Đâu là sức hút của PNJ?

Nguyễn Long 06/05/2018 04:50

CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (MCK:PNJ) đã và đang mở rộng hệ thống hoạt động để phát huy mọi tiềm năng và lợi thế của mình trong lĩnh vực bán lẻ vàng bạc đá quý và hàng trang sức.

Vốn điều lệ của công ty sau khi phát hành sẽ đạt 1.621 tỷ đồng.

Vốn điều lệ của công ty sau khi phát hành sẽ đạt 1.621 tỷ đồng.

Tăng vốn điều lệ

HĐQT CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (MCK:PNJ) vừa thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ của công ty. Tỷ lệ phát hành 2:1, mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phần sẽ nhận thêm 1 cổ phần phát hành thêm. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành là hơn 54 triệu cổ phiếu. Nguồn vốn để phát hành sẽ lấy từ phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty. Vốn điều lệ của công ty sau khi phát hành sẽ đạt 1.621 tỷ đồng.

BCTC hợp nhất quý 1/2018 của PNJ với doanh thu thuần 4.139 tỷ đồng – tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Việc doanh thu PNJ tăng mạnh trong kỳ do công ty tập trung mạnh vào trang sức vàng bán lẻ. Ngoài ra còn đến từ yếu tố tăng số lượng cửa hàng mở mới, khách hàng tăng cao ở các kênh bán hàng.

Lãi gộp trong quý 1/2018 của PNJ đạt 770 tỷ đồng – tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp tương ứng 18,6%, cải thiện mạnh so với con số 17,4% trong năm 2017 và đây cũng là biên lãi gộp cao nhất từ trước tới nay.

PNJ ghi nhận 336,26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 1, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) quý 1 đạt 3.111 đồng. So với kế hoạch lợi nhuận 882,4 tỷ đồng trong năm 2018 thì PNJ hiện đã hoàn thành 38% chỉ tiêu đề ra.

Tiềm năng và lợi thế của PNJ?

So với các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng, dầu khí…thì số lượng các doanh nghiệp bán lẻ niêm yết trên sàn chứng khoán là khá ít với chỉ vài cái tên như PNJ, Thế giới di động (MWG), Digiworld (DGW) hay sắp tới là FPT Retail (FRT). Mặc dù không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nhưng bán lẻ đang là nhóm ngành thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới đầu tư với mức tăng trưởng vượt trội. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài cũng thấy được tiềm năng phát triển của thị trường bán lẻ Việt Nam. Hiện PNJ và MWG đều đã kín room ngoại ở mức 49%; FRT cũng có 35% cổ phần thuộc về 2 quỹ ngoại lớn nhất đang hoạt động tại Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital.

Thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay đang khá màu mỡ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2017 doanh thu bán lẻ đạt 2,9 triệu tỷ đồng, tương đương 130 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm 2016. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam, trong đó ngành hàng đá quý và kim loại quý tăng 13,2%.

Hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney đã công bố một cuộc khảo sát, cho biết Việt Nam đã tăng năm bậc lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI). Theo nhận định của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), ngành bán lẻ Việt Nam được dự báo là ngành kinh doanh bền bỉ, ổn định, thu hút sự tham gia đầu tư của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trước bối cảnh dân số đông, tình hình kinh tế khởi sắc, sức chi tiêu tốt…

Mức sống tăng cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và lối sống thành thị được cho là nguyên nhân chính khiến bán lẻ trở thành một lĩnh vực tiềm năng.

Những lợi thế kể trên khiến bán lẻ trở thành mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp, trong đó có PNJ. Những năm qua, PNJ đã thay đổi cơ cấu sản phẩm, tập trung vào kinh doanh trang sức cao cấp, thay vì phân phối vàng miếng, giúp hiệu quả kinh doanh liên tục cải thiện. Nếu như năm 2011, biên lãi gộp PNJ chỉ quanh ngưỡng 4% thì đến năm 2017 đã tăng lên 17% và đến quý 1/2018 đã tăng lên gần 19%. Không những vậy, PNJ cũng đang có kế hoạch đẩy mạnh kinh doanh những sản phẩm khác như đồng hồ, kính. Đây đều là những sản phẩm còn rất nhiều dư địa tăng trưởng và cùng hệ sinh thái với những sản phẩm hiện có của PNJ.

Cuối tháng 3, cổ phiếu PNJ đã lập đỉnh khi đạt 206.000 đồng/cổ phiếu, hiện cổ phiếu PNJ đang giao dịch ở mức 171.000 đồng/ cổ phiếu, giảm 17% so với lúc đạt đỉnh.

Nguyễn Long