Công ty chứng khoán trước áp lực vốn và margin
Nhiều công ty chứng khoán đứng trước sức ép phải tăng nguồn vốn tự có và vốn vay để đảm bảo nhu cầu cho vay giao dịch ký quỹ (margin), duy trì vị thế cạnh tranh. Dự kiến, khối công ty chứng khoán lớn sẽ có cuộc chạy đua tăng vốn trong thời gian tới.
Áp lực vốn margin và cuộc đua huy động
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một công ty chứng khoán có thị phần môi giới thuộc Top 10 chia sẻ, trong hơn 1 tháng qua, công ty bị ảnh hưởng không nhỏ về thị phần do nguồn vốn cho vay margin có hạn.
“Tổng hạn mức cho vay margin vẫn còn, nhưng nguồn lực của công ty có hạn nên bị “căng” nguồn. Thêm vào đó, việc bị giới hạn tỷ lệ cho vay đối với một khách hàng không quá 3% vốn chủ sở hữu, đối với 1 mã chứng khoán không quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của mã đó và 10% vốn chủ sở hữu của công ty, nên trong nhiều trường hợp, công ty bị mất không ít thị phần”, vị tổng giám đốc trên nói.
Tại một công ty chứng khoán khác, có vốn chủ sở hữu gần 200 tỷ đồng, lãnh đạo công ty này cho biết, công ty phải mang tiền gửi tiết kiệm vì không cho khách hàng vay được, do vướng giới hạn tỷ lệ cho vay trên mỗi khách hàng.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính trên hạn mức cho vay margin không quá 200% vốn chủ sở hữu, các công ty chứng khoán vẫn còn dư địa lớn. Tuy nhiên, khảo sát của phóng viên tại nhiều công ty cho thấy, việc tìm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay là không dễ. Đây là lý do các công ty chứng khoán trong thời gian qua đẩy mạnh phát hành trái phiếu.
Chẳng hạn, đầu năm 2018, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã phát hành 1.150 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn 3 năm, với lãi suất 4%/năm.
Tại Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), Công ty đã thông qua phương án phát hành 2 đợt trái phiếu không chuyển đổi trong năm 2018 với tổng giá trị huy động 1.300 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng. Trong khi đó, ngày 16/1/2018, công ty này công bố đã hoàn tất phát hành gần 800 tỷ đồng trái phiếu của 2 đợt chào bán trái phiếu năm 2017.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự kiến phát hành tối đa 200 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi và hơn 427 tỷ đồng mệnh giá cổ phần thông qua phát hành cho cho cổ đông hiện hữu và/hoặc cổ đông chiến lược.
Gần đây nhất, ngày 12/4/2018, Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) công bố kế hoạch chào bán 1.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 2 năm, với lãi suất không quá 10%/năm. Trước đó, cuối năm 2017, Công ty đã hoàn tất phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm.
Với nhóm công ty chứng khoán có vốn ngoại và khối công ty chứng khoán có vốn điều lệ dưới 300 tỷ đồng, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tăng vốn để đáp ứng nhu cầu margin cho khách hàng được coi là một yếu tố then chốt nhằm gia tăng thị phần môi giới, khi đa số công ty chứng khoán lớn đang ở trong tình trạng “căng” nguồn.
Thận trọng giám sát margin
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng dư nợ cho vay margin trên thị trường chứng khoán hiện nay ở mức xấp xỉ 4% vốn hóa chứng khoán tự do giao dịch và xấp xỉ 1,3% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán.
Với vốn hóa thị trường liên tục tăng và thanh khoản được cải thiện, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, việc các công ty chứng khoán tăng cường phát hành trái phiếu hoặc tăng vốn điều lệ là điều bình thường.
Tuy nhiên, quan điểm của Ủy ban hiện nay là thận trọng trong việc triển khai margin và khuyến nghị các công ty chứng khoán tăng cường kiểm soát rủi ro để tránh phòng ngừa tình huống xấu.
Một nghiên cứu dữ liệu lịch sử với các thị trường chứng khoán lớn cho thấy, khi tỷ lệ cho vay margin trên tổng giá trị vốn hóa của lượng cổ phiếu tự do giao dịch ở mức 5% thì thị trường có rủi ro giảm điểm sau đó. Nếu coi đây là một chỉ số cảnh báo rủi ro thị trường thì thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn ở mức an toàn, nhưng vẫn cần thận trọng.
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết là một yếu tố giúp thị trường trở nên tích cực hơn ở góc độ thanh khoản cũng như thu hút dòng tiền mới.
Tuy nhiên, nguồn tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, để đảm bảo yếu tố thận trọng, việc tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu từ mức 50% lên 60% (tương đương giảm trần tỷ lệ cho vay margin về 40% giá trị danh mục) có thể sẽ được áp dụng trong thời gian tới.
“Mức thay đổi này không tác động quá mạnh đến thị trường vì số lượng mã chứng khoán đang cho vay tỷ lệ 50% không lớn. Tuy nhiên, ở góc độ quản trị rủi ro thì việc điều chỉnh này lại có nhiều ý nghĩa”, nguồn tin nói và cho biết, thời điểm áp dụng quy định mới về margin hiện chưa được chốt.