Giao dịch chứng khoán phái sinh cao kỷ lục trong tháng 5
Tổng khối lượng giao dịch của thị trường chứng khoán phái sinh trong tháng 5/2018 đạt 1.640.735 hợp đồng, tăng 191,17% so với tháng 4/2018.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 5, giá các hợp đồng tương lai cũng biến động theo chỉ số thị trường cơ sở. Cụ thể với trường hợp mã hợp đồng tương lai đáo hạn vào tháng 5/2018, tại thời điểm niêm yết trong tháng 3, khi kỳ vọng đối với thị trường cơ sở tăng, hợp đồng được giao dịch với giá cao hơn chỉ số VN30. Tuy nhiên khi còn một tháng đến thời điểm đáo hạn, giá của hợp đồng tương lai bám sát chỉ số và biến động đồng đều với chỉ số. Thanh khoản thị trường tập trung vào hợp đồng kỳ hạn ngắn, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động.
Trong tháng 5, chỉ số VN30 tiếp tục biến động mạnh, sụt giảm hơn 100 điểm và chỉ có dấu hiệu tăng điểm trong 3 ngày cuối tháng. Trong khi đó, khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh liên tục tăng và đạt kỷ lục mới. Tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch danh nghĩa của thị trường chứng khoán phái sinh tăng mạnh, đạt 1.640.735 hợp đồng và 162.529,58 tỷ đồng, tăng lần lượt 191,17% và 162,46% so với tháng 4. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 74.579 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 7.387,7 tỷ đồng/phiên, với mức tăng lần lượt là 151,46% và 126,82% so với tháng trước.
Khối lượng giao dịch cao nhất vào ngày 30/5 với 114.240 hợp đồng và giá trị giao dịch danh nghĩa đạt hơn 10.446 tỷ đồng, tương ứng gấp 1,8 và 1,6 lần so với kỷ lục lập trong tháng 4. Thị trường chứng khoán phái sinh đã trở thành một kênh thu hút các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường cơ sở nhiều biến động.
Khối lượng mở OI toàn thị trường duy trì ổn định trong suốt tháng và đạt 11.008 hợp đồng tại ngày 31/5, tăng 32,4% so với tháng 4, khối lượng mở OI cao nhất đạt 13.856 hợp đồng ngày 28/5.
Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh được mở tiếp tục tăng 12,77% so với tháng trước, đạt 30.995 tài khoản. Hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (97,48%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước vẫn rất khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 0,28% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng gấp đôi so với tháng 4, chiếm 2,18% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 5 tăng nhẹ so với tháng 4, đạt 2.081 hợp đồng, chiếm 0,06% khối lượng giao dịch toàn thị trường. Tổ chức nước ngoài cũng bắt đầu giao dịch nhiều hơn trên thị trường chứng khoán phái sinh, với 992 hợp đồng được giao dịch, gấp 5 lần so với tháng 4.
Tuy nhiên, chứng khoán phái sinh có đòn bẩy tài chính cao, nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Bởi vậy trong thời gian qua, chứng khoán phái sinh chủ yếu được các nhà đầu tư chốt lời trong ngày, chứ chưa thực sự trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro trung và dài hạn đúng nghĩa.
"Nếu giá hợp đồng tương lai mà nhà đầu tư đã giao dịch biến động theo chiều hướng có lợi, nhà đầu tư sẽ ghi nhận một khoản lời lớn. Ngược lại, nhà đầu tư sẽ thua lỗ không nhỏ", một chuyên gia tài chính cảnh báo và nhấn mạnh, nếu khoản tiền ký quỹ trong tài khoản của nhà đầu tư giảm xuống dưới mức quy định mà nhà đầu tư không ký quỹ bổ sung kịp thời, các công ty chứng khoán sẽ buộc phải đóng bớt một phần hoặc toàn bộ trạng thái hợp đồng mà nhà đầu tư đang nắm giữ. Theo đó, tài khoản nhà đầu tư có thể sẽ ghi nhận khoản lỗ cao hơn mức ký quỹ ban đầu mà nhà đầu tư đã nộp vào trước khi giao dịch, thậm chí mất trắng khoản ký quỹ ban đầu.
Bởi vậy, để phòng ngừa rủi ro, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các quy định, cách thức giao dịch, đặc biệt cách thức ký quỹ để tránh những thua lỗ lớn. Ngoài ra, việc phân tích, dự báo xu hướng biến động của thị trường cơ sở cũng vô cùng quan trọng khi tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh.