Coteccons đang đi đúng hướng?

TS. Đinh Thế Hiển 06/06/2018 05:01

Việc nguyên lãnh đạo cao cấp của CTCP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) ra lập công ty mới và có doanh số lớn khiến thị trường đặt dấu hỏi về chiến lược của Coteccons...

Thực tế ghi nhận phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp lớn, một khi đã mở rộng quy mô đầu tư và phát triển đạt đến mức độ nhất định, nếu muốn công ty thực sự trở thành số 1 thực sự trên thị trường, thì phải là công ty Holdings (dạng công ty tập đoàn làm chủ cổ phần ở nhiều doanh nghiệp khác, không trực tiếp sản xuất hàng hóa dịch vụ) và với lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất là bất động sản, trừ những công ty đi lên từ tiêu dùng và đã thành danh như Vinamilk, Sabeco...

Casino Nam Hội An - Một dự án lớn Coteccons đang thi công

Casino Nam Hội An - Một dự án lớn Coteccons đang thi công

Coteccons đã thành danh trong lĩnh vực xây dựng và gần như là số 1 trên thị trường Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên với lõi giá trị của mình, công ty không thể đi vào chiều sâu trong lĩnh vực này để trở thành những "ông lớn" xây dựng trên thế giới - vốn đòi hỏi nền tảng và giá trị lớn nhất nằm trong khâu thiết kế và quản lý những dự án quốc tế lớn - không đơn thuần là nhà thầu/thi công.

Do vậy, Coteccons thời gian qua có xu hướng chuyển bước công ty mẹ hoạt động theo mô hình Holdings và dựa trên nguồn tiền lớn của mình để mua lại những tài sản, dự án bất động sản tốt, có dòng tiền sinh lời đều, là bước đi đúng để trở thành tập đoàn lớn vững chắc.

Với giá cổ phiếu đang cao ngất, việc tăng vốn thu tiền lớn khá thuận lợi để Coteccons thực hiện đầu tư vào bất động sản dài hạn - như cách tỷ phú bất động sản Hồng Kong đã làm. Còn mảng xây dựng được giao cho công ty con thực hiện, và cũng sẽ niêm yết. 

Con đường của Coteccons đã đi giống như Hoà Bình Group đi trước đó, và cũng giống như một số doanh nghiệp khác, ví dụ Trường Hải từ lĩnh vực Ô tô, góp vốn đầu tư vào Đại Quang Minh... Với nguồn tài chính tốt, Coteccons sẽ đầu tư dài hạn hiệu quả hơn, và cũng giảm thiểu được phần nào rủi ro khi không nhắm hướng tích lũy hoặc mở rộng dự án không từ con đường đầu tư-mua lại.

Do vậy, chưa thể nhận định Coteccons đang sai đường, mà ngược lại cần nhìn ở góc độ là một bước đi mới để doanh nghiệp "lột xác"(!). 

Việc một công ty xây dựng mới ra đời từ vị cựu lãnh đạo của Coteccons và ngay trong vòng tuổi đời mới khởi sự của một doanh nghiệp, đã ghi nhận doanh thu rất lớn, càng chứng minh rằng với những doanh nghiệp không nắm giữ trọn một chu trình sản xuất - kinh doanh-phân phối khép kín, thì yếu tố chất lượng và giá thành cạnh tranh mới là tiên quyết - không phải là yếu tố thương hiệu của công ty.

Hay nói cách khác, nhà đầu tư khó có thể tham gia vào một công ty như vậy nhằm kiếm lời từ năng lực gia tăng của doanh nghiệp từ thương hiệu, bởi chăng đó là "công ty bán thành phẩm"?. 

Cần lưu ý rằng một doanh nghiệp sản xuất "đầu-cuối", chi phí làm thị trường và xây dựng giá trị thương hiệu bao gồm cả chi phí cơ hội lẫn thời gian rất lớn, nhỏ và ngắn phải vài năm, nhiều thậm chí trên 10 năm. Ví dụ trong ngành sữa, dài lâu nhất có Vinamilk, ngắn và mới đây cũng có thời gian cả thập kỷ như TH True Milk mà cũng chưa dễ dàng có được một phần thị trường. Vì vậy, các công ty này được định giá doanh nghiệp và kỳ vọng năng lực sản xuất tương đồng giá trị thương hiệu có thể lại giá trị gia tăng, phản ánh vào giá cổ phiếu rất cao. 

Vậy điều gì có thể bảo chứng cho giá cổ phiếu của CTD, vẫn đang trên 150.000đ/cp, dù đã điều chỉnh rất mạnh? Câu trả lời chỉ có thể là sự điều chỉnh chiến lược như đã được lý giải một phần!

TS. Đinh Thế Hiển