Tâm Thiện Tâm không còn là cổ đông lớn của HSG

Nguyễn Long 27/05/2018 04:30

Công ty TNHH MTV Tâm Thiện Tâm đã bán hết toàn bộ hơn 19,21 triệu cổ phiếu HSG (5,49%) của CTCP Tập đoàn Hoa Sen.

Tâm Thiện Tâm không còn là cổ đông lớn HSG. (Ảnh minh họa)

Giá nguyên liệu đầu vào thép cuộn cán nóng của HSG đã tăng tới 10%, trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng 1-2%. 

Giao dịch nói trên được thực hiện theo phương thức thỏa thuận vào ngày 23/5/2018, thu về hơn 230 tỷ đồng. Hiện chưa có thông tin về phía mua vào số cổ phiếu này.

Trước đó Công ty Tâm Thiện Tâm đã hoàn tất bán 5 triệu cổ phiếu HSG từ 19/4 đến 17/5/2018. Dù cổ phiếu HSG tiếp tục giảm sâu, đến nay chỉ còn 11.550 đồng/cổ phiếu – mức giá thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, nhưng công ty này vẫn quyết tâm bán hết số cổ phiếu còn lại.

Có thể bạn quan tâm

  • Quỹ Tundra Fonder trở thành cổ đông lớn của HSG

    04:20, 21/05/2018

  • Điều gì đang xảy ra với cổ phiếu HSG?

    15:22, 31/07/2017

  • Có nên mua HSG?

    06:14, 05/06/2017

Công ty Tâm Thiện Tâm là công ty do bà Hoàng Thị Hương Xuân, vợ ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen làm Chủ tịch. Bà Hoàng Thị Hương Xuân cũng là em gái ông Hoàng Đức Huy, Phó TGĐ Tập đoàn Hoa Sen.

Về HSG, kết thúc quý I niên độ 2017-2018, doanh thu HSG đạt 7.663 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng cao khiến lợi nhuận gộp gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt 1.181 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 10%, trong khi giá sản phẩm đầu ra chỉ tăng 1-2%. Đây là rủi ro chung của toàn thị trường, không riêng HSG mà cả những công ty trong ngành đều chứng kiến biên lợi nhuận giảm từ đầu năm nay.

Trong niên độ 2017-2018, HSG đặt mục tiêu đạt 30 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 15% trong khi lãi sau thuế chỉ tăng 1% lên 1,35 ngàn tỷ đồng. Giải thích cho vấn đề này, ban quản lý HSG cho biết do thị trường tôn mạ đang dần xảy ra tình trạng dư cung, cộng thêm những thách thức trong cơ chế nhập khẩu của các quốc gia, sản lượng tiêu thụ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới.

Thêm vào đó, lợi nhuận khổng lồ từ thị trường tôn mạ đang thu hút càng nhiều đối thủ cạnh tranh, do đó thị trường trong nước cũng đang trở nên ngày càng khốc liệt hơn. Xét về thị trường thép dẹt toàn cầu, giá HRC đang dần tăng cao, vượt hơn 600 USD/tấn, so với mức giá khoảng 250 USD vào thời kỳ 2015-2016, đã ngày càng thắt chặt biên lợi nhuận của HSG vì chi phí đầu vào tăng cao.

Không chỉ vậy, tổng dư nợ vay ngắn hạn 13.917 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng so với hồi đầu kỳ, trong đó nợ vay dài hạn ở mức 3.137 tỷ đồng. Được biết, tình trạng giảm thị phần tôn mạ kể từ năm 2012 được đánh giá xuất phát từ tốc độ tăng trưởng đầu tư của HSG đã thấp hơn toàn ngành, điều này khiến HSG phải "tích cực" tăng vay nợ để mở rộng đầu tư, hạ giá bán nhằm lấy lại thị phần. Chiến lược này bước đầu đã thành công khi thị phần HSG hồi phục lên 34,3% trong năm 2017 nhưng lợi nhuận năm ngoái của Tập đoàn đã giảm 11,5% và tiếp tục giảm sâu trong năm nay.

Ngoài ra, chi phí bán hàng của Tập đoàn cũng tăng 35%, chi phí quản lý tăng gần 90% so với cùng kỳ. Kết quả là, HSG chỉ có lãi 87 tỷ đồng trong quý I/2018, đây là con số thấp nhất trong vòng 4 năm qua của tập đoàn này.

Nguyễn Long