Ước mơ “được cho đi” của cô sinh viên Đại học Hải Phòng
Khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cô sinh viên Bùi Thúy Nga đã thuyết phục ban giám khảo cuộc thi “Ươm mầm khởi nghiệp Hải phòng”, xuất sắc giành giải ba cuộc thi với dự án Thiện Nhân.
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện bên lề cuộc thi với cô sinh viên nhỏ nhắn nhưng đầy nghị lực của trường Đại học Hải Phòng.
- Chào em. Được biết, em vốn “ôm” giấc mơ trở thành một chiến sỹ công an nhưng lại rẽ ngang thành sinh viên khoa Tâm lý trường Đại học Hải Phòng rồi ấp ủ một ước mơ rất… khác - dự án “Trung tâm hỗ trợ giáo dục trẻ chuyên biệt Thiên Nhân”?
Thời gian đầu nhập học, em như người vô hồn, chỉ lên giảng đường rồi lại về kí túc, em không biết làm cách nào để có thể chấp nhận sự thật là mình đã không thể thực hiện được ước mơ nữa trở thành một chiến sỹ công an nữa. Rồi dần dần em thấy được bản thân mình có hứng thú với tâm lý học, tự tìm hiểu, đọc sách, nghiên cứu rồi em yêu nó từ lúc nào cũng không biết.
Rồi em có dịp tới trung tâm tự kỉ, hỗ trợ một giảng viên khoa tâm lý cho các bạn nhỏ ở đây đi trải nghiệm, thấy mấy đứa xinh xắn, nhỏ nhỏ đáng yêu quá mà lại bị bệnh. Chi phí học tập thì cao, thời gian can thiệp thì dài, đã mắc tự kỉ thì bố mẹ phải thật kiên trì và kinh tế vững thì mới có thể cho con theo được. Sau buổi đó, em thường xuyên lui tới hơn, rồi em được nhận vào học việc giảng dạy tại trung tâm. Gắn bó lâu dần càng thấy yêu nghề và thương các bạn ấy hơn.
Em biết có những bé vì nhà nghèo, đường xá xa xôi nên không thể theo học được tại các trung tâm trong thành phố. Tại Thủy Nguyên cũng vậy, có rất nhiều bé sang đánh giá kiểm tra nhưng lại không theo học được. Em bắt đầu nghĩ mình phải làm cái gì đó cho quê hương của mình, cho con em Thủy Nguyên của mình. Và em bắt tay vào xây dựng ý tưởng và thực hiện dự án Trung tâm hỗ trợ giáo dục can thiệp trẻ chuyên biệt Thiện Nhân.
- Mô hình này có gì khác biệt với các trung tâm nuôi dạy trẻ chuyên biệt khác trên cả nước?
Nói về sự khác biệt, em từng nghe shark Hưng nói rằng: “Không ai có thể thống lĩnh được thị trường”. Em rất tâm đắc với câu nói này, bản thân em nghĩ khi mình làm tốt nhất được những điều mà người khác không làm được thì chính đấy đã là sự khác biệt lớn nhất rồi! Nhưng em muốn khi người ta nhắc về Thiện Nhân, người ta sẽ nhắc tới một mô hình trung tâm chuyên nghiệp, chất lượng. Ở Thiện Nhân, chúng ta sẽ nhận thấy có 3 điểm khác biệt lớn nhất đó là: Quy trình can thiệp chuyên sâu; Chế độ cá nhân hóa bữa ăn; Lịch học tự chọn.
Tại sao em lại lựa chọn huyện Thủy Nguyên làm “đại bản doanh”?
Như em đã chia sẻ, em là người Thủy Nguyên và em muốn mang lại giá trị cho những đứa trẻ kém may mắn tại quê hương em. Nếu có một trung tâm tự kỉ chuyên nghiệp, chất lượng tại Thủy Nguyên với mức chi trả phù hợp thì chắc chắn các bạn nhỏ của em sẽ tăng cơ hội can thiệp, rút ngắn thời gian và chi phí can thiệp. Bên cạnh đó theo em khảo sát tại các điểm trường mầm non và tiểu học của 5 điểm xã/ thị trấn tại huyện Thủy Nguyên là thị trấn Núi Đèo, xã Thủy Đường, xã Tân Dương, xã Dương Quan và xã Thủy Sơn thì xác định được nhu cầu can thiệp cho trẻ rất lớn. Nếu khai thác tốt thị trường Thủy Nguyên thì em có thể mở rộng các chuỗi trên địa bàn huyện, thành phố lân cận.
Nhận xét của cô Quỳnh Phương, trưởng khoa Tâm lý Giáo dục học trường Đại học Hải Phòng: “Bùi Thúy Nga là một cô sinh viên rất nhiệt tình, năng nổ và cầu thị. Mặc dù học song song hai chương trình khá vất vả nhưng em ấy vẫn hoàn thành tốt các môn học và vẫn dành thời gian tham gia nhiều các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động về công tác xã hội và trẻ em. Nga là người dám chịu khó, chịu khổ, thích khám phá, thường “lao” vào tìm hiểu những lĩnh vực mà người khác không làm. Ví dụ, đi thực tập, em ấy sẽ đăng ký tìm hiểu, nghiên cứu tư vấn về mặt tâm lý cho các đối tượng nghiện ma túy hoặc tham gia dự án Chống xâm hại tình dục trẻ em triển khai trên địa bàn Thủy Nguyên và rất nhiều dự án khác...”
Những thành công ban đầu của dự án được cộng đồng và xã hội ghi nhận?
Khi mang dự án đi thi, chúng em luôn gặp được những cố vấn rất tâm huyết, đưa ra cho chúng em những lời khuyên thiết thực để nhìn nhận ra vấn đề của mình. Đi đến cuộc thi nào Thiện Nhân cũng nhận được sự ưu ái như chính cái tên của nó vậy. Quá trình làm bản thực nghiệm, khi về khảo sát tại các trường, dự án luôn được ban giám hiệu tạo điều kiện, phụ huynh và con em hợp tác tích cực. Trong quá trình giảng dạy, Thiện Nhân có tiếp nhận 4 trường hợp học sinh là con em trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn tham gia can thiệp miễn phí. Nhận được sự quan tâm và chia sẻ của các bậc phụ huynh đang có con theo học tại trung tâm về cả tinh thần và vật chất để đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của các bạn. Đây cũng chính là kim chỉ nam cho dự án để đưa Thiện Nhân trở thành một dự án xã hội. Bản thân là người thai nghén dự án, em cảm thấy rất hạnh phúc khi nhận thức của các bậc phụ huynh đã tốt hơn và tốt hơn thực sự vì chỉ có như vậy trẻ tự kỷ mới có cơ hội để tái hòa nhập cộng đồng.
Trong 2 tháng cuối năm 2019, Thiện Nhân sẽ hoàn thành thủ tục đăng kí hoạt động và xin cấp phép kinh doanh; triển khai kế hoạch thực hiện dự án; khảo sát thị trường và mở rộng quy mô thị trường. Dự kiến tháng 2 năm 2020, trung tâm vào hoạt động với 30 học sinh can thiệp bán trú, 20 học sinh can thiệp ngoài giờ và 20 phụ huynh tham gia tập huấn can thiệp.
- Cảm ơn em. Chúc em và team thành công với “đứa con tinh thần” này nhé!