Thêm tin không vui cho cổ phiếu HVG

Nguyễn Long 30/05/2018 04:30

Cổ phiếu của CTCP Hùng Vương (MCK: HVG) đã bị Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 04/06/2018.

Cổ phiếu HVG bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Cổ phiếu HVG bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Theo thông tin của HOSE, HVG tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo. Theo đó, cổ phiếu HVG sẽ bị hạn chế về thời gian giao dịch, cụ thể chỉ được phép giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận kể từ ngày 04/06/2018.

Thua lỗ liên tiếp

Cổ phiếu HVG đã bị đưa vào danh sách chứng khoán thuộc diện cảnh báo kể từ ngày 06/06/2017 do vi phạm quy định công bố thông tin 4 lần trở lên trong một năm. Tiếp sau đó, HVG lại bị đưa vào diện kiểm soát kể từ ngày 26/01/2018 do lỗ "khủng" trong hai năm liên tiếp. Theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2016 và 2017, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ lần lượt âm 49,3 tỷ đồng và âm 712,96 tỷ đồng.

Trong năm qua, nguồn cung cá tra nguyên liệu thiếu hụt khiến hoạt động ở các nhà máy của HVG giảm 50% công suất, chỉ hoạt động dưới mức độ cầm chừng. Điều này cộng với chi phí cố định lớn và chi phí trợ cấp cho người lao động trong thời gian tạm ngừng sản xuất đã đẩy giá thành sản xuất tăng 30%. Ngoài ra, kết quả kinh doanh của HVG giảm sút còn do chi phí lãi vay và áp lực tài chính từ các dự án đầu tư dở dang. Số liệu công bố của HVG cho thấy, từ năm 2015 tới cuối năm 2017, HVG đã triển khai thực hiện nhiều đề án với tổng mức đầu tư là 2.154 tỷ đồng. Trong đó, công ty sử dụng 646,4 tỷ đồng từ vốn tự có và huy động thêm 1.592 tỷ đồng.

Tính đến nay, một số công trình đã hoàn tất 80% nhưng việc giải ngân từ ngân hàng lại bị trì hoãn. “Có những dự án phải sử dụng hoàn toàn nguồn vốn ngắn hạn của công ty mà không có sự hỗ trợ nào từ phía ngân hàng cam kết”, HVG cho hay.

Những nguyên nhân trên đã khiến cho HVG tiếp tục bị thua lỗ trong năm 2017.

Bán tài sản cứu doanh nghiệp

Để khắc phục các khoản lỗ, HVG phải bán tài sản và công ty con nhằm xoay vòng nguồn vốn. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu kéo dài buộc HVG phải đóng cửa một số nhà máy chế biến thủy sản hoạt động không hiệu quả. Cùng với đó, Công ty cho biết sẽ tiếp tục thỏa thuận với ngân hàng về việc tài trợ nguồn vốn trung, dài hạn để hoàn thành các dự án đang dở dang, cũng như khoanh nợ và có chính sách ưu đãi lãi suất đối với các khoản nợ hiện tại. Chưa kể, thời gian qua, HVG đã bán hết các bất động sản, bán 47% Việt Thắng...

Ngoài ra, HVG cũng đã tái cơ cấu lại tài sản nên dư tiền để hoạt động, sở hữu tài sản trên giá trị sổ sách khoảng 1/5 giá thị trường. Thời gian tới HVG sẽ tiếp tục bán bớt khoảng 300 ha đất nuôi trồng thủy sản, chỉ giữ lại 900 ha để nuôi trồng.  

HVG dự định gom vốn lại để thực hiện 2 nhiệm vụ chính là nuôi trồng và chế biến cá tra. Còn tại các lĩnh vực khác, doanh nghiệp đang tiến hành tất toán hoặc mời đối tác mua lại. Điển hình là dự nuôi heo, HVG đã chào bán lại cho 2 đối tác, đến tháng 9 tới HVG sẽ hoàn tất những hạng mục dở dang để chuyển giao dự án này.

Tuy nhiên, từ nay tới tháng 10/2018 HVG vẫn phải trả lãi ngân hàng, cùng giá trị đầu tư dở dang trên 100 tỷ đồng/tháng. Do đó, HVG đặt chỉ tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ vỏn vẹn 100 tỷ đồng trong năm 2018.

Cổ phiếu HVG hiện cũng chỉ còn 2.690 đồng/CP, xuyên thủng mức giá lịch sử gần 10 năm niêm yết của công ty. Mốc cao nhất cổ phiếu HVG đạt được là 32.310 đồng/cổ phiếu.

Nguyễn Long