Chứng khoán tháng 5: Tích lũy và tạo đáy
Thị trường chứng khoán tháng 5 có thể sẽ có những phiên tăng/giảm đan xen, khiến VN-Index có xu hướng giảm nhẹ, sau đó chuyển sang tích lũy tạo đáy.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tháng tư không mấy tích cực khi VN-Index giảm hơn 10%, chấm dứt chuỗi 7 tháng tăng liên tiếp, đồng thời VN-Index cũng trở thành chỉ số giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 4.
Khó phục hồi theo mô hình chữ “V”
Các nhóm cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh trong tháng 4 chính là các cổ phiếu ngân hàng với mức giảm hơn 17%, nhóm chứng khoán giảm gần 30% và một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VJC, MSN, PLX,… Bên cạnh đó, những lo ngại về tình hình địa chính trị thế giới, lãi suất trái phiếu Mỹ tăng vượt mức 3% đã làm tâm lý giao dịch của nhà đầu tư trở nên xấu hơn. Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng là một yếu tố đóng góp vào sự giảm điểm này. Sự bán ròng của khối ngoại là do nhiều quỹ đầu tư muốn bảo toàn giá trị đầu tư của mình trước sự biến động mạnh của thị trường, cũng như tái cơ cấu danh mục để chuyển sang các thương vụ IPO, niêm yết mới khác.
Bước sang tháng 5, kịch bản “Sell in May” (bán trong tháng 5) đang tạo áp lực về mặt tâm lý lên thị trường. Thống kê những năm qua cho thấy, từ năm 2013, VN-Index đã tăng điểm 4/5 lần. Trong đó, năm 2017 thị trường cũng điều chỉnh trong tháng 4 và chuyển sang trạng thái “Buy in May” (mua trong tháng 5). Tuy nhiên, năm nay mức điều chỉnh là khá lớn cùng với việc bắt đáy thất bại 2 lần liên tiếp trong tháng 4 khi chỉ số giảm sâu. Do đó, thị trường khó có thể phục hồi mạnh mẽ theo mô hình chữ “V”.
Hiện tại, chưa có nhiều thông tin hỗ trợ đủ mạnh để đảo chiều thị trường. Theo VDSC, kịch bản tốt hiện tại là không có thêm thông tin xấu nào diễn ra trong tháng 5, bên cạnh tình hình thị trường thế giới, cụ thể chỉ số chứng khoán Mỹ ổn định hơn trước việc lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tạm thời hạ nhiệt khi chạm mức 3%. Bởi vậy, thị trường có thể sẽ trải qua giai đoạn giảm điểm nhẹ với mức hỗ trợ kỳ vọng là 1.000 điểm. Đan xen với việc giảm điểm nhẹ, thị trường có thể chứng kiến các nhịp hồi phục. Trạng thái luân phiên này sẽ tạo ra kịch bản VN-Index đi vào xu hướng giảm nhẹ và sau đó chuyển sang tích lũy tạo đáy.
Thận trọng sử dụng đòn bẩy tài chính
Trong khi rủi ro về một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế toàn cầu, thì thị trường chứng khoán Việt Nam biến động tiêu cực trong ngắn hạn. Theo VDSC, sở dĩ như vậy là do: Thứ nhất, lợi suất trái phiếu chính phủ của Việt Nam đã xuống mức thấp nhất và tương đương với lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ. Hiện tượng này không thuyết phục khi mà Việt Nam là thị trường cận biên, vốn được xem là có tính rủi ro cao hơn so với thị trường phát triển như Mỹ. Với khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2018, thì thị trường tài chính Việt Nam vẫn sẽ biến động trong những tháng tới.
Thứ hai, các nhà quản lý liên quan đã thể hiện sự quan ngại về rủi ro bong bóng đối với các tài sản tài chính như bất động sản và cổ phiếu, nên đã có các hành động nhằm hạ nhiệt giá tài sản. Trong đó, NHNN hút ròng từ thị trường OMO trong quý 1/2018 và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cũng bày tỏ quan điểm về thắt chặt tỷ lệ cho vay ký quỹ từ đầu tháng 6/2018.
Với những lý do này, nhà đầu tư nên thận trọng hơn khi sử dụng đòn bẩy để đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Tuy vậy, những vấn đề trên không đáng để các nhà đầu tư trung và dài hạn quan ngại bởi sự can thiệp của nhà điều hành sẽ giúp thị trường tài chính lành mạnh hơn. Hơn nữa, NHNN có đủ tiềm lực để hỗ trợ vấn đề thanh khoản trong ngắn hạn và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Minh chứng là khi nhu cầu vốn kinh doanh tăng cao trong quý 2/2018, NHNN đã bơm ròng thanh khoản vào nền kinh tế trong tháng 4/2018.
Theo VDSC, ngành ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính (chứng khoán) và thực phẩm, đồ uống có thể sẽ tiếp tục hút dòng tiền và có diễn biến tích cực. Tuy nhiên, ngành bán lẻ, du lịch, dược phẩm có thể tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn, mặc dù triển vọng dài hạn vẫn tích cực.