Thị trường chứng khoán đang tiềm ẩn rủi ro?
Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2017 và đầu năm 2018 là nhanh và tiềm ẩn rủi ro.
Báo cáo tình hình kinh tế tài chính 2 tháng đầu năm 2018 của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục sau khi giảm mạnh đầu tháng 2. Chỉ số VN Index giảm mạnh từ ngày 1/2 tới ngày 9/2 do tác động từ thị trường chứng khoán Mỹ suy giảm trước lo ngại cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể đẩy nhanh quá trình tăng lãi suất.
Đến cuối tháng 2, chỉ số VN Index đã hồi phục trở lại mức 1.100 điểm do các yếu tố cơ bản của kinh tế vĩ mô trong nước và doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định.
Tuy vậy, NFSC cho rằng, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán năm 2017 và đầu năm 2018 là nhanh và tiềm ẩn rủi ro. Tốc độ tăng giá cổ phiếu (48% trong năm 2017) cao hơn tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết (khoảng 26%), giá một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng nóng. Quy mô cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán còn chưa được giám sát đầy đủ.
Do đó, để đảm bảo cho thị trường cổ phiếu tăng trưởng bền vững, hạn chế những tác động từ bên ngoài và rủi ro nội tại, tổ chức này cho rằng Ủy ban chứng khoán Nhà nước cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ việc cho vay đầu tư chứng khoán và cho vay ký quỹ chứng khoán.
Bên cạnh đó, để tăng nguồn cung cho thị trường và thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cần tiếp tục thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp lớn cần có lộ trình IPO sớm để tận dụng cơ hội thị trường chứng khoán đang thuận lợi, tránh tập trung dồn dập vào cuối giai đoạn 2019-2020.
Nhận định thị trường chứng khoán năm 2018 đa phần các công ty chứng khoán đều lạc quan. Trong đó, động lực đến từ sự quyết liệt thoái vốn, IPO doanh nghiệp Nhà nước, cơ hội nâng hạng thị trường và đà tăng trưởng kinh tế.
CTCK MBS nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng GDP 6,81% trong năm 2017 và kỳ vọng duy trì mức 6,75% trong 2018. Năm nay là năm cao điểm với kế hoạch cổ phần hóa 64 doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước. Tính cả số doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa năm 2017 có 70 đơn vị. Theo kế hoạch, tổng số vốn dự kiến thoái từ 2017-2020 theo mệnh giá là 64.457 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 thoái 135 doanh nghiệp, 2018 thoái 181 doanh nghiệp, 2019 thoái vốn 62 doanh nghiệp và 2020 thoái vốn 28 doanh nghiệp. Quá trình thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa tại các doanh nghiệp là tất yếu để bù đắp thâm hụt ngân sách và tái cơ cấu doanh nghiệp. Đây là những cơ hội hỗ trợ cho thị trường trong thời gian tới.
Còn theo báo cáo chiến lược TTCK Việt Nam năm 2018, CTCK BIDV (BSC) dự báo VN-Index có kịch bản giá từ 785 điểm đến 1.053 điểm cuối năm 2018, thị trường có thể thiết lập vùng giá cao trong quý II tại 1.165 điểm. Về diễn biến thị trường năm 2018, xu hướng tăng điểm mạnh kéo dài cho đến khoảng nửa đầu năm 2018 trong khi 6 tháng cuối năm thì phức tạp phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn ngoại.
Những thông tin hỗ trợ đà tăng 6 tháng đầu năm gồm xu thế vận động giá tích cực, đang tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút dòng vốn mới từ khối ngoại và khối nội; từ tháng 3-5, thị trường có nhiều thông tin hỗ trợ về Đại hội đồng cổ đông thường niên, kết quả kinh doanh năm 2017 và triển vọng năm 2018; thời điểm diễn ra các phiên đấu giá hoặc niêm yết của các cổ phiếu được thị trường quan tâm; thông tin tốt về vĩ mô năm 2017, định hướng chính sách 2018 đồng thời thị trường thường có hiệu ứng tốt sau kỳ nghỉ Lễ Tết.
Còn 6 tháng cuối năm là giai đoạn kiểm định, thị trường đối mặt những yếu tố thực tại như tăng trưởng kinh tế, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và thiếu thông tin hỗ trợ cho nên diễn biến thị trường phức tạp. Xu hướng phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngoại và thông tin hỗ trợ.