Vì sao Becamex đưa cổ phần bị "ế" niêm yết tại sàn UpCom?
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, ngày 21/2 tới đây sẽ ngày giao dịch đầu tiên cổ phiếu đăng ký giao dịch của TCty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - TNHH MTV Becamex. Đây là toàn bộ lô cổ phần bị ế nặng sau 2 đợt IPO ra công chúng...
Theo đó, cổ phiếu Becamex sẽ chính thức giao dịch 23.469.000 cổ phần trên sàn UpCoM. Giá tham chiếu cho phiên giao dịch đầu tiên là 31.000 đồng/cổ phiếu.
Được biết, Becamex đã tiến hành IPO theo phương thức bán đấu giá 311,2 triệu cổ phần tương đương 23,6% vốn điều lệ. Tuy nhiên, phiên IPO có quy mô lớn nhất năm 2017 đã bị ế chỉ 6% lượng cổ phần được trao tay với giá trúng thầu bình quân 31.008 đồng, thu về hơn 587 tỷ đồng, trong đó các nhà đầu tư nước ngoài mua 10.643.000 cổ phần, chiếm 56% tổng số cổ phần bán được.
Cổ phiếu bị "ế" nặng trong đợt IPO đầu tiên, Becamex tiếp tục bán đấu giá lần 2 vào đầu năm 2018 nhưng chỉ có 4 nhà đầu tư đăng ký đấu giá với tổng khối lượng 5,1 triệu cổ phiếu tại mức giá khởi điểm 31.000 đồng/cp.
Như vậy, sau 2 đợt đấu giá, Becamex IDC chỉ bán được tổng cộng gần 24 triệu cổ phiếu, tương đương 7,7% trong tổng số 311,2 triệu cổ phần chào bán, thu về tổng cộng 745 tỷ đồng.
Theo phương án cổ phần hóa, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC có vốn điều lệ dự kiến 13.170 tỷ đồng. Trong đó Becamex IDC đưa ra bán đấu giá 311,2 triệu cổ phần trong đợt IPO, tương đương 23,6% vốn điều lệ dự kiến. 25% cổ phần sẽ chào bán cho cổ đông chiến lược; 0,4% bán ưu đãi cho nhân viên, còn lại Nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn.
Giải mã nguyên nhân vì sao nhà đầu tư quay lưng với cổ phiếu Becamex, theo các chuyên gia cho biết, thực tế, nếu căn cứ vào tiêu chí phân loại sắp xếp các DNNN giai đoạn 2016 – 2020 thì Becamex thuộc loại DNNN nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ khi cổ phần hóa.
Tuy nhiên thông tin trên bản cáo bạch công bố, Nhà nước sẽ nắm 75% vốn cổ phần Becamex IDC cho đến năm 2020. Giải thích cho điều này, Becamex cho biết nếu Nhà nước thoái vốn sâu thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến vai trò của công ty, bởi công ty đang thực hiện rất nhiều dự án lớn nhỏ tại Bình Dương. Quá trình phát triển thời gian sắp tới rất cần vai trò của sở hữu Nhà nước nhằm duy trì sự ổn định. Do đó, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ trên 50% vốn sau cổ phần hóa ở Becamex IDC.
Nhà đầu tư Nguyễn Hùng cho biết, những cổ phiếu lớn như VNM, SAB, HVN… cho thấy việc cổ đông Nhà nước thoái vốn chính là thông tin tích cực thúc đẩy nhà đầu tư mua vào cổ phiếu do kỳ vọng được tái cấu trúc, tham gia điều hành DN.
Tuy nhiên do việc ở Becamex IDC Nhà nước nắm giữ trên 50% cổ phần, điều này không chỉ khiến cho các đối tác chiến lược mà nhà đầu tư rất thận trọng khi bỏ vốn sở hữu cổ phiếu của Becamex.
Được biết, trong giai đoạn từ 2018 – 2020, Becamex dự kiến tăng vốn thêm 2.670 tỷ đồng, đạt con số 13.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận của Becamex IDC có phần tỏ ra khiêm tốn. Lợi nhuận sau thuế năm 2019, công ty đặt kế hoạch chưa đầy 350 tỷ đồng. Bên cạnh đó tỷ lệ cổ tức chỉ với khoảng 2%.
Trong khi tổng nợ tính đến thời điểm tháng 6/2017 gần 33.200 tỷ đồng trong đó 19.700 tỷ đồng nợ ngắn hạn, nợ dài hạn gần 13.500 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đang rất cao ở mức 3,5 lần.
Theo đó, các khoản nợ dài hạn gần đến hạn chi trả gần 4.000 tỷ đồng, vay ngân hàng dài hạn 2.250 tỷ đồng và đáng chú ý nhất là khoản trái phiếu dài hạn gần 11.000 tỷ đồng vay tại các ngân hàng nhằm phục vụ cho dự án Thành phố mới Bình Dương, thời điểm đáo hạn vào giai đoạn 2019 – 2020...
Có thể nói với những điểm bất lợi phân tích ở trên, đã lý giải nguyên nhân vì sao cổ phiếu Becamex bị "ế" nặng...Và đây cũng là nguyên nhân khiến Ban Lãnh đạo Becamex quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn UpCoM...