp xác (-2,01) là các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao nhưng mức độ phức tạp thấp nhất.

Tuy ở mức cao hơn, dệt may và giày dép và mũ cũng chỉ là nhóm có mức độ phức tạp thấp, ví dụ áo thun dệt kim (-1,46) và giày da (-0,74). Qua phân tích, có thể nhận thấy các hàng hóa xuất khẩu chủ  chốt của Việt Nam thì chỉ có nhóm ngành máy móc là có mức độ phức tạp cao còn các nhóm ngành chủ chốt khác như dệt may, giày dép và mũ và rau củ có mức độ phức tạp thấp. Việt Nam đã tích lũy được thêm năng lực sản xuất mới hơn và cao hơn qua hai thập kỷ và góp phần vào việc sản xuất ra các hàng hóa đa dạng hơn và hiếm hơn (mức độ phức tạp cao hơn).

Thứ tư, vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng quan trọng trong hình thành các năng lực sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp mà các nhà đầu tư nước ngoài có trên 50% vốn góp tại các chi nhánh, công ty con (FATS). Năm 2020, Việt Nam có 19.113 doanh nghiệp FATS với 4,949 triệu lao động, chiếm 85,9% so doanh nghiệp FDI, 97,2% so lao động doanh nghiệp FDI, tạo ra 96,6% doanh thu và 99,3% giá trị xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Nếu tính tổng thể cả nền kinh tế, các doanh nghiệp FATS đóng góp tới 74,8% giá trị xuất khẩu. Ở khía cạnh tích cực, việc thu hút được các doanh nghiệp FATS đầu tư vào Việt Nam đã giúp cho nền kinh tế đa dạng hóa và nâng cấp các hàng hóa sản xuất và xuất khẩu thông qua việc có thêm các năng lực sản xuất mới và cao hơn gần như ngay lập tức (nếu tự phát triển thì sẽ cần rất nhiều thời gian và nguồn lực). Chỉ tính trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, số lượng doanh nghiệp FATS là 9.539 doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính với 1.102 doanh nghiệp, sản xuất trang phục với 916 doanh nghiệp, sản xuất da giày với 607 doanh nghiệp…

Ở góc độ khác, cần lưu ý rằng các doanh nghiệp FATS sản xuất hàng hóa tại Việt Nam chủ yếu là gia công theo đơn đặt hàng từ các công ty mẹ để tiêu thụ ở thị trường nước ngoài với kênh cung ứng và phân phối kèm theo. Do vậy, các doanh nghiệp FATS phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và công nghệ nguồn từ nước ngoài trong khi công nghiệp phụ trợ của Việt Nam lại chưa đáp ứng được yêu cầu, khiến cho các năng lực sản xuất của các doanh nghiệp FATS bị giới hạn trong phạm vi của nhóm doanh nghiệp này mà ít lan tỏa ra nền kinh tế.

Tình trạng này rất phổ biến và trầm trọng tại các doanh nghiệp FATS với các hàng hóa có mức độ phức tạp kinh tế cao nhất do các doanh nghiệp này lại liên kết theo chiều dọc với phần lớn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài và hệ thống phân phối cũng do công ty nước ngoài đảm nhiệm. Ngoài ra, việc phụ thuộc nhiều vào các nhà đầu tư từ một số ít quốc gia cũng tạo ra những rủi ro đối với Việt Nam trong quản trị chuỗi cung ứng.

Tóm lại, phân tích cơ cấu và đặc điểm của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong hai thập kỷ vừa qua cho thấy một số vấn đề nổi bật sau.

Thứ nhất, Việt Nam từ một quốc gia sản xuất và xuất khẩu tài nguyên thô là chủ yếu đã hình thành một cơ cấu sản xuất đa dạng hơn các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo, cơ bản tránh được tình trạng không đa dạng hóa hàng hóa, nhất là những thời điểm giá hàng hóa thế giới tăng cao.

Thứ hai, từ một nền kinh tế lạc hậu với năng lực sản xuất hạn chế, Việt Nam đã có được những năng lực sản xuất mới và hiện đại hơn đáng kể, góp phần tạo ra các hàng hóa có mức độ phức tạp cao hơn và có giá trị xuất khẩu lớn hơn. Không chỉ giúp thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, gia tăng mức độ hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, những năng lực sản xuất mới này có giúp tạo ra nhiều việc làm, giải quyết được vấn đề thu nhập cho lượng lớn người lao động.

Thứ ba, do phụ thuộc vào các doanh nghiệp FDI (đặc biệt là các doanh nghiệp FATS) để tạo ra các năng lực sản xuất mới và hiện đại trong khi khả năng lan tỏa tri thức thấp nên nền kinh tế nội địa không sở hữu thêm nhiều các năng lực sản xuất mới và hiện đại. Đặc điểm này khiến cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các doanh nghiệp FDI để duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế cao.

Thứ tư, mức độ phức tạp của nền kinh tế Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, từ mức -0,59 năm 2000 (đứng thứ 93/132 quốc gia) lên mức 0,04 năm 2021 (đứng thứ 61/133 quốc gia). Sự cải thiện năng lực sản xuất quốc gia tạo điều kiện để thay đổi cấu trúc nền kinh tế và đa dạng hóa xuất khẩu, góp phần giảm thiểu biến động kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các năng lực sản xuất mới cũng khiến cho ảnh hưởng của các cú sốc, nhất là các cú sốc từ bên ngoài tới nền kinh tế Việt Nam trở nên mạnh hơn.

(Còn nữa)

Tài liệu tham khảo

  • Ahmed, A. D., & Suardi, S. (2009). Macroeconomic Volatility, Trade and Financial Liberalization in Africa. World Development, 37(10), 1623– 1636.
  • Balavac, M., & Pugh, G. (2016). The link between trade openness, export diversification, institutions and output volatility in transition countries. Economic Systems, 40(2), 273–287.
  • Beck, T., Lundberg, M., & Majnoni, G. (2006). Financial intermediary development and growth volatility: Do intermediaries dampen or magnify shocks? Journal of International Money and Finance, 25(7), 1146–1167.
  • Breitenbach, M. C., Chisadza, C., & Clance, M. (2022). The Economic Complexity Index (ECI) and output volatility: High vs. low income countries. Journal of International Trade and Economic Development, 31(4), 566–580.
  • Chu, L. K. (2021). Economic structure and environmental Kuznets curve hypothesis: new evidence from economic complexity. Applied Economics Letters, 28(7), 612–616.
  • Chu, L. K., & Hoang, D. P. (2020). How does economic complexity influence income inequality? New evidence from international data. Economic Analysis and Policy, 68, 44–57. https://doi.org/10.1016/j.eap.2020.08.004
  • Ćorić, B., & Pugh, G. (2013). Foreign direct investment and output growth volatility: A worldwide analysis. International Review of Economics and Finance, 25, 260–271.
  • da Silva, S. H. R., Tabak, B. M., Cajueiro, D. O., & Fazio, D. M. (2017). Economic growth, volatility and their interaction: What’s the role of finance? Economic Systems, 41(3), 433–444.
  • Dacin, M. T., Oliver, C., & Roy, J.-P. (2007). The legitimacy of strategic alliances: an institutional perspective. Strategic Management Journal, 28(2), 169–187.
  • Deephouse, D. L. (1999). To be different, or to be the same? It’s a question (and theory) of strategic balance. Strategic Management Journal, 20(2), 147– 166.
  • di Giovanni, J., & Levchenko, A. A. (2009). Trade openness and volatility.
  • Review of Economics and Statistics, 91(3), 558–585.
  • Easterly, W., Islam, R., & Stiglitz, J. E. (2000). Explaining Growth Volatility.
  • World Bank WP, (August 1999), 1–24.
  • Felipe, J., Kumar, U., Abdon, A., & Bacate, M. (2012). Product complexity and economic development. Structural Change and Economic Dynamics, 23(1), 36–68.
  • Ferrarini, B., & Scaramozzino, P. (2016). Production complexity, adaptability and economic growth. Structural Change and Economic Dynamics, 37, 52–61.
  • Gnangnon, S. K. (2023). Effect of the duration of membership in the GATT/WTO on economic growth volatility. Structural Change and
  • Economic Dynamics, 65(April), 448–467.
  • Haltiwanger. J. (2011). Globalization and Economic Volatility. In Bacchetta and Jansen, editors, Making Globalization Socially Sustainable. World Trade Organization/International Labor Organization, 2011.
  • Hartmann, D., Jara-Figueroa, C., Hidalgo, C. A., Guevara, M. R., & Aristarán, (2017). Linking Economic Complexity, Institutions, and Income Inequality. World Development, 93, 75–93.
  • Hausmann R., Hidalgo C.A., Bustos S., Coscia M., Simoes A., & Yildirim M.A. (2014). The Atlas of Economic Complexity: Mapping Paths to Prosperity. MIT Press.
  • Hidalgo, C. A., & Hausmann, R. (2009). The building blocks of economic complexity. Proceedings of the National Academy of Sciences, 106(26), 10570–10575.
  • Imbs, J., & Wacziarg, R. (2003). Stages of Diversification. American Economic Review, 93(1), 63–86.
  • Joya, O. (2015). Growth and volatility in resource-rich countries: Does diversification help? Structural Change and Economic Dynamics, 35, 38– 55.
  • Koren, M., & Tenreyro, S. (2007). Volatility and Development. The Quarterly Journal of Economics, 122(1), 243–287.
  • Kraay, A., & Ventura, J. (2007). Comparative Advantage and the Cross-Section of Business Cycles. Journal of the European Economic Association, 5(6), 1300–1333.
  • Krishna, P., & Levchenko, A. A. (2013). Comparative advantage, complexity, and volatility. Journal of Economic Behavior & Organization, 94, 314– 329.
  • Nguyen, C. P., & Schinckus, C. (2023). How do countries deal with global uncertainty? Domestic ability to absorb shock through the lens of the economic complexity and export diversification. Quality and Quantity, 57(3), 2591–2618.
  • Payne, J. E., Truong, H. H. D., Chu, L. K., Doğan, B., & Ghosh, S. (2023). The effect of economic complexity and energy security on measures of energy efficiency: Evidence from panel quantile analysis. Energy Policy, 177, 113547.
  • Williams, A. (2014). The effect of transparency on output volatility. Economics of Governance, 15(2), 101–129.
  • Yang, G., & Liu, H. (2016). Financial Development, Interest Rate Liberalization, and Macroeconomic Volatility. Emerging  Markets Finance and Trade, 52(4), 991–1001.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

    18:57, 03/10/2023

  • Áp lực tỷ giá và trái phiếu, kinh tế vĩ mô vẫn có dấu hiệu khởi sắc

    09:20, 12/09/2023

  • Nền kinh tế vĩ mô nhiều biến động khiến startup Twiga Foods phải sa thải 33% nhân viên

    01:03, 23/08/2023

  • Thế giới biến đổi tác động thế nào tới kinh tế vĩ mô Việt Nam?

    17:41, 28/05/2023

PGS. TS. CHU KHÁNH LÂN - Học viện Ngân hàng