Thách thức chào sàn của OCB

Hà Phương 03/06/2018 11:13

Mặc dù là một ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đang có kế hoạch niêm yết 750 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE vào cuối quý III/2018

Với tham vọng giá trị vốn hoá đạt 1 tỷ USD sau niêm yết.  Trong năm 2018, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017; tổng tài sản tăng 37% lên 116.000 tỷ đồng. OCB cũng đưa ra chỉ tiêu hạn chế các khoản nợ xấu dưới 2%, thấp hơn 1% so với mục tiêu chung của ngành ngân hàng (3%).

Nợ xấu nhóm 3 tăng mạnh

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2018 cho thấy, tổng tài sản của OCB là 77.628 tỷ đồng, giảm 7,9% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN, tiền gửi và cho vay TCTD khác giảm mạnh lần lượt 49% và 71% xuống còn 1.572 tỷ đồng và 2.975 tỷ đồng. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đạt 8,8%, nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 51.974 tỷ đồng. Ngoài ra, thu nhập lãi thuần trong quý I của OCB tăng khá mạnh với mức 62% so với cùng kỳ, đạt 775 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán đầu tư đem về cho OCB khoản lãi đột biến, đạt 277 tỷ đồng, cao hơn 5 lần so với cùng kỳ.

494
tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng TMCP Phương Đông trong quý I/2018, tăng 154% so với cùng kỳ năm 2017.

Sau khi trừ đi các chi phí, lợi nhuận trước thuế của OCB là 619 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch lãi trước thuế 2.000 tỷ trong năm nay, OCB đã hoàn thành được 31% kế hoạch năm dù mới chỉ bước qua quý đầu năm.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, nợ xấu tuyệt đối tại ngân hàng tăng 253 tỷ đồng lên 1.117 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 tăng mạnh. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của OCB tăng từ 1,79% cuối năm 2017 lên 2,13% cuối quý I/2018. Nợ xấu nhóm 3 là các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày theo quy định của NHNN.

Nhìn vào cơ cấu cho vay của OCB cho thấy, tín dụng của ngân hàng này chủ yếu tập trung vào mảng cho vay ngắn hạn hay còn gọi là vay nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro…

Đáp ứng chuẩn Basell II

Tại Đại hội cổ đông thường niên mới đây, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, cho biết để thực hiện kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng năm 2018, từ nhiều năm nay, OCB hướng đến áp dụng quản trị hệ thống theo tiêu chuẩn quốc tế, là một trong những ngân hàng đầu tiên áp dụng thành công Basel II. OCB cũng đầu tư nền tảng ngân hàng số tiên tiến Omni-Channel. “Về lâu dài, việc áp dụng các chuẩn mực Basel II sẽ đem lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng cũng như cổ đông ngân hàng”, ông Trịnh Văn Tuấn nhấn mạnh.

Việc áp dụng và triển khai Basel II thành công đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư, tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu. Theo đó, khách hàng sẽ được hưởng các quyền lợi về các điều kiện cấp tín dụng phù hợp với mức độ rủi ro của khách hàng.

Niêm yết trên HoSE

Đầu quý III/2018, OCB sẽ đưa 750 triệu cổ phiếu niêm yết trên HoSE và dự kiến đạt giá trị vốn hóa khoảng 1 tỷ USD sau khi niêm yết. Tuy nhiên, mức giá chào sàn vẫn chưa được ngân hàng này tiết lộ.

Theo đó, OCB sẽ phát hành lượng cổ phiếu trị giá khoảng 800 tỷ đồng (35 triệu USD) cho nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ vào quý III năm nay sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 14,2% và phát hành cổ phiếu tỷ lệ 20,5% cho các cổ đông hiện hữu.

OBC cũng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm 50%, đạt 7.500 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu trước khi niêm yết. Ngoài ra, OCB cũng dành nhiều nhất 25% vốn cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trước khi niêm yết. Đồng thời, OCB sẽ tiến hành tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư tại Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và London vào cuối năm nay.

Nếu kế hoạch đúng như dự kiến thì OCB sẽ trở thành ngân hàng thứ 4 niêm yết trên HoSE trong năm nay, sau HDBank, TPBank và Techcombank. Trong đó, TPBank cũng có mục tiêu như OCB là đạt được giá trị ít nhất 1 tỷ USD vốn hoá khi lên sàn.

"OCB là một trong số ít các ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tốt ở Việt Nam và có hơn 25% room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ sẽ giúp ngân hàng thu hút được các nhà đầu tư khi chào sàn", ông Trịnh Văn Tuấn nói.

Rào cản vốn hóa tỷ USD

Theo nhiều chuyên gia phân tích tài chính, tham vọng thu hút vốn khoảng 1 tỷ USD của OCB có thể sẽ gặp một số thách thức. Ngoài những rủi ro về thị trường trong đợt phát hành sắp tới, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bị các nhà đầu tư bán mạnh trên thị trường trong các phiên giao dịch vừa qua. Như vậy, cổ phiếu ngân hàng trong thời điểm hiện tại không còn là tâm điểm hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Theo thống kê, chỉ số P/E của và OCB là 12,03, thấp hơn so với con số trung bình của ngành ngân hàng là 17,07. Xét về hiệu quả sinh lời dựa trên hai chỉ số tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), Techcombank đang là ngân hàng dẫn đầu với số liệu tính toán của các chuyên gia lần lượt là 2,55% và 27,71%, cao hơn cả VPBank, Vietcombank và OCB (1,1% và 20,3%). Nếu so sánh với tỷ lệ ROE trung bình của toàn ngành ngân hàng hiện ở mức 10,2% cho thấy OCB đang hoạt động khá hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu so sánh tổng tài sản, tổng doanh thu, mạng lưới giao dịch, đội ngũ CEO chuyên nghiệp và các vị thế thương hiệu của OCB với trung bình ngành hiện nay còn là một khoảng cách khá xa.
Trong khi đó, các ngân hàng lớn đang chật vật tìm đối tác ngoại để bán vốn thì trường hợp một ngân hàng nhỏ như OCB nhằm đạt tham vọng nâng vốn hoá khi lên sàn niêm yết quả là một thách thức cũng không hề nhỏ.

Hà Phương