Xử phạt vi phạm nồng độ cồn - làm thế nào cho hợp lý?

PHẠM TUẤN 21/11/2023 04:00

Rượu, bia không phải chất cấm tuyệt đối, ngành công nghiệp đố uống này đóng góp cho nền kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho không ít người.

>>Xử phạt nồng độ cồn: Băn khoăn con số “vượt 0 mg/l khí thở”

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được đưa ra trình bày thảo luận tại Quốc hội. Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến trái chiều về quy định cấm người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Theo quan điểm cá nhân, nếu cứ nồng độ cồn trên mức “0” bị xử phạt là chưa hợp lý. Luật Trật tự, an toàn giao thông đưa ra để phục vụ việc đảm bảo trật tự xã hội, an toàn cho cuộc sống người dân, nhưng phải đảm bảo sự hài hoà, không thể cứng nhắc, khiên cưỡng, bấp chấp tất cả. 

Lực lượng chức năng đo nồng độ cồn và lập biên bản xử phạt ông Trần Trọng H. vì vi phạm nồng độ cồn. Ảnh: TTT

Lực lượng chức năng đo nồng độ cồn và lập biên bản xử phạt một lái xe vì vi phạm nồng độ cồn.

Thực tế con người biết ủ men nấu rượu bia để làm thức uống từ xa xưa. Từ các dân tộc văn minh, tiến bộ cho đến các bộ tộc, bộ lạc còn sống ở các vùng cách xa cuộc sống hiện đại, đều sử dụng rượu, bia làm đồ cúng tế và sử dụng trong lễ hội phục vụ tín ngưỡng, tôn giáo cũng như trong cuộc sống sinh hoạt.

Bia, rượu sử dụng đúng mực, vừa phải có nhiều tác dụng tốt cho việc tiêu hoá thức ăn, chống đông máu, là chất xúc tác để thần kinh hưng phấn vui vẻ hơn. Với các văn nhân, nghệ sĩ..., rượu, bia có thể giúp họ thăng hoa tạo cảm xúc để cho ra đời những tác phẩm bất hủ sống mãi với thời gian.

Còn khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông mà người điều khiển sử dụng rượu, bia, chất kích thích dẫn đến mất tỉnh táo thì đó chính là kẻ tội phạm giết người. Không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn mất kiểm soát khi điều khiển gây lên tai nạn thảm khốc, cướp đi sinh mạng, sức khoẻ của người vô tội. Với trường hợp này không có điều gì để thông cảm, chỉ có hình phạt thật nặng trừng trị đích đáng, có cả tác dụng răn đe kẻ khác nếu có ý định coi thường pháp luật.

Người viết là người thường xuyên đi lại, giao dịch tham gia tiệc tùng, nhưng khi đã uống rượu, bia là tuyệt đối không cầm lái. Việc này hoàn toàn do ý thức cá nhân, nếu như ở các nhà hàng quen biết tới cửa là đưa chìa khoá xe cho nhân viên, hẹn giờ nhờ đưa về, hoặc sử dụng dịch vụ “Bạn say tôi lái”, bí nữa hoàn toàn có thể gửi xe lại đi xe ôm, taxi về, hôm sau quay lại lấy xe.

Còn nếu chưa cảm thấy yên tâm với các giải pháp trên thì sử dụng taxi ngay từ khi ra khỏi nhà. Cứ lâu dần sẽ thành thói quen không cầm lái khi uống rượu, bia. Người viết hiểu rõ, nếu bị công an xử phạt thì sẽ phiền hà, rắc rối, thiệt hại lớn gấp nhiều lần đi taxi. Chưa kể nếu say mà gây va chạm tai nạn giao thông thì sẽ trở thành tội đồ, chẳng may bị nặng thì “thân bại danh liệt”, mất tất cả vì vài chén rượu.

>>Xử phạt vi phạm nồng độ cồn: “Quan” cũng như dân!

Mặc dù vậy, cá nhân người viết vẫn cho rằng, nếu cấm tuyệt đối thì sẽ là khiên cưỡng vì dù thiểu số nhưng vẫn có người bị bệnh sinh cồn tự thân, người sử dụng các món ăn như ba ba nấu rượu vang, tôm, mực hấp bia, hay chân giò hầm rượu, uống siro, ăn hoa quả chín lên men… vẫn đối diện với nguy cơ bị phạt khi có nồng độ cồn trong hơi thở. Như vậy sẽ là không công bằng, thậm chí là oan ức khi “án tại hồ sơ”, làm sao để chứng minh được việc mình không sử dụng bia rượu.

Cá nhân người viết rất cảm ơn các đợt ra quân tuần tra kiểm soát nồng độ cồn của cảnh sát giao thông, vì nhờ có các anh, việc giảm các bữa ăn, từ chối các lời mời uống rượu, bia trở nên dễ dàng và thoải mái. Nhiều cuộc không nhất thiết phải có rượu, bia mới tạo được không khí vui vẻ mà hoàn toàn nằm ở cách hành xử của mọi người.

Rượu, bia không phải chất cấm tuyệt đối, ngành công nghiệp  đố uống này đóng góp cho nền kinh tế và giải quyết công ăn việc làm cho không ít người. Nếu cấm tuyệt đối chắc chắn ngành này sẽ suy thoái, kéo theo sự đi xuống giảm khách của hàng loạt các nhà hàng. Chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm, vận tải cùng các dịch vụ theo kèm sẽ đi xuống theo, gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới cơ cấu kinh tế.

Say xỉn lái xe chính xác là tội ác, nhưng tai nạn giao thông thì có nhiều nguyên nhân. Nhìn ra thế giới, hãy xem các quốc gia Hồi giáo tuyệt đối không có rượu bia, vẫn có số vụ tai nạn giao thông không hề ít. Trên một trăm quốc gia trên thế giới có quy định về chỉ số nồng độ cồn cho phép được tham gia giao thông, chỉ có 10 quốc gia cấm tuyệt đối.

Nếu nói ý thức của người dân chưa bằng những quốc gia đó nên phải cấm ngặt, thì chính là đang hạ thấp quốc gia dân tộc của mình. Hãy tính toán ra chỉ số nồng độ phù hợp với thể trạng tinh thần của người Việt để ra Luật. Nâng mức xử phạt nếu vượt quá giới hạn nồng độ cho phép vẫn cố tình lái xe lên gấp đôi, gấp ba hiện nay, cùng các biện pháp bổ sung như phạt lao động công ích, phục vụ các nạn nhân bị tai nạn giao thông ở bệnh viện, sẽ là điều phù hợp hơn việc cấm 100%.

Có thể bạn quan tâm

  • Siết chặt kiểm tra nồng độ cồn

    08:00, 15/02/2022

  • Doanh nghiệp rượu bia đề xuất sửa mức phạt nồng độ cồn

    15:46, 24/03/2020

  • Xử phạt vi phạm nồng độ cồn: “Quan” cũng như dân!

    05:00, 22/01/2020

  • Xử phạt nồng độ cồn: Băn khoăn con số “vượt 0 mg/l khí thở”

    00:00, 12/01/2020

  • Xử phạt nồng độ cồn: Những góc khuất…

    22:38, 08/01/2020

PHẠM TUẤN