GVR báo lỗ 25,4 tỷ đồng quý I/2018
Theo báo cáo tài chính quý I/2018 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), công ty mẹ ghi nhận 65,4 tỷ đồng doanh thu, lỗ 25,4 tỷ đồng.
Sau phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) không thành công hồi đầu năm nay và đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM trong tháng 3/2018, GVR vừa báo cáo kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý đầu năm 2018. Theo đó, GVR ghi nhận 65,4 tỷ đồng doanh thu, lỗ 25,4 tỷ đồng, trong khi lần lượt các chỉ tiêu này của cùng kỳ năm trước là 96,1 tỷ đồng và 9,8 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến GVR thua lỗ.
Tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu được tổ chức vào ngày 22/5 tới, Ban lãnh đạo tập đoàn sẽ trình Đại hội cổ đông thông qua kế hoạch ủy quyền cho Hội đồng quản trị chọn thời điểm đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Tình trạng kém minh bạch thông tin sau cổ phần hóa, cộng với làm ăn thua lỗ đang là những điểm không thuận lợi khi GVR đưa cổ phiếu lên sàn HOSE.
Trước đó, đợt IPO của GVR đã trở thành phiên IPO tẻ nhạt nhất trong số những thương vụ IPO đình đám đầu năm 2018, khi số lượng cổ phần đăng ký trong phiên đấu giá chỉ chiếm 1/5 so với khối lượng nhà nước muốn bán. Giá trúng bình quân 13.011 đồng/cổ phần. Có tổng cộng 498 nhà đầu tư đặt mua, với khối lượng 110,8 triệu cổ phần. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua được 27,16 triệu cổ phần, chiếm gần 27% khối lượng chào bán. Theo đó, số tiền mà Nhà nước thu về trong đợt đấu giá này là 1.311 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 21% kế hoạch trên 6.000 tỷ dự thu từ IPO.
Cuối tháng 4/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký ban hành Quyết định 421/QĐ-TTg điều chỉnh cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Theo đó, điều chỉnh cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu quy định tại Mục b Khoản 4 Điều 1 Quyết định số 2090/QĐ-TTg ngày 26/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Cụ thể, tổng số cổ phần là 4 tỷ cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần là 10.000 đồng, trong đó: Cổ phần nhà nước là 3.870.842.819 cổ phần, chiếm 96,77% vốn điều lệ (quy định cũ 75% vốn điều lệ); 28.813.371 cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 48 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, chiếm 0,72% vốn điều lệ; 726.250 cổ phần bán cho tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, chiếm 0,02% vốn điều lệ; cổ phần của các cổ đông khác là 99.617.560 cổ phần, chiếm 2,49% vốn điều lệ.
Hiện giá cổ phiếu GVR đang ở mức 9.900 đồng/cổ phiếu, giảm 22% so với lúc đạt đỉnh 12.770 đồng/cổ phiếu.
Về thị trường cao su năm 2018, ông J. Baffes – chuyên gia cao cấp của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, giá của một số hàng hóa như dầu thô, kim loại đã được phục hồi khá nhanh, nhưng phần lớn giá nông sản, kể cả cao su thiên nhiên phục hồi yếu và có xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 2020 – 2030.
Tại Hội nghị Cao su toàn cầu (GRC) 2018, Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) và Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) cùng nhận định xu hướng cung vượt cầu trong năm 2017 và 2018. Dư cung có thể sẽ tạo áp lực đẩy giá giảm xuống trong thời gian tới, do vậy, nhiều nước đang tìm giải pháp ngăn giá giảm sâu để người trồng tiếp tục duy trì sản xuất cao su.