Ủy thác đầu tư: Trăm hoa đua nở

Theo tinnhanhdautuchungkhoan 13/04/2018 13:09

Thị trường chứng khoán sôi động cũng là lúc các dịch vụ ủy thác đầu tư nở rộ. Với cam kết mang lợi nhuận từ 30 - 40%/năm cho các nhà đầu tư, dịch vụ này đang thu hút nhiều người có tiền nhàn rỗi.

Nhà đầu tư cần

Nhà đầu tư cần "chọn mặt gửi vàng" để đảm bảo đồng vốn được an toàn, sinh lời hiệu quả nhất

Nở rộ dịch vụ ủy thác đầu tư

Phổ biến nhất hiện nay là dịch vụ ủy thác giữa nhà đầu tư và nhà quản lý tài khoản (broker), dựa trên phương thức nhận vốn ủy thác của nhà đầu tư theo kỳ hạn. Anh H, người nhận khá nhiều hợp đồng ủy thác đầu tư giải thích, với dịch vụ này, khách hàng sẽ ủy quyền giao dịch chứng khoán cho broker và broker phải có trách nhiệm đưa ra các quyết định giao dịch và quản lý danh mục đầu tư của khách hàng.

Trên các diễn đàn, trang web và tại các sàn giao dịch chứng khoán, rất nhiều sản phẩm ủy thác đầu tư đang được giới broker giới thiệu để khách hàng tha hồ lựa chọn. Mức lợi nhuận chào mời rất hấp dẫn, thấp nhất cũng hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng, có nơi đưa ra lợi suất đầu tư lên tới 40%.

Giá trị ủy thác đầu tư hiện cũng rất đa dạng, từ 200 triệu đồng đến tỷ đồng. Cách thức thỏa thuận về rủi ro cũng rất đa dạng, để nhà đầu tư đưa ra lựa chọn phần trăm lợi nhuận và rủi ro. Dĩ nhiên, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Chẳng hạn, một nhóm broker đưa ra hai gói sản phẩm để nhà đầu tư lựa chọn: Gói thứ nhất, khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cố định 12%/năm.

Đây là gói sản phẩm, theo nhóm broker, dành cho những người có tiền nhàn rỗi, thay vì gửi ngân hàng lấy lãi suất 6%/năm thì khách hàng sẽ được hưởng mức lãi suất gấp đôi so với ngân hàng. Đối với gói sản phẩm này, nhà đầu tư không phải chịu rủi ro thua lỗ và khi đó phần lợi nhuận của quá trình đầu tư nếu vượt 12% sẽ thuộc 
về broker.

Với gói sản phẩm thứ hai, nếu lợi nhuận từ 12% trở xuống, toàn bộ giá trị tài khoản sẽ thuộc về nhà đầu tư. Nếu lợi nhuận vượt mức 12%, nhà đầu tư được hưởng thêm 70% số lợi nhuận vượt.

Không chỉ cá nhân broker hay một nhóm môi giới kết hợp nhận dịch vụ ủy thác đầu tư, mà nhiều tổ chức cũng không đứng ngoài “sân chơi” này, đặc biệt là các công ty chứng khoán lớn sẽ thực hiện thông qua công ty quản lý quỹ.

Đơn cử như Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đang đẩy mạnh sản phẩm SSI Prestige dành cho khách hàng có tiền và chứng khoán trị giá lớn, với hai cách thức là ủy thác ngay trên tài khoản giao dịch chứng khoán hiện tại, hoặc chuyển giao tài sản về SSIAM và thu phí quản lý tài khoản là 0,5 - 1,5% giá trị tài sản ròng, tùy giá trị tài khoản dưới 10 tỷ đồng hay trên 10 tỷ đồng.

Rủi ro ai chịu?

Anh Trần Nam, một nhà đầu tư sử dụng dịch vụ ủy thác đầu tư thông qua broker cho biết, theo cam kết của broker, với khoản vốn 800 triệu đồng gửi từ đầu năm 2018, anh sẽ nhận được tỷ lệ sinh lời tối thiểu gấp 1,5 lần lãi suất tiết kiệm dài hạn, tương đương 10%/năm. Tuy nhiên, diễn biến thị trường thuận lợi nên trong quý I/2018, tài khoản của anh sinh lời 23% và theo thỏa thuận, nên ngoài 10% lợi nhuận, anh sẽ nhận thêm 70% trên số lãi vượt cam kết.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tăng mạnh như năm 2017 và quý I vừa qua, việc đảm bảo an toàn vốn cho nhà đầu tư, mang lại mức lợi nhuận lên đến 30%/năm không quá khó đối với một số broker. Nhưng, nếu thị trường đảo chiều, danh mục thua lỗ, rủi ro bên nào chịu, nhà đầu tư hay bên nhận ủy thác?

Đối với một số gói sản phẩm, broker đưa ra mức lãi suất không quá cao, chẳng hạn gói sản phẩm ủy thác đầu tư 12% bên trên, trong tình huống danh mục thua lỗ, theo cam kết, nhà đầu tư vẫn được hưởng lãi suất cố định. Nhưng nếu chọn gói sản phẩm lợi suất hấp dẫn hơn, như gói thứ hai, nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận thua lỗ.

Ngay cả khi hợp đồng ủy thác cam kết trả lợi suất cố định, nhà đầu tư vẫn có rủi ro, nếu broker không có khả năng chi trả để bù đắp cho khoản lỗ này.

Bên cạnh rủi ro bay hơi tài khoản khi thị trường đảo chiều, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến tính an toàn của tài khoản khi đặt quyền quyết định tài khoản cho một người khác. Mối lo này xuất phát từ việc không hiếm trường hợp nhà đầu tư bỗng dưng mất tiền, mất cổ phiếu trong tài khoản do nhân viên môi giới tự ý sử dụng thời gian trước...

Không thể phủ nhận dịch vụ ủy thác đầu tư phát triển giúp thị trường chứng khoán thu hút thêm nguồn tiền trong dân, cũng là làm gia tăng dòng tiền trên thị trường chứng khoán, nhưng sự phát triển theo hướng tự phát của dịch vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo khuyến nghị của broker H, nhà đầu tư phải “chọn mặt gửi vàng” cho broker có kinh nghiệm về tài chính, đầu tư. Thêm nữa, việc  ủy thác đầu tư và thực hiện các giao dịch trên chính tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư kiểm soát được danh mục, giao dịch bán mua và dòng tiền, tránh được rủi ro bị chiếm đoạt tài khoản.

Theo tinnhanhdautuchungkhoan