Phong tỏa hàng chục chứng khoán liên quan vụ Hứa Thị Phấn
Cơ quan điều tra đã phong tỏa hàng chục chứng khoán liên quan vụ Hứa Thị Phấn rút ruột, sử dụng và gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 12.000 tỷ đồng.
Đối với cổ phiếu bị can Hứa Thị Phấn nắm giữ trực tiếp, cơ quan điều tra tiến hành phong tỏa 620.775 cổ phần Đại học Công nghệ TP HCM. Phong tỏa hơn 1 triệu cổ phần SSG và hơn 3 tỷ đồng cổ tức thuộc sở hữu bị can Phấn, theo Công văn 1125 ngày 10/4/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an. Trong đó có hơn 1 triệu cổ phần SSG và hơn 2 tỷ cổ tức đã kê biên trong vụ án Hà Văn Thắm.
Cơ quan điều tra tiếp tục kê biên và phong tỏa tài sản của nhiều người (nhóm Phú Mỹ) được cho là trợ thủ đắc lực của bà Phấn trong việc rút ruột tài sản của TrustBank. Trong số 14 đối tượng có 8 đối tượng nguyên là cán bộ Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang; 6 đối tượng còn lại là cán bộ ở Hội sở trong đó có nguyên chủ tịch HĐQT và 2 nguyên phó tổng giám đốc.
Đầu tiên, với bị can Ngô Kim Huệ (nguyên Phó tổng giám đốc TrustBank). Phong tỏa tài khoản chứng khoán số 003c300362 của Huệ gồm hơn 1 triệu cổ phiếu mã VNE, theo Công văn số 169 ngày 18/1/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công văn số 40 ngày 20/4/2017 của UBCK.
Phong tỏa 90.000 chứng khoán chưa niêm yết mã MLG của Tập đoàn Mai Linh thuộc sở hữu của bị can Huệ, theo Công văn số 169 ngày 18/1/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công văn số 40 ngày 24/1/2017 của UBCK.
Phong tỏa 107.520 chứng khoán chưa niêm yết mã TVT của Tổng Công ty Việt Thắng thuộc sở hữu của bị can Huệ, theo Công văn số 86 ngày 8/11/2017 của Trung tâm lưu ký chứng khoán. Phong tỏa 16.078 cổ phần Ngân hàng HDBank của bị can Huệ, theo Công văn số 3731 ngày 24/10/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công văn số 1259B ngày 9/11//2017 của HDBank.
Phong tỏa hơn 2 triệu cổ phần SSG và hơn 6 tỷ cổ tức thuộc sở hữu của bị can Huệ, theo Công văn 1125 ngày 10/4/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an; trong đó có hơn 2 triệu cổ phần SSG và hơn 4 tỷ cổ tức đã kê biên trọng vụ án Hà Văn Thắm.
Tiếp đó, cơ quan điều tra phong tỏa tài khoản chứng khoán số 021C048990 của bị can Bùi Thị Kim Loan (thư ký của bị can Phấn) mở tại Chứng khoán VNDirect. Tài khoản gồm 71.296 cổ phiếu HCM, 37.000 cổ phiếu mã HQC, 16.050 cổ phiếu mã SHB, hơn 1 triệu cổ phiếu mã VPH, theo Công văn số 169 ngày 18/1/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công văn số 40 ngày 24/1/2017 của UBCK.
Bị can Loan khai tài khoản chứng khoán trên, chồng là bị can Nguyễn Kim Thanh lấy tên Loan để mở chơi chứng khoán. Theo đó, cơ quan điều tra phong tỏa tài khoản chứng khoán của bị can Nguyễn Kim Thanh, theo Công văn số 169 ngày 18/1/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công văn số 40 ngày 24/1/2017 của UBCK.
Cụ thể, tài khoản số 021C050989 của bị can Thanh mở tại Chứng khoán VNDirect gồm 10.000 chứng khoán mã CTG; 33.000 cổ phiếu mã DPM, 3.500 cổ phiếu mã LCG, hơn 2,8 triệu cổ phiếu VPH… Phong tỏa tài khoản chứng khoán số 058C828797 của bị can Thanh mở tại Chứng khoán FPT gồm 6.000 cổ phiếu HCM và 4.600 cổ phiếu LCG.
Bị can Thanh khai trong số chứng khoán đầu tư trên, toàn bộ mã VPH đứng tên Thanh và vợ là bị can Loan, là Thanh đứng tên đầu tư giúp bị can Phấn, các chứng khoán còn lại Thanh bỏ tiền cá nhân để đầu tư.
Thêm một cái tên nữa trong nhóm Phú Mỹ bị phong tỏa tài sản là bị can Hứa Thị Bích Hạnh, nguyên Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Trustbank.
Cụ thể, phong tỏa hơn 4 triệu cổ phần SSG và hơn 8 tỷ cổ tức theo Công văn 1125 ngày 10/4/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an, trong đó có hơn 4 triệu cổ phần SSG và hơn 4,5 tỷ cổ tức đã kê biên trong vụ án Hà Văn Thắm.
Bị can Hứa Xường cũng bị phong tỏa hơn 10 triệu cổ phần SSG và hơn 10 tỷ cổ tức theo Công văn 1125 ngày 10/4/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an, trong đó có hơn 10 triệu cổ phần SSG đã kê biên trong vụ án Hà Văn Thắm.
Phong tỏa chứng khoán của bị can Trần Sơn Nam số 003C026525 của Trần Sơn Nam mở tại SSI gồm 1.940 cổ phiếu mã GTA, 5.000 cổ phiếu mã TDC, 14.500 cổ phiếu TRI… theo Công văn 169 ngày 18/1/2017 của cơ quan CSĐT Bộ Công an và Công văn 40 ngày 24/1/2017 của UBCK.
Trước đó, vào ngày 10/1/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công An đã có bản kết luận điều tra, truy tố bà Hứa Thị Phấn, nguyên Cố vấn cao cấp Ngân hàng Đại Tín (sau là Ngân hàng VNCB và nay là Ngân hàng CB), nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển Phú Mỹ về hai tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bản kết luận điều tra, bị can Phấn đã lợi dụng việc nắm giữ lượng vốn lớn, thao túng mọi hoạt động của HĐQT, Ban điều hành của Ngân hàng Đại Tín, rút ruột, chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỷ của Ngân hàng Đại Tín. Việc chiếm đoạt số tiền thông qua 5 hành vi phạm tội.